Những Loài Chim vào Thuở ấy

Xóm làng cũ nơi quê tôi lúc đang còn nguyên vẹn, là khi mà bờ bụi đang còn là ranh giới cho mỗi khu vườn ở.Những bụi cây,những bờ bổi xanh tươi bên dưới gốc những hàng duối già, thân cây to tướng được xếp thẳng tắp thành bờ, cành lá của chúng xum xuê tỏa quanh ra tứ phía, tạo thành một cái tán rộng cho những bóng thật mát, giúp cho con người lắm lúc làm việc quá mệt cần núp vào dưới những bóng mát ấy để nghỉ ngơi một đôi lúc. Quanh khu vườn ở của mỗi nhà đều có những hàng tre bao bọc, tạo thành những hàng rào chắn giúp bảo vệ an ninh cho mọi người cùng sống chung trong một gia đình, tức để ngăn chận hành vi những kẻ xấu, lắm lúc muốn đột nhập vào nhà thực hiện việc trộm cắp của cải chẳng hạn.

Với con người là như vậy,nhưng những bụi bờ và lùm cây xanh tốt trong tự nhiên, cũng là môi trường sống thuận lợi cho các loài chim muông của trời đất.Cuộc sống của con người vào lúc nầy tại quê nhà chúng tôi đang còn khó khăn và vất vả lắm, vì các nếp văn minh của nhân loại chỉ xâm nhập vào làng xóm ở quê mới chỉ có chừng đó thôi,có nghĩa là con trâu đi trước cái cày theo sau,người nông dân phải ra sức lao động mới kiếm được miếng sống.Nhưng cái vui của họ bên cạnh cái phải chịu sự vất vả đó, thì con người lại được sống một cách hài hòa cùng với thiên nhiên, được nhìn ngắm mọi sinh hoạt từ các loài chim muông sống chung cùng bầu trời với họ, khi mà chúng vô tư lự đang bay lượn trong từng khu vườn ở từ mỗi nhà. Sinh hoạt của các loài chim chóc quanh vườn cũng đã tạo được nhiều thú vui giúp cho con người,bởi từ tiếng hót líu lo gồm nhiều âm điệu khác nhau của mỗi loài,tiếng hót ấy đã phát ra từ những bụi bờ, lùm cây quanh vườn,âm thanh ấy đã len vào tiềm thức con người,giúp con người có được những giây phút thư giản bởi những âm điệu du dương từ tiếng hót của nhiều loài chim.Mỗi khi thưởng thức được những tiếng ca,tiếng hót của một loài chim nào đó, lúc mà chúng đang nhảy nhót phát ra nơi các bụi bờ trong khu vườn nhà mình,đã giúp cho con người cảm thấy sự thỏa mái trong tâm hồn dù đang là lúc làm việc rất mệt mỏi.

Vào những buổi bình minh khi bầu trời từ phương đông vừa hưng hửng sáng,mọi người đều nghe được những tiếng kêu thật lớn kéo dài thành từng tràng “Bịp bịp bịp bịp bịp ...“mà các tiếng đầu tiên thật lớn càng về sau nhỏ dần kéo ra thành cái đuôi, mà loài chim bìm bịp kêu gọi trở canh vào lần cuối qua một đêm,tiếng kêu to thành từng tràng dài của loài chim Bìm bịp, hòa cùng sự ồn ào nhốn nháo của tiếng mấy anh gà trống gáy sáng, tạo nên một loạt âm thanh sôi động vào giờ nầy,cái giờ đang còn ngái ngủ khi con người mới đang tỉnh giấc.Tiếng ồn ào ấy đã giúp cho con người vào lúc ấy lấy lại được cái tinh thần phấn chấn vào buổi đầu ngày.Bên cạnh đó cũng phải kể đến cả những buổi trưa hè oai ả, mà lũ bù chao lùm lại làm dậy sóng nơi các lùm cây sau hè ,tiếng gào của chúng cũng đã làm vang dội cả một góc trời, lúc mà sức nóng ban trưa của mặt trời đang hừng hực.Tuy nhiên,con người vẫn không thấy mấy buồn bởi cái loại âm thanh ồn ào đó của chúng ,mà ngược lại, lại thích loại tiếng chí chóe của lũ bù chao, mà cho đó là một loại âm thanh vui nhộn, giúp con người có được những giây phút thư giản vào lúc ban trưa, khi mà mọi người đang phải tìm một nơi mát để nghỉ ngơi, chống lại cái bầu không khí oi bức vào giờ nầy.Cái loại âm thanh ồn ào mà vui nhộn đó,con người thường gọi đó là cái ồn của bọn “bù chao lùm”. Vui nhất vào những lúc có tiếng ồn ào của bọn bù chao lùm như vậy, bọn trẻ con chúng tôi trong cả xóm,cứ mỗi lần nghe bọn Bù chao la hét là cả bọn lại gọi nhau í ới,rủ nhau chạy ra lùm cây nhướng mắt để nhìn theo mà xem lũ bù chao khuấy động,chúng hò hét phát ra những âm thanh ồn ào náo nhiệt.Đã gọi là “Bù chao lùm"một đàn bọn chúng tập trung lại đông lắm có cả trên 5,7 chục con là ít,chỉ ước tính thế thôi chứ không tài nào đếm được vì chúng liệng qua,nhảy lại huyên thiêng trên những cành cây,mà cũng cùng lúc đó chúng lại mở to miệng để la,cái vui là chúng không sợ người, khi mà chúng bắt gặp bọn trẻ con chúng tôi đang đứng sát gần bên cạnh bọn chúng.Đúng vậy,thật sự thì bọn trẻ con chúng tôi vào cái thuở ấy cũng rất hiền,không bao giờ muốn phá phách bọn chúng bằng những hành động lia,ném đất đá,mà ngược lại bọn trẻ con chỉ muốn nhìn chúng thi nhau gào thét, làm náo động cả một vùng trời nơi các lùm cây sau vườn, là lúc mà bọn chúng đang tụm nhau lại gào la,hò hét dữ dội như vậy, thì bọn trẻ con chúng tôi cũng lại cảm thấy rất là vui.

Bây giờ nhớ lại những lúc ấy, tuy rằng không biết bọn chúng nói với nhau những gì, la lối vì những lý do gì,nhưng con nào cũng nhướng dài cổ ra mà la,mà gào,tiếng la của cả bọn hòa vào nhau tạo thành một vùng âm thanh ồn ào đáng kể,do vậy mà chúng đã được loài người đặt cho cái tên là ồn như lũ “bù chao lùm”.Đó là những kỹ niệm vào cái thời thơ ấu của bọn trẻ con nhà quê chúng tôi,mà nay vẫn còn nhớ lại được như in trong trí, về những kỹ niệm của cái thuở thiếu thời ngày ấy. Đó là những kỹ niệm đẹp trong khoảng thời gian mà mỗi con người đã phải kinh qua vào cái thuở đầu đời, do vậy mà khi nhớ lại thì thấy nó vẫn còn rất đẹp,đẹp lắm.Cái đẹp của cái tuổi ấu thơ, nên bây giờ lắm lúc nếu có được một khoảnh khắc nào đó thảnh thơi, ngồi ôn lại các sinh hoạt của mình vào cái thời niên thiếu, vẫn hình dung lại được cái vẻ đẹp ấy một cách rõ ràng. Bởi là nó rất đẹp, nên muốn ghi lại một số nét về các sự kiện đã trải qua thuộc về cái thời quá khứ ấy của mình.Nhưng cái đẹp nhất vào cái thời ấy vẫn là sự quan sát, về nét hoạt động của các loài chim mà một thời đã sống gần gũi với loài người, vào cái thuở mà làng xóm đang còn được yên bình, mà mỗi con người được sống với xóm làng tại quê đã trải nghiệm, những đặt tính về một số loài chim mà họ đã nhìn thấy.Ghi lại như vậy cũng với dụng ý là giúp cho cháu chắt các đời về sau của mình, để chúng biết được một số nét về đời sống của một số loài chim trong tự nhiên đã có một thời, chúng sống thật gần gũi với loài người vào cái thuở xa xưa, lúc mà xóm làng của tổ tiên bọn họ đang còn nguyên vẹn trong sự bình yên một thời của ông bà họ.Còn bây giờ vào cái thời của bọn trẻ, thì nó đã không còn được cái vẻ đẹp nguyên sơ của những ngày tháng ấy nữa , quan cảnh tự nhiên của xóm làng vào cái thời thuộc về tổ tiên của họ đã bị biến dạng mất cả rồi,biến dạng bởi từ nhiều biến cố xảy ra mà cũng lại là do con người tạo nên vậy.

Đặc tính của một số loài chim đã có một thuở sống cận kề bên cạnh loài người.

Trước tiên xin nói đến loài chim chèo bẻo:

1) CHIM CHÈO BẺO

Loài chim chèo bẻo có nhiều nét khá đặc biệt, thứ nhất là luôn thức dậy rất sớm vào lúc mà trời chưa rưng rựng sáng.Hình dạng của loài chim nầy thì khác xa với các loài chim khác,nhỏ con,cánh ngắn, đuôi dài mà nơi chót lông đuôi luôn chẻ thành hình chữ V,loài chim chèo bẻo có nhiều màu lông,nhưng phần lớn chèo bẻo nơi xứ ta thì màu lông luôn đen mượt,tất cả các đặc tính về chúng,chúng ta sẽ quan sát kỹ hơn và ghi lại nơi phần sau.

Còn bây giờ chúng ta hãy nhìn và chứng kiến hình ảnh một trận đấu trí và kể cả đấu sức giữa hai chú Chèo Bẻo với chú Diều Hâu đã tạo nên một trận chiến thật dữ dội,tuy nhiên,những trận đấu như vậy không phải thường xuyên mà có,mà chứng kiến được đâu, chỉ một đôi lúc tình cờ mới bắt gặp được cảnh tượng dữ dội, diễn ra như vậy giữa hai loài chim là chèo bẻo với diều hâu. Hôm nay may mắn cuộc chiến đã xảy ra tại nơi khu đất trống trước nhà,đúng lúc chị gà mái sề đã dẫn bầy con của chị ra nơi đó bươi chải để kiếm mồi ,cũng cùng lúc đó, chú Diều Hâu cũng đi kiếm mồi đang bay lượn bên trên,đôi mắt chú láo liếng liếc nhìn mà tìm cách để bắt những chú gà con của chị,vào cái lúc mà chú ta cũng đang bị đói ngáo ruột qua một đêm.Chú diều bay lượn vòng vèo nhiều vòng trên không quanh khu vực đám cỏ,cái đầu đang nghiêng nghiêng sang từ hai phía, giúp cho cặp mắt dáo dác đễ dòm ngó đến những chú gà con đang chạy tung tăng bên dưới cùng với mẹ chúng. Nhưng cái rủi của chú Diều Hâu vào lúc nầy lại gặp ngay vợ chồng anh Chèo Bẻo, cũng đang đứng trên mấy cành tre non mới vừa ra lá bẻo nơi bờ tre trước vườn,anh chị đang đứng mà chuyện trò với nhau nơi chót vót của ngọn tre măng cao vuốt, cao quá cả hơn vài thước đối với những ngọn tre già của cả bờ tre,đó là những ngọn tre măng mới vừa rớt những bẹ mo nang nhỏ để xòe ra những lá non xanh mượt, được gọi với cái tên là “lá bẻo”.Ngọn tre măng lá bẻo là nơi lý tưởng mà các anh chị chèo bẻo thường ưa thích đậu trên đó, vì chúng suông sẻ không có gai mà màu lá xanh mượt rất đẹp.Buổi sáng hôm nay lại có cả vợ chồng anh chị Chèo Bẻo đang đậu trên ngọn tre măng trước vườn, anh chị cũng đang liếc mắt nhìn để tìm mồi vào buổi sáng,nhưng mồi thì chưa tìm thấy mà lại bắt gặp ngay chú diều hâu đang bay quần mà nhìn bầy gà con bên dưới.Diều hâu có lẽ là loại khắc tinh của loài chèo bẻo,nên gặp đâu là lập tức chúng săn đuổi ngay đấy, và đây là một trận chiến đã xảy ra giữa chèo bẻo và diều hâu rất ác liệt trên khoảng không gian nơi vạt đất trống trước nhà mà chúng ta được chứng kiến.

Không cần có sự yêu cầu từ một ai cả,khi đã bắt gặp anh diều hâu bay lượn trước mắt mình, thì cả hai vợ chồng anh chị chèo bẻo liền nhào xuống, bay liếc một cách thật nhanh nhào lộn quanh người chú diều hâu , mổ mà cắn liên tục vào thân hình của chú ta,làm cho chú diều phải chao mình hạ thấp nhiều lần, để trớ tránh những cú mổ ác hiểm từ cặp mỏ sắt của anh chị Chèo bẻo,hai anh chị nầy thi nhau bay lượn thật nhanh sát bên mình kẻ thù, con nầy nhào vô,con kia lại né ra chúng thay phiên nhau mà mổ vào thân anh Diều, tạo nên một cuộc chiến dữ dội giữa hai loài chim một lớn với hai nhỏ. Đây là cuộc chiến mà tình cờ chúng ta đã mục kích được,lúc vợ chồng anh chèo bẻo bị chướng mắt khi bắt gặp chú Diều hâu,cũng đồng lúc ấy anh chị đã lại giúp cho chị gà mái sề bên dưới,lúc chị cũng đang xù lông,xòe cánh nhướng cổ mà gào lên những tiếng cục tát thật to hình như trong ý muốn chị ta đang kêu cứu. Bên cạnh đó chị ta cũng đang cố hết sức như muốn dùng tài cán của chính mình để bảo vệ cho đàn con của chị, khi mà chị đã nhìn thấy được chú Diều hâu,là kẻ thù đang bay quần rình rập để muốn bắt những đứa con của chị. Lúc vừa nhìn thấy được chú diều, chị gà mái liền cục tác mấy tiếng thật to để ra lệnh cho bọn gà con chạy trốn,mà lúc được lệnh từ mẹ chúng, bọn gà con đã chạy tán loạn mà tìm chỗ lẫn trốn để thoát khỏi đôi mắt cú vọ của chú Diều hâu,chúng chui đầu núp mình vào những bụi cỏ rậm,bụi cây nhỏ chung quanh mà nín khe, tạo nên một vùng không gian thật yên lặng, để cho mỗi mình mẹ chúng tung hoành,chị gà mái đang xòe cánh,nhướng cổ,xừng lông mà chạy lanh quanh trong tư thế sẵn sàng đối phó với kẻ thù, một khi chú diều hâu nếu nhào xuống.

Nhưng cái may mắn của chị ta là vào lúc nầy , bên trên vùng trời mà chị đang đứng, lại có cả hai vợ chồng anh chị chèo bẻo đã nhìn thấy chú diều hâu,một đối tượng như là khắc tinh của bọn họ,anh chị chèo bẻo đã xông ra ngay bay liếc thật nhanh mà cấu xé vào chú diều hâu , hành động ấy đã giúp cho chị gà mái sề phen nầy bảo vệ được cho bầy con của chị một cách an toàn.Hai con chèo bẻo bay lượn thật nhanh,chúng bám sát vào thân hình của chú diều hâu,chúng dùng cặp mõ sắt của chúng để mổ,để cấu xé mà uy hiếp chú Diều,làm cho chú diều một phen phải khíp vía.Hai anh chị Chèo Bẻo thay phiên nhau bay lượn quanh mà sà sát vào bên trên lưng chú Diều hâu để mổ mà cấu xé,lắm lúc ta nhìn thấy như anh chèo bẻo đã đứng hẳn lên lưng chú Diều mà mổ,mà cắn vào nơi cái đầu của chú ta, làm cho chú diều hết đường né tránh những cú đòn hung hiểm của anh chàng Chèo Bẻo nhỏ thó nầy,lúc nầy thì Diều ta không còn hồn vía nào nữa để mà dòm ngó đến đàn gà con.Đã đến lúc diều hâu không còn chịu nổi những cú đòn hiểm ác từ anh chị chèo bẻo, nên phải tìm cách mở đường mà bay vút lên cao một cách thật nhanh để tìm đường thoát thân, lúc ấy là lúc mà chú Diều ta không còn hồn vía nào nữa để mà màn tới những miếng mồi ngon,khi anh ta đã nhìn thấy lúc ban đầu.Diều đã bay đi mất dạng cũng là lúc cuộc chiến được chấm dứt.Anh chị chèo bẻo lại bay lên đậu lại trên cành tre non như trước,bên dưới mặt đất nơi trước vườn, chị gà mái sề lại cục tác lớn mấy tiếng,rồi lại dịu giọng mà kêu túc túc,cục cục nhiều tiếng nho nhỏ để gọi đàn con của chị chạy ra tập trung lại, là lúc được báo hiệu cái nguy hiểm đã qua hết rồi.

Black
Drongo

Thế là mẹ con chị gà mái sề đã thoát nạn,như để trả ơn vợ chồng anh chị Chèo Bẻo,lúc mà anh chị mới vừa bay lên đậu lại trên ngọn tre măng, gà mái sề lại cất cao cổ cục tác liên hồi nhiều tiếng, như để làm hiệu mà nói lời cảm ơn với hai người bạn nhỏ mà tài cao.Con người thì không biết được tiếng cục tác ấy mang ý nghĩa gì,nhưng có lẽ với các loại điểu cầm thì chúng có thể sẽ hiểu được nhau.Hành động từ chị gà mái biểu diễn mà chúng ta đã nhìn thấy, có thể chúng ta phải nghĩ hành động ấy là như vậy.

Đó là động thái mà loài chim chèo bẻo đã thể hiện,do vậy mà loài chèo bẻo cũng được người đời ghép bọn chúng vào loài chim hào hiệp nhất,bởi chúng thường giúp cho nhiều loài chim khác nữa lúc bị gặp nạn, bởi những lúc mà kẻ thù to lớn hơn đang uy hiếp,như trường hợp mẹ con chị gà mái sề mới vừa trước đây mà chúng ta đã mục kích được, đó là một ví dụ.Nhưng với cặp mõ sắt,với đôi cánh nhỏ mà cứng cáp, đã giúp cho loài chèo bẻo bay lượn một cách thật nhanh,cái nhanh mà ta thường ví là như điện chớp, cũng lại được loài người ghép chúng vào loài chim hung dữ nhất trong các loài chim,có nghĩa là chúng không bao giờ bị khuất phục bởi một cường quyền nào,từ các loài chim có thân hình to gấp chúng nhiều lần, mà nổi tiếng là hung ác,như ở xứ ta là loài diều hâu kể cả bọn quạ đen cũng vậy.

Trên đây là một trận đấu trí mà cũng vừa là đấu sức giữa cặp vợ chồng anh chèo bẻo,mà bọn họ có thân hình nhỏ xúi,đối với anh diều hâu to đùng, chúng ta đã vừa chứng kiến một cách trọn vẹn, thật ngoạn mục suốt cả một trận đấu từ đầu cho đến cuối.Muốn biết về tài của loài chim chèo bẻo,chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về bản chất cùng các sinh hoạt của loài chim nầy qua nhiều khía cạnh.

a) Loại tre măng lá bẻo và loài chim chèo bẻo theo cách gọi của người đời có quan hệ với nhau hay không? Chuyện nầy thật sự thì tôi không biết,tuy nhiên lúc mà ngọn tre măng với những nhánh ngang nhỏ xíu trên chót, mới vừa rớt mo để xòe lá,cũng là lúc mà mấy anh chèo bẻo rất thích đậu trên đó,vì ngọn tre măng cao nghẹo trội hơn các ngọn tre già khác chung quanh trong cả bờ tre,đó là môi trường thích hợp để những anh chàng chèo bẻo đậu mà đứng vất vẻo, nhìn tứ phía để tìm mồi,bởi chèo bẻo là loại chim bắt những con mồi trên không,chứ không phải dạo tìm mồi nơi mặt đất như một số loài chim khác. Một khi mà loại côn trùng như cào cào,châu chấu,bươm bướm bay lên khoảng không, lọt được vào đôi mắt của các anh chị ,tức thì bẻo ta bay sà xuống xớp ngang đớp liền một cái là bắt được ngay,chúng bắt mồi bằng cách nầy thì con người rất khó mà nhìn thấy kịp hành động của chúng,tuy nhiên nếu có dịp đứng gần một chút thì vẫn nghe được một tiếng “cợp"khá lớn, từ cặp mõ cứng của chúng chạm vào nhau mà phát ra cái tiếng cợp lớn như thế.

Tre măng ra lá bẻo vào mùa nào? Tre có hai mùa lên măng,đó là măng tháng giêng và măng tháng tám.Măng tháng giêng thì cây sẽ trưởng thành vào khoảng tháng ba ( ÂL), vậy măng ra lá bẻo là đúng vào khoảng tháng nầy,mà vào những tháng nầy thì khí trời thật đẹp, nên cái sinh hoạt của chim chóc cũng thật là nhộn nhịp,trong đó loài chim chèo bẻo là loài gây ấn tượng nhất vào mỗi buổi sáng ,bằng cách chúng đậu thật cao trên những ngọn tre mới vừa ra lá “Bẻo” để chuyện trò mà âu yếm với nhau,phát ra những tràng dài bằng câu " chèo beo chẹt, chèo beo chẹt v.…v”.

Măng tháng tám thì tre măng trưởng thành vào khoảng tháng mười âm lịch,nhưng vào mùa nầy măng thường bị gió bão bẻ gãy ngang nửa cây vào các trận bão trong tháng 8, hay tháng 9 ta, vì đây là mùa gió bão,do vậy tre măng trưởng thành khá ít,mà cây tre cũng không cao lắm,bên cạnh không khí mùa nầy lại hơi se lạnh nữa, nên chúng ta ít nhìn thấy loài chim chèo bẻo đậu trên ngọn tre măng vừa ra lá bẻo vào khoảng thời gian nầy.

Cái quan hệ giữa cây măng ra lá bẻo,và loài chim chèo bẻo có quan hệ gì với nhau hay không ? không rõ,nhưng chúng có cái âm trùng nhau bởi hai từ “Bẻo-Bẻo” .Do vậy chúng có quan hệ gì với nhau hay không, có thể trong chúng ta không ai xác định mà giải thích được,nhưng loài chim chèo bẻo thì thường ưa đậu trên mấy ngọn tre măng vừa ra lá bẻo là có thật,vì vậy sự kiện trên chúng ta có thể liên tưởng là chúng có quan hệ với nhau bởi từ hai chữ có âm “Bẻo,Bẻo” của loài chim chèo bẻo và những lá tre non vừa nở xòe ra được gọi là lá “Bẻo"vậy thôi,đúng hay sai thì cũng xin chịu vì không có một sự tích nào lưu lại dùng để diễn giải về sự trùng hợp nầy !!!.

Tìm hiểu một số đặt tính về đời sống loài chim Chèo Bẻo.

Chim Chèo Bẻo là một loại chim có thân hình thon gọn, không to lắm,chỉ ở vào dạng trung bình bằng thân mấy loại sáo: như sáo đen,sáo sậu, nhồng lai,có nghĩa là to hơn thân hình bọn Chất Hoạch,Chào Mào.Cổ chèo bẻo ngắn nên bộ lông từ chóp đầu đổ xuống đến thân đều liền nhau cùng một màu lông, không tạo cái vòng khoan nơi cổ. Chim Chèo Bẻo có nhiều sắc lông,tùy vào khí hậu thích hợp từng vùng,nhiều nơi loài chim nầy có màu lông hơi xám xám hay nâu đen.Nhưng ở xứ ta,đặc biệt loài chim Chèo Bẻo chỉ có một màu lông đen tuyền từ đầu xuống lưng cánh bụng mỏ mắt và kể cả chân.So với các loài chim khác, chèo bẻo có đôi cánh ngắn nhưng bộ xương cánh rất cứng mà rất khỏe,chính nhờ vậy mà chèo bẻo bay lượn thật nhanh khi bay để đớp mồi giữa khoảng không gian.Khi chúng đậu trên ngọn cây, đôi cánh xếp gọn vào thân nên thấy bộ lông của chúng liền nhau,đổ suông từ nơi hai đầu cánh tức sát nơi vòng cổ mà xuôi và nhỏ dần đến tận chót đôi cánh,che phủ lên trên một chòm nhiều cộng lông đuôi dài chừng 15 cm ở phía sau,được gọi là bộ phận đuôi của chèo bẻo.Với chiều dài lông đuôi như vậy nó chỉ mới bằng phân nửa chiều dài của toàn thân,mà toàn thân thì ước chừng khoảng từ 30 đến 40 cm kể từ mõ cho đến chót đuôi. Một điểm đặc biệt khác nữa là nơi chót đuôi của mỗi chú chim chèo bẻo đều chẻ ra làm đôi tạo thành một hình chữ V,có loại không có đuôi chẻ hình chữ V như vậy,thì lại có hai lông phướn dài ra phía sau.Lông đuôi chẻ hình chữ V hay lông phướn có công dụng như là một bánh lái,giúp cho Chèo Bẻo lúc bay giữ được thăng bằng khi phải liếc nhanh để bắt mồi trên không gian.

Chim Chèo Bẻo ăn gì? Thức ăn của chúng là các loại côn trùng như: cào cào, châu chấu,các loài bướm,chuồn chuồn,bọ ngựa kể cả ong và bọ xít v..v ,và một đôi lúc chúng còn bắt thêm các loài bò sát nhỏ như rắn mối,thằn lằn kể cả những con rắn con và chúng cũng có thể ăn thêm những loại trái cây nhỏ,chín trong bịu bờ .Với các loại thức ăn của chúng như vậy,nên chèo bẻo được con người đánh giá là loài chim có lợi,vì chúng góp phần loại bỏ những loại côn trùng có hại đối với nhà nông.

Chèo Bẻo là loài chim rất chung thủy,chúng sống từng cặp nhưng đôi lúc lại tập trung thành từng đàn,tuy nhiên, không đông lắm chỉ chừng năm,bảy cặp mà thôi,phần lớn thì chúng sống lẻ từng đôi để dễ kiếm mồi,chúng thường đứng trên cây cao nơi các bờ bụi mà bên dưới đang có sự hoạt động của các loài vật kể cả con người,vì có sự hoạt động như vậy sẽ khuấy động đến các loại côn trùng làm cho chúng bay lên cao vào không gian,mà các anh Bẻo dễ dàng trông thấy để bắt.

Khi các con chim non đã trưởng thành,chúng sẽ cặp đôi với những con chim non của các nhóm khác mà tạo thành một đôi để sống chung với nhau, có nghĩa là trở thành một cặp vợ chồng của Bẻo.Chèo Bẻo thường sinh sản vào cuối mùa xuân cho đến mùa thu mỗi năm,mà mỗi lần đẻ con mái thường đẻ từ 3 đến 5 trứng,đẻ xong thì cả hai con trống lẫn con mái thay phiên nhau để ấp trứng, thay là lúc để cho con kia đi bắt mồi kiếm ăn,trứng sẽ nở vào khoảng 15 cho đến 17 ngày.Khi trứng nở tức vợ chồng anh chị bẻo có thêm một đàn con nhỏ,lúc nầy thì cả anh chị đều đi bắt mồi đem về để mớm cho đàn con.Và nuôi chúng như vậy trong vòng từ vài mươi cho đến hai mươi lăm ngày,lúc ấy thì các con của anh chị đã đủ lông,đủ cánh ,để tự lo cuộc sống cho riêng mình,cùng lúc nầy các con sẽ bay đi kiếm ăn và tìm bạn tình mà nhập bọn vào một đàn mới để sinh sống. Khi đến mùa sinh sản thì cả hai con cả trống lẫn mái, đều chung sức với nhau đi tìm vật liệu mà làm tổ,tổ của chúng thường được làm trên những cành cây khô,thật cao,thật thoáng cốt là để bảo vệ sự an toàn cho các con,do vậy mà tổ chim chèo bẻo thì rất là khó bắt.

Đặt tính của loài chim Chèo Bẻo là rất chung thủy,trong một cặp đã sống chung có thể nói đó là vợ chồng,nếu có một con trong số họ gặp một tai nạn nào đó mà qua đời,thì con còn lại sẽ sống lẽ loi như vậy cho đến trọn đời, chứ không tìm cặp thêm lần nữa với một con nào khác.Những con chèo bẻo non,chưa được thay lông nhiều lần thì màu lông của nó ta nhìn thấy hơi nhạt nhạt hơn những con già một chút.Loài chim chèo bẻo như ta thấy chúng là loài chim hung dữ,không bị khuất phục bởi một loài chim nào cả,cái đặc biệt là chúng nhỏ con mà bay lượn nhanh tạo ra nhiều điệu bộ,lúc chúng bay chúng thường xuyên cất bay cao,rồi tự hạ xuống thấp hơn cứ như thế mà tạo ra như là chúng đang biểu diễn các điệu múa đẹp. Đôi mõ chèo bẻo rất cứng và sắc bén,nên chúng mổ cắn những con chim to hơn chúng nhiều lần,cũng phải chịu thua ví như loài Ó tức Diều Hâu,hay quạ đen cũng vậy. Tiếng loài chèo bẻo kêu thành âm mà ta thường nghe như là " chèo beo chẹt,chèo bẻo chẹt"vào một số buổi chiều chúng tập trung lại đông, thì chúng sẽ kêu nhao lên dậy cả một góc trời.Đặc tính của loài chèo bẻo là rất giỏi nhại tiếng của các loài chim khác một cách rất giống,khó mà phân biệt được là loại tiếng chúng nhại.

Loài chim chèo bẻo có thể nuôi được,nhưng hơi khá khó khăn vì lông đuôi quá dài,nên đòi hỏi chuồng phải thật lớn,nếu nuôi nhốt không đúng cách thì tuổi thọ của loài chim nầy rất ngắn,vì môi trường nuôi chúng luôn là không mấy thích hợp,vì chúng là loại chim phải bay nhảy ngoài không gian,lúc đem về nuôi thì chúng bị tù túng,vì vậy mà chúng thường dộng đầu vào lồng để tìm cách giải thoát ,đó là lúc mà ta thấy chú chim chèo bẻo tự nhiên lăng đùng ra mà chết,ít khi tìm được nguyên nhân.Vì vậy chèo bẻo nuôi thì tuổi thọ được ít lắm,chỉ được năm,ba tháng,cùng lắm là một năm mà thôi.Đó là cách nói chung,còn riêng ở quê ta,bọn trẻ con chúng tôi thì không bao giờ nuôi loại chim nầy,nhưng nhìn ngắm bọn chúng thì nhiều lắm,nhất là lúc mà chúng đánh với bọn Diều hâu hay Quạ đen.

Kết luận: Loại chim chèo bẻo là một loại chim có vẻ đẹp khá quyến rủ,bởi từ bộ lông đen mượt,mà từ màu đen óng ánh ấy,đôi lúc nếu có một luồng ánh sáng chiếu vào một cách thích hợp thì lại tạo nên một màu óng ánh của sự phản chiếu nơi những hạt kim cương,do vậy Chèo Bẻo gây được sự chú ý nhiều đối với con người.Ngoài cái vẻ đẹp thật duyên dáng của loài chim Chèo Bẻo,loài chim nầy còn là loại chim rất có ích đối đối với con người,nhất là người sống ở quê tức những nông dân.Chèo Bẻo ở xứ ta để chúng tự do bay ngoài trời mà ngắm thì được,vì chúng đẹp và có duyên,nên không một ai muốn bắt để ăn thịt chúng cả.Bên cạnh đó chúng lại là loại chim bay nhiều nên thân hình xương xóc chắc là không có bao nhiêu thịt,có thể vì vậy nên ở xứ ta không một ai muốn bắt chúng mà ăn thịt cả,bên cạnh luôn lại muốn nghe tiếng chúng kêu “chèo beo chẹt,chèo beo chẹt” vào các buổi sáng khi chúng đứng trên chót ngọn tre măng nơi bờ tre trước vườn,khi mà ánh sáng vàng vàng hiền dịu chiếu rọi thật đẹp xuyên qua bụi bờ, cây lá và trải trên mặt bãi cỏ trước vườn lúc mặt trời vừa ló dạng..

Chèo Bẻo có hình dạng giống nguyên có nghĩa là đồng dạng với một loài chim khác,mà nếu không nhìn thạo thì chúng ta có thể nhầm: đó là loài chim “KHÁCH”.

____________________________________

2) Loài chim Khách

Trong thiên nhiên,trời đất đã sinh ra có hàng hàng,lớp lớp các loài chim,nhưng quan sát về các loài chim,chúng ta không tìm thấy một loài chim nào giống nhau gần như nguyên vẹn về cả hình dạng, màu lông,chân dò,đầu,đuôi ,và cả đôi cánh như loài chim Chèo Bẻo với loài chim Khách.Chúng chỉ khác nhau một vài nét thật nhỏ, nếu không để ý thật kỷ thì sẽ không thể nhận thấy: đó là Chèo Bẻo mỏ nhỏ hơn,dài hơn và rất nhọn,bên cạnh đó loài chim Khách,mỏ ngắn hơn, to hơn, phần mỏ trên của chim khách có màu hơi xanh óng ánh có pha chút màu xám xám, phần mỏ bên dưới thì đen tuyền,mắt chim khách có viền xanh,khác với chim chèo bẻo mắt có viền hơi đỏ.Hai loại chim nầy chúng chỉ khác nhau ở hai bộ phận đó mà thôi,ngoài ra về hình dạng chúng đều giống nhau gần như nguyên vẹn,nếu không để ý thì khó mà phân biệt được.

Loài chim khách thường sinh sống trong các khu rừng thưa,chúng cũng sinh sống nơi các khu bìa rừng gần với các khu dân cư tại ven những ngôi làng.Nhưng phần lớn loài chim khách chúng rất thích ở quanh quẩn nơi các bụi bờ tại các khu vườn ở của chúng ta,để được gần với con người.

Chúng ta thử tìm hiểu để biết một cách chính xác hơn về loại chim nầy,vì chúng là loài chim luôn thích sống gần với con người,mà được con người xem rất trọng gọi chúng là loài “Hỷ tước” hay cũng còn được gọi với cái tên khác là “Dương Điểu” (chim mặt trời).Được gọi với cái tên là “Dương Điểu” Bởi vì loài chim Khách không thích sống nơi tối tăm,ẩm ướt và chỉ kêu khi trời thật tạnh ráo.Cái đặc biệt của loài chim Khách là chúng nhận biết được phương vị của sao Thái tuế, nên lúc làm tổ chúng luôn quay cửa tổ của chúng để tránh hướng mà vì sao nầy ngự trị trong năm.Bên cạnh đó loài chim Khách có linh tính nhận biết được thời tiết nhất là về gió.Nên những năm mà loài chim nầy nhận biết là có gió to,chúng sẽ làm tổ nơi các cành cây tương đối thấp để tránh gió.

Ngày xưa chim Khách còn được gọi là “thần Nữ”, loài chim nầy thường được gắn liền với các câu chuyện về truyền thuyết mà nổi bậc nhất là câu chuyện “Ngưu Lang,Chúc Nữ"vì vậy cứ đúng vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm, toàn bộ chim Khách và chim sẻ được nhà trời ra lệnh phải tập trung về hai bên bờ sông Ngân Hà,để bắt cầu “Ô Thước” cho Ngưu Lang và Chúc Nữ gặp nhau theo như sự hẹn ước của Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Như trên ta đã có đề cập đến loài chim Khách chúng có linh ứng để nhận biết phương vị của sao Thái Tuế. Vì vậy cũng nên tìm hiểu về tính chất ngôi sao nầy. Thái tuế là một vì sao theo khái niệm trong thiên văn học phương Đông theo tín ngưỡng trong dân gian.Thái Tuế được coi là vị thần cai quản nhân gian về mọi mặt,có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của con người trong từng năm,khi mà vì sao nầy quay đến cung nào,thì cung đó được coi là phạm Thái Tuế.Theo các nhà thiên văn họ xác định thái tuế tức là sao “Mộc”,một tinh cầu lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thiên văn,ngôi sao nầy phải mất khoảng 12 năm để quay hết một vòng quanh mặt trời,tức tương ứng với 12 cung trong hoàng đạo,mà tương ứng với 12 con giáp.Thái Tuế còn có tên gọi là “Thái tuế tinh quân” hay “Tuế quân”.Thái Tuế được cho là chòm sao có tầm ảnh hưởng đến vận mệnh của con người,quản lý các yếu tố như cát tường,tai họa,phúc lợi và tài lộc qua từng năm trong 12 con giáp.

Để tránh tai họa và tìm các phúc lợi,loài chim khách lại là loài chim có linh ứng biết được phương vị của Thái Tuế,nên chúng luôn tránh chịu ảnh hưởng xấu từ ngôi sao nầy làm chủ trong năm,do vậy chúng thường xoay cửa tổ của chúng tức là lối vào liên tục theo hướng tốt,để tránh phạm Thái Tuế.

Theo quan niệm truyền thống dân gian,chim khách được gọi là hỷ tước,tức loài chim mang đến sự cát tường,mang ý nghĩa là báo hỷ và kết nối nhân duyên.

chim-khach

Chim khách là loài chim được người đời đánh giá là loài chim mang đến cho con người nhiều đều may mắn nên được con người ban cho chúng cái tên là hỷ tước.Vậy những điềm hỷ chúng mang đến cho con người dưới hình thúc nào,chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa qua các điềm báo hỷ từ loài chim nầy.

Trên thực tế về tâm linh,không hẳn lúc nào chim khách kêu thì cho chúng ta điềm báo hỷ cả,mà nó còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác nữa, về phương hướng và cả khung thời gian chim đậu để kêu trong ngày.

Thông thường loài chim nầy sống gần với người,mà con người không bao giờ hại chúng,vì vậy loài chim khách rất dạn dĩ,chúng có thể bay vào nhà,có thể đứng trên nóc nhà mà kêu.Nhưng phần lớn chúng bay quanh vườn đứng nơi các bờ bụi để mà kêu.Vì vậy chúng ta nên để ý nơi chúng đứng kêu thuộc vào phương vị nào trong bát quái,và vào khung thời gian nào,có biết được mà xác định đúng như vậy,thì tiếng kêu báo của loài chim khách, thì chúng ta mới nhận biết được điềm tốt xấu một cách chính xác.

Cách phân biệt phương hướng và khung thời gian ứng dụng chim khách kêu như sau:

  • Chim khách kêu từ hướng đông.

. Từ 7 giờ đến 11 giờ,chim khách bay vào nhà hay đứng nơi bờ vườn sát gần nhà từ hướng đông mà kêu thật giòn, đó là điềm báo có tài lộc mang từ phương xa đến.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ,chim khách bay vào nhà hay đứng nơi bờ vườn đúng vào hướng nầy mà kêu là điềm báo xấu,trong nhà có sự lục đục về sự tranh giành quyền lợi,tài sản từ các thành viên trong ia đình chẵn hạn.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ,chim khách bay vào nhà kêu,hay đứng nơi bờ vườn tại hướng nầy là báo hiệu có điều không may mang đến từ phương xa.

  • Chim khách kêu từ phương nam.

. Từ 7 giờ đến 11 giờ, chim khách bay vào nhà,hay đứng nơi bờ vườn đúng vào hướng Nam mà kêu, là điềm báo cho gia chủ sắp có người mời dự tiệc hay một lễ hội lớn.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ chim khách bay vào nhà hay đứng nơi bờ vườn đúng vào hướng nầy mà kêu là điềm báo cho gia chủ có điều buồn bực không vui.vì có sự tranh giành,cải vả từ các thành viên trong gia đình.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ chim khách kêu là điềm báo gia chủ sắp có tin vui, từ xa đến

  • Chim khách kêu hướng tây nam .

. Từ 7 giờ đến 11 giờ: chim khách kêu là điềm báo hiệu sắp có người đến cầu thân hoặc nhờ sự giúp đỡ từ gia chủ.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ : Chim khách kêu là điềm báo có chuyện không vui xảy ra khiến gia chủ buồn bực,không vui.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ: chim khách kêu là nhắc nhở gia chủ cần cẩn thận đề phòng hỏa hoạn,lửa cũi

  • Chim khách kêu từ hướng Tây:

. Từ 7 giờ đến 11 giờ: Chim khách kêu là điềm báo xấu,gia đình sắp xảy ra sự lục đục,cãi vã.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ: Chim khách kêu là điềm báo cho gia chủ biết là sắp nhận được tin vui hoặc nhận một món quà nào đó từ một người khác.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ : chim khách kêu là điều báo hiệu có tin tốt lành sắp đến.

  • Chim khách kêu từ hướng Tây Bắc:

. Từ 7 giờ đến 11 giờ: Chim khách kêu là điềm báo sắp có khách quí đến nhà.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ: Chim khách kêu là điềm báo có người mời đi ăn uống,dự tiệc tùng.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ: Chim khách kêu là điềm báo có khách quen trước đến thăm và giúp đỡ gia chủ.

  • Chim khách kêu từ hướng Đông Bắc:

. Từ 7 giờ đến 11 giờ ; Chim khách kêu là điềm báo có người thuộc thân nhân đến thăm.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ : Chim khách kêu là điềm báo có người quen cũ mang quà đến biếu.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ : Chim khách kêu là điềm báo hiệu có khách quý ghé đến thăm nhà.

  • Chim Khách kêu từ hướng Bắc:

. Từ 7 giờ đến 11 giờ : Chim khách kêu là điềm báo hiệu có khách quý đến thăm hoặc cầu hôn.

. Từ 11 giờ đến 13 giờ: Chim khách kêu là điềm báo là sắp có người đem đồ vật đến tặng.

. Từ 13 giờ đến 17 giờ: Chim khách kêu là điềm báo có điều xấu là súc vật nuôi bị hao tổn.

Tất cả các điều ghi lại bên trên là dựa vào kinh nghiệm từ người xưa,có thể nó không hẳn là đúng hoàn toàn, nhưng không phải nó hoàn toàn sai,vì loài người đã tín nhiệm loài chim Khách là loài chim mang đến điều may mắn để được gọi chúng là loài “Hỷ Tước”. Chúng ta nên coi đó là phương tiện tham khảo để đối chiếu, vì đó có thể là một sự kiện cần thiết và hữu ích trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta,với nhiều trường hợp mà chúng ta có thể cần đến.

____________________________________

3) Chim BÌM – BỊP.

Cứ vào khoảng gần tan tảng sáng,lúc mà các chú gà trống trên giàn và quanh xóm cất tiếng gáy thật dòn được gọi là gà gáy sáng,cũng là lúc hòa cùng với tiếng gà gáy ấy , nơi bờ vườn mấy chú chim Bìm bịp cũng nhướng cao cổ mà xổ những tràng tiếng thật dài “Bịp bịp bịp...“những tiếng kêu vào loạt đầu thì thật là to mà càng về sau thì nhỏ dần,nhỏ dần kéo ra thành một chuỗi âm thanh khá êm dịu, tạo cho con người một ấn tượng mà gọi đó là Bìm bịp trở canh buổi sáng.

Có một điều mà ngay cả tôi và có thể là hầu hết những người sống trong thôn làng lúc bấy giờ,chắc là không một ai để ý về cái thời gian,suốt cả một ngày và cho suốt cả một đêm,có những tràng tiếng kêu của loài chim Bìm Bịp chia khoảng cách ngày và đêm ra làm nhiều đoạn,nhưng những khoảng cách được chia ra như vậy, thời gian có bằng nhau không? Có thể không một ai xác định được.Nhưng loài chim bìm bịp cứ độ chừng khoảng gần ba giờ đồng hồ mỗi lần,thì Bìm Bịp lại cất tiếng kêu vang một tràng dài như vậy,mà khi một con vừa cất tiếng kêu lên,thì quanh vườn có bao nhiêu con đang sống trong đó,cũng đều cất tiếng kêu lên một cách đồng loạt,tạo thành một chùm âm thanh rất ấn tượng đối với con người.Với các khoảng thời gian chia đều nhau như vậy mà loài Bìm bịp lại kêu thật dòn,thật đúng giờ,nên người ta gọi đó là “Bìm Bịp trở canh”.Cũng lại là cái hay,trước đây những người nông dân sống ở quê làm gì có đồng hồ mà xem ngày,giờ,người dân chỉ dựa vào những tràng tiếng kêu của loài chim Bìm Bịp mà phân định giờ giấc lao động đối với công việc đồng án của mình.

Trong suốt một ngày đêm, thì loài chim Bìm Bịp kêu vào thời gian cách khoảng, lúc trời gần sáng tức vào khoảng canh 5,lúc gần nửa buổi,lúc gần trưa,lúc xế qua ,lúc nửa chiều, và lúc trời gần tối.Về ban đêm Bìm Bịp kêu vào khoảng canh một, lúc gần nửa đêm, lúc đêm khuya và lúc gần sáng gọi là canh 5.Tất cả thời gian mà loài chim Bìm Bịp chia ra và kêu là như vậy,nên người dân ở quê thường gọi đó là Bìm Bịp trở canh.Những tràng tiếng mà loài Bìm Bịp kêu chia khoảng thời gian đều ra như vậy ,nên con người cũng mượn đó mà phân định thời gian để phân bổ mà thực hiện công tác đồng án,có thể cũng từ cái ích lợi đó mà loài người lại có cảm tình với loài chim nầy.Bên cạnh đó loài chim Bìm Bịp lại sống quanh quẩn nơi các bờ vườn nhà ở,tiếp xúc thường xuyên với loài người nên tập cho bọn chúng thói quen khá là dạn dĩ.

Chim Bìm bịp không thuộc vào loài chim đẹp,mà ngược lại thân hình có phần hơi thô là đằng khác,loài chim Bìm Bịp cả con mái và con trống có màu lông giống nhau,ngoại trừ bọn chim non lông có nhiều chấm đen phủ lấm tấm toàn thân. Chim Bìm bịp lúc đã trưởng thành các bộ phận từ đầu,mỏ,cổ ngực và đuôi có lông màu đen nhạt. Thân được phủ bởi hai cánh có màu lông nâu đỏ.Đầu tròn,thân tương đối dài,đặc biệt là cặp mắt đỏ au,mỏ to, nhọn và cứng, nơi chót phần mỏ trên quắp, mỏ dưới bình thường.Đôi chân màu đen bóng,với chiều cao trung bình đo từ bàn chân đến gối khoảng chừng 8 phân tây ,hai đùi phủ đầy lông,đặc biệt là bàn chân chỉ có bốn ngón, hai ngón đưa về phía trước và hai ngón đưa phía sau,nơi đầu mỗi ngón chân có móng dài và sắc.Đuôi chim Bìm Bịp luôn dài hơn cánh và như vậy nên ta thấy toàn thân Bìm bịp có màu đen huyền,trừ đôi cánh có màu đỏ nhạt,phần đầu của bộ lông cánh có màu đỏ hơi sẫm hơn mộ chút..

Bìm Bịp là loài chim thuộc dạng thích hợp sống nơi vùng có khí hậu ôn đới tại nhiều xứ thuộc vùng Nam Á,và đông Nam Á châu,trong đó Việt Nam cũng là vùng có môi trường thích họp cho loài chim nầy sinh sống.Tại Việt Nam,chim Bìm Bịp sinh sản và sống nhiều nhất là vùng đồng bằng sông cửu long,tức miền tây Nam bộ, có lẽ vùng Đồng bằng Nam Bộ là nơi cung cấp dồi dào thức ăn ,nên nơi đó là môi trường thích hợp hơn cho loài chim Bìm bịp phát triển tốt.

https://khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn/public/userfiles/image/Nam_2023/Thang_72023/Chim_Bim_bip.jpg

(Chim Bìm Bịp )

Tại Miền Bắc và Miền Trung,loài chim Bìm Bịp định cư phổ biến trên khắp các vùng Trung du,miền núi,những nơi chúng thích sống nhất là ven rừng có cây cối rậm rạp dễ kiếm thức ăn.Tại miền Trung nơi quê chúng ta,loài chim nầy không đông lắm nhưng chúng tự phân bố không gian đều để chúng sinh sống trong các khu vườn ở gần với người, và thích hợp nhất là các bờ bụi tại các vùng thổ dọc bờ sông v..v.Vào khoảng thời gian nầy,ở quê ta có trồng nhiều mía,các làng kế cận cũng vậy,nên lũ chim Bìm Bịp rất ưa thích lùng sục trong các rẩy mía mà tìm mồi nhất là bắt các loài rắn rết, cùng một số các loại côn trùng khác,thức ăn thích nhất của loài chim Bìm Bịp có thể là loài rắn lục.

Bìm bịp sống từng cặp và thích định cư nơi các bụi rậm,tại các bãi lau sậy mà gần đầm lầy là nơi dễ kiếm mồi.Bìm bịp là loài chim ăn thịt,chúng ăn các loại mồi sống như ếch,nhái, cá,mà đặc biệt vẫn là rắn.(Có nhiều lúc thiếu mồi bị đói chúng có thể bắt mà ăn thịt cả gà con) Bìm bịp trống thân hình nhỏ hơn Bìm Bịp mái,anh chàng nầy có nhiệm vụ săn mồi và mớm cho các con non,sau khi con mái ấp trứng nở thì giao việc nuôi con lại cho con trống đảm nhận,con mái được tự do bay lượn bên ngoài không cần lo việc nuôi con.Bìm bịp thường làm tổ nơi các bụi cây rậm mà tổ chỉ cao hơn mặt đất chừng vài mét.Tổ của loài Bìm bịp có hình dạng như một cái túi dài,miệng tổ luôn nghiêng về một bên.Mỗi lần Bìm Bịp mái đẻ cũng chỉ chừng từ 3 đến 4 trứng,và một năm có thể đẻ hai lần từ mùa xuân cho đến mùa thu,Bìm bịp ấp trứng khoảng dưới 20 ngày là nở thành chim con.Khi đã tìm được chỗ mà làm tổ,thì anh chị Bìm Bịp luôn sống quanh quẩn gần vùng đó, không bao giờ đi xa với dụng ý là để giữ tổ.

Bìm Bịp là loài chim có tính hung dữ,nhất là khi đối diện với kẻ thù hoặc lúc tranh giành lãnh thổ.Tiếng Bìm bịp kêu rất to,chúng kêu to mà có vẻ giận dữ là lúc có kẻ thù xâm phạm đến lãnh thổ của chúng.Với bản tính hung dữ bên cạnh là giác quan khá nhạy bén,nên Bìm bịp còn có khả năng giữ nhà.Nhưng Bìm bịp không phải là loại chim dễ nuôi,dễ dạy,để nuôi được một chú chim Bìm Bịp khỏe mạnh mà hữu dụng biết nghe lời,người nuôi phải rất công phu và kiên nhẫn.Bất kể là chim trống hay chim mái cũng đều dạy chúng giữ nhà được,nhưng tốt hơn hết là nuôi chim mái,vì chim mái bản tính hiền hơn,dễ thuần phục và dễ chăm sóc hơn.

Tiếng kêu của loài chim Bìm Bịp có vẻ cộc cằn không hay bằng tiếng của loài vẹt,nhưng tiếng kêu của Bìm Bịp cũng có thể báo hiệu lúc có người lạ vào nhà được,điều nầy là tùy thuộc vào sự nuôi dạy bọn chúng.Muốn nuôi được một chú chim Bìm Bịp thật khôn là phải nuôi chúng từ lúc bé,tức là phải bắt chim con.Nuôi và tập chúng đã thật khôn,thì thả cho chúng tự do bay nhảy trong vườn.Mỗi lần chúng lập được công, nên thưởng cho chúng những thức ăn xứng đáng để tạo sự phản xạ có điều kiện đối với chúng.

Để tập thành thói quen cho dễ nuôi,ngay từ lúc nhỏ mới bắt về,bắt đầu tập cho chúng ăn cơm,tập cho chúng ăn như vậy thành quen,để chúng nhớ đến thức ăn nầy nhiều hơn mà không bỏ đi.Tuy nhiên cứ năm bảy ngày nên cho chúng ăn thêm các chất tươi, để giúp cơ thể chúng đủ chất bổ dưỡng mà khỏe mạnh.Tuổi thọ của loài Bìm bịp cũng khá cao,chăm sóc chúng khỏi bịnh hoạn,chúng có thể sống trên vài mươi năm.

Trước đây khá lâu,người anh em thúc bác của tôi Phan Công Hường sống tại Gò Công,chú ta có nuôi một chú Bìm Bịp nhốt trong lồng,cho ăn bằng cơm,dĩ nhiên là có cho ăn thêm chất tươi ếch,nhái,cá,đôi lúc chú còn bắt được cả rắn để cho ăn.Chú Bìm Bịp nầy cũng gọi trở canh nhiều lần trong ngày và cả ban đêm.Chú nầy sống được 23 năm,chú Hường đã nói cho tôi biết là như vậy.Cách đây vài năm tức vào năm 2023,về thăm nhà mà chủ ý lần nầy về là để ghé Gò Công thắp hương và cúng bái cho cả chú , lẫn thím, hai ông bà nầy đều đã qua đời cả rồi và họ chỉ đi cách nhau một năm thời gian mà thôi.Lúc vào thăm để thắp hương cho chú thím,thấy Phan công Bình con trai chú thím Hường,anh cháu trai nầy của tôi cũng lại có nuôi được hai con Bìm Bịp choi,chưa biết kêu.

Tôi đã có dùng đến loại rượu ngâm đầu chim Bìm Bịp một lần để chửa trị độc rắn lục cắn .Nguyên nhân là như thế nầy: mới đang vào buổi sáng sớm của ngày mồng 4 tháng giêng năm Quí Mão (1963) ngày mà người nông dân chọn ra quân đập dất đầu năm mới.Tôi tham gia đi đốn bổi,nơi lô bổi mà cha tôi đấu của làng tại núi Dàn cùng với người nhà,không may mới chỉ đốn được vài bụi bổi ran đầu tiên, vừa đốn đến bụi thứ ba thì bị một con rắn lục nằm trong bụi ran nầy phóng ra và cắn một phát ngay vào nơi ngón chân cái bên trái.Liền sau đó tôi phải đi xuống nhà dượng Bảy Xuân,chồng cô 4 Nhì (gần xóm nhà Thầy Nghè Hoành),để tìm thuốc mà chữa trừ độc rắn,nhưng cái may mắn là ông dượng có rượu ngâm đầu Bìm Bịp,ông lấy ra rót và cho tôi uống liền một ly để ngăn độc rắn,đó là lần thứ nhất mà tôi đã dùng loại rượu ngâm đầu chim Bìm Bịp.

Lần thứ hai tôi đã đánh bảy bắt được một chú chim Bìm Bịp cùng với một chú chim Quyên vào một ngày của tuần lễ cuối tháng 9 năm 1981 tại cụm đồi bên trong Dốc Sim, bên dưới sát gốc cây xoài mép đường đi,tại cánh đồng Dốc Sim (Na Sơn) lúc đang phụ trách việc trổ nước vào ruộng tại cánh đồng nầy,tức lao động trong thời gian thi hành án tù cải tạo.Hai chú chim nầy tôi đã làm thịt rồi thui lông thật kỹ,trưa hôm đó đem về đưa cho ông Nguyễn văn Cư (tức ông bác Cư người Bình Triều), người mà tôi quen thân với ông trong thời gian cùng làm việc tại quận lỵ Thăng Bình trước 1975.Đưa cho ông hai con chim thịt sống, để ông góp một phần công vào việc xào nấu,phải làm như vậy thì ông mới chịu ăn.Ông cụ nầy khó tính lắm tôi biết,thành thử chơi với ông cần phải biết ý. Đây là lần tôi bắt được chú chim Bìm Bịp đầu tiên, mà cũng là lần thứ hai được dùng đến thịt loài chim Bìm Bịp, mà cũng chỉ duy nhất là lần bắt được chú chim Bìm Bịp nầy mà thôi.Giàn bẩy tại cụm đồi nầy là do anh Trợ người lo việc coi nước tại cánh đồng Sim trước đây thực hiện,tôi chỉ quét dọn sạch lại đường cho chim đi mà thôi.Mới đánh bẩy được chú chim Bìm Bịp và chú chim Quyên lần đầu tiên là lần nầy,rồi sau đó vài hôm thì lại được gọi tên cho phóng thích và tôi đã được ra khỏi trại tù cải tạo đúng vào ngày 2 tháng 10 năm 1981.Đó là hai lần trong đời đã có dùng mà dính dấp đến loài chim Bìm Bịp và cũng chỉ có hai lần đó thôi,rồi từ đó đến nay thì không còn bắt được con nào của loài chim nầy nữa,bởi không có nhu cầu và cũng không có cơ hội.

Công dụng y học đối với loài chim Bìm Bịp:

Theo ngành Đông y,người ta cho rằng thịt loài chim Bìm Bịp có vị ngọt,tính ấm,nên người ta thường dùng thịt loại chim nầy vào việc chữa bệnh cho con người.Người ta làm thịt chim Bìm Bịp,bỏ lông và cả phần nội tạng đi,chỉ giữ lại phần thịt để ăn mà trị bịnh bằng cách nấu cháo,có nhiều thầy thuốc lại khuyên người bịnh nên ăn thịt sống loài chim nầy, để được tốt hơn trong việc chữa một số bịnh nào đó vì nó thích hợp như vậy.Thịt chim Bìm Bịp có tác dụng bổ máu,giảm đau,suy nhược,tiêu ứ,nhứt mỏi chân tay,trị cho vết thương bị bầm, bệnh tê thấp,sản hậu và nhất là bệnh đau lưng.

Ngâm rượu mấy chú Bìm Bịp con để chửa trị đau nhức.

Người ta thường leo lên tổ mà bẻ chân các chú chim Bìm Bịp con,khi bay về mà thấy các con mình bị gãy chân,chim bố mẹ lại bay đi tìm thuốc để chữa.Người ta rình để coi thử bọn chúng tìm những loại lá cây gì để trị bịnh gãy chân cho các con của bọn chúng,khi thấy được chúng cắn loại lá ấy để chữa cho con chúng,người ta sẽ tìm lấy loại lá ấy để làm thuốc trị bịnh gãy xương.Các chú bìm bịp con phải ăn một lượng thật nhiều loại lá mà bố mẹ chúng tìm đem về cho chúng ăn mới trị hết bịnh được,loại lá đó người ta gọi là lá Bìm Bịp.Vì các chú chim con ăn rất nhiều loại lá bìm bịp, nên người ta bắt các chú chim non nầy đem về làm thịt mà ngâm rượu

Thứ mọc dại trở thành món ăn có hương vị đặc sắc, nhiều nhà hàng bắt
đầu săn
lùng

(cây Bìm bịp)

Dùng vào việc làm giảm căn bịnh đau nhức,và đau lưng.Muốn ngâm rượu với chim Bìm Bịp cho đúng cách thì phải đọc kỹ cách bày từ quý vị thầy thuốc Đông y trong các loại sách Đông y.Và dưới đây là vài phương pháp ngâm rượu với chim Bìm Bịp mà tôi đã đọc qua xin ghi lại.

Bìm bịp là loài chim ăn thịt nên có rất nhiều ký sinh trùng,cần phải làm sạch trước khi dùng ngâm rượu.Làm thịt con chim bằng cách bỏ hết lông và nội tạng,rửa thật sạch qua nhiều nước,sau đó ngâm với nước muối 30 phút,để loại bỏ vi khuẩn,ký sinh trùng bên ngoài.Tiếp theo rửa lại con chim thịt với rượu gừng để làm sạch máu,mùi tanh và cả vi trùng.

-Dùng một bình thủy tinh to để có thừa ra một khoảng không gian mới tốt,không nên dùng loại bình quá chật.Chọn bình có nắp đậy thật kín,tuyệt đối không dùng loại thẩu nhựa ngâm rượu thì khá nguy hiểm.

-Lần đầu ngâm với rượu 60 độ trong vòng 3 tháng thì dùng được.

-Lần thứ hai ngâm với rượu 40 độ trong vòng 2 tháng là dùng được.

-Lần ba ngâm với rượu 40 độ trong vòng 1 tháng là dùng được.

Có thể ngâm chung với các loại khác như 5 con rắn hổ: là cạp nong,hổ trâu,rắn ráo,hổ mang và rắn sọc dưa.Cũng có thể ngâm chung với loại cá ngựa,Tắc-kè, và một số dược liệu có nguồn gốc thực vật như Sâm rừng, mà nhất là củ sâm cau.

-Uống mỗi lần một ly nhỏ trước bửa ăn hoặc trước khi đi ngủ,và mỗi ngày hai lần như vậy. Tuyệt đối không dùng loại rượu Bìm bịp cho các bà mẹ cho con bú, hay phụ nữ có thai.

-Một cách dùng thịt Bìm Bịp để có tác dụng gấp đôi theo kinh nghiệm của người Miền Tây Nam Bộ. Để cho chim nhịn đói 2,3 ngày,sau đó cho ăn một con rắn hổ, và chờ đúng 2,3 ngày sau thì đem làm thịt để ngâm rượu,như vậy thịt rắn đã ngấm vào thịt Bìm bịp,như thế là làm cho thịt Bìm bịp tăng dược tính lên gấp hai lần.

Hiện tại tại Việt Nam,không biết từ đâu du nhập vào cái văn hóa ăn tạp,người dân trong nước ăn quá nhiều các loại côn trùng,các loài bọ,các loài vật như: chó,mèo và các loài chim chóc khác ,nhất là loại thịt chim Bìm Bịp, một số dùng đem ngâm rượu để gọi là rượu quí.Do vậy mà các loài chim cũng bị cạn kiệt,như chim sẻ và chim Bìm Bịp,các loài chim nầy gần như tuyệt chủng.Trở lại quê, thấy môi trường sống đã thay đổi quá nhiều , với con người đã là như vậy,với loài chim thì gần như mất hẳn môi trường sống của bọn chúng.Do vậy mà khó thấy mấy chú Bìm Bịp bay nhảy trong vườn như trước kia vì môi trường sống của chúng đã bị thu hẹp một cách đáng kể.

Để ngăn chận việc săn bắt các loài chim trong thiên nhiên,nhất là loài chim Bìm Bịp được đồn thổi là loài dùng làm thuốc hữu hiệu,thì những người có trách nhiệm từ “trên cao” phải biết, phải có cái nhìn và nhiệm vụ phải soạn thảo ra chính sách để ngăn ngừa và bảo vệ một cách hữu hiệu cho tất cả các loài điểu,cầm mà cách tốt nhất là phương pháp dùng để giáo dục,có làm được như vậy thì may ra môi trường sống cho mọi loài vật của thiên nhiên và ngay cả cho con người mới có thể có được một cuộc sống tương đối dễ chịu hơn, có ý nghĩa hơn.Tuy nhiên không phải dễ làm nếu là thiếu thiện chí,thiếu hiểu biết.Còn chúng ta thì chắc là chỉ có cái ước ao như vậy thôi!!. ( 08/1/25)

____________________________________

4) CHIM SƠN CA

Tên của loài chim nhỏ nầy đọc lên nghe thật quyến rủ “Sơn ca”. Tại sao gọi chúng là Sơn ca thì không được rõ lắm,vì chúng không phải là loài chim sống toàn trên vùng núi non, mà ngược lại chúng ưa thích sống nơi các vùng đồng bằng,đặc biệt là nơi có nhiều ruộng lúa, bên cạnh đó là các gò đống,và cả nơi các miền ven biển nữa,chỉ có một số không nhiều lắm thì sống nơi các vùng ven rừng.Với thói quen cư trú của chúng như vậy tại sao người ta lại đặt cho chúng cái tên có chữ đầu là “Sơn” thì rất khó mà giải thích,còn lại chữ “Ca” tiếp theo có thể khá dễ hiểu, bởi chữ ca là dựa theo tiếng hót du dương của bọn chúng mà hình dung để đặt cho chúng vì loài chim nầy chúng ưa ca hót,và hót với một giọng du dương thật cao,cao vút vượt cả không gian làm cho loài người nghe mà mê mẫn.

Ở nhà quê,người dân xứ ta không biết được cái tên khá mĩ miều của loài chim nhỏ nầy,họ gọi chúng bằng cái tên khá bình dị là “Chiền chiện”.Vì loài chim Chiền chiện có đôi chân cao mà nhỏ,chúng chạy nhảy rất nhanh,mỗi lần chúng nhảy là cả một đoạn dài 3,4 mết mới dừng lại,rồi mới nhảy tiếp,chúng không bước đi từ bước một như một số các loài chim khác.Chiền chiện có lối đi là nhảy lơn tơn chứ không phải bước từ bước một .Nếu một người nào đó có đôi chân cao mà nhỏ nhìn hơi mảnh khảnh một chút ,thì người ta thường quở mà ví là: chưn dò gì mà giống như chưn chiền chiện.

Với cái giọng hót quá hay nên được con người ghép tiếng hót của chúng vào loại “tiếng hót ma mị”. Với tiếng hót như vậy đã khiến cho loài chim nầy,ngoài cái tên được gọi một cách mĩ miều là “Sơn Ca”,chúng còn được loài người ngưỡng mộ mà ghép vào nhóm “tứ đại danh ca” của thế giới loài chim. Sự hòa hợp giữa con người và loài chim qua tiếng hót với cái âm thanh thánh thót của loài chim Sơn ca,đã làm cho nhiều người ưa thích về chúng,mà muốn nuôi chúng để làm chim cảnh.

Trước đây vào cái thuở còn niên thiếu,sống ở quê, bọn trẻ chúng tôi cũng đã rất thích cái tiếng hót của loài “chim chiền chiện"nầy rồi.Bởi vì cánh đồng ở làng chúng tôi sau mùa thu hoạch vụ Đông-Xuân,người dân trong làng đều cày đất bệ để phơi ải,đất đã được cày bệ phơi ải thì khô rang,đây là môi trường sống thích hợp đối với loài chim chiền chiện nhỏ con nầy.Chúng luôn nhảy trên mặt các bệ đất cày khô hay dạo quanh nơi các bờ ruộng để tìm thức ăn.Mỗi lần bọn trẻ chăn bò chúng tôi băng ngang qua đám đất cày mà chúng gặp, là bọn chúng bay tưng lên khoảng không gian cao vút. Nếu đúng vào những khoảng thời gian sau đây là bọn chim cất tiếng hót vang vang trên cao nơi tận tầng mây xanh,lúc mà chúng ta không còn nhìn thấy được hình dáng bọn chúng nữa.Các khoảng thời gian mà bọn trẻ chúng tôi thường được nghe tiếng hót của loài chim chiền chiện nơi cánh đồng làng, là vào lúc trời gần trưa nắng nóng, lúc xế mà bọn học trò đi học,lúc băng ngang qua cánh đồng vắng cũng là lúc mà bọn chim chiền chiện bị dật mình bất thần gặp con người, lúc ấy thì chúng lại bay vút lên tận trời, với một độ cao mà con người không còn nhìn thấy được hình dạng bọn chúng nữa, và như vậy là chúng bắt đầu cất cao giọng mà hót.

Những lúc như vậy ta chỉ còn nghe được tiếng hót thánh thót, của bọn chúng vọng xuống từ khoảng không gian cao vút ấy mà thôi, tiếng hót nghe lanh lãnh thật êm tai bởi cái âm điệu du dương kéo dài ra từng đoạn,từng đoạn từ không trung. Loài chim sơn ca, bọn chúng có cái kiểu bay rất hay với cái tài là bay một đường thẳng đứng, tạo thành một kiểu bay riêng biệt rất hấp dẫn.Từ mặt đất chúng dùng đôi cánh rật một cái để tạo một đoạn bay xiêng lên cao hỉ một đoạn ngắn chừng vài mét mà thôi, rồi từ đó chú ta nhướng mình,cất cao đầu theo chiều thắng đứng, đồng thời xòe ngang đôi cánh ra mà vổ nhịp để bay một dường thẳng đứng lên cho đến tận trời cao, khi mà con người không còn trông thấy hình bóng của chúng nữa,lúc đó chúng mới bắt đầu cất cao tiếng hót vang vang.Bọn trẻ chúng tôi thường bắt gặp mà nhìn được cách bay của chúng tưng lên trời cao rất nhiều lần,hay nói đúng thường xuyên là như vậy.Nhìn cách chúng bay khá dễ thôi,vì bọn trẻ chúng tôi chăn bò lúc thả ăn ngoài đồng ruộng,thì rất nhiều dịp bắt gặp loài chim nầy bay lên và hót,cứ mỗi lần gặp bọn trẻ chăn bò chúng tôi băng ngang qua đám ruộng cày,gặp chúng nơi đó là chúng lại bay tưng lên trên không với cái kiểu bay theo đường thẳng đứng là như vậy. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn cách bay thẳng đứng của loài chiền chiện đã rất là quen mắt.Bay vút lên thật cao,cao quá tầm nhìn của con người ,thì chúng mới cất cao tiếng hót,cứ mỗi lần chúng đã cất tiếng hót ,là chúng hót thành những tràng dài liên tục rất lâu có thể là cả tiếng đồng hồ,cho mãi đến khi có thể là mỏi cánh thì chúng mới sà mà bay trở xuống mặt đất,lúc ấy thì tiếng hót mới thật sự chấm dứt.Lúc đã đứng lại được trên mặt đất, thì bọn chiền chiện lại nhảy tưng tưng mà cặp mắt dáo dác làm công việc để kiếm mồi.

Hình dạng của loài chim Sơn Ca..

Sơn ca loài chim có hình dạng gần giống như loài chim sẻ,thân hình nhỏ và gọn.Chim sơn ca có màu lông tương đối đặc trưng bởi chúng có hai lớp lông,lớp che bên ngoài cứng ,một số loài có màu nâu pha chút màu vàng (đó là loài chiền chiện thường sống nơi đồng ruộng quê ta).Một số sống ở các nơi khác chúng có màu nâu pha đen.Lớp lông bên ngoài cứng,lớp bên trong thì mềm mại và thường có màu trắng sậm.Lông nơi vùng cánh,trên lưng,nhất là phần cuối lông đuôi rất cứng và bền.Màu lông của loài chim Sơn Ca có nhiều màu sắc, có thể chúng thích nghi môi trường sống từ thổ nhưỡng mỗi vùng mà tạo thành, có thể vì thế mà chúng ta thấy loài chim nầy có màu lông khá đa dạng.

Somali/Athi Short-toed Lark -
eBird (Chim Sơn Ca )

Thức ăn của loài chim Sơn ca sống ngoài thiên nhiên gồm các loại hạt cỏ (kê) hạt gạo từ lúa,chúng cũng dùng mỏ để nghiền bể vỏ trấu của hạt lúa mà ăn hạt gạo như loài chim sẻ,vì vậy chúng rất thích sống tại các cánh đồng ruộng gieo trồng lúa,ngoài các thứ hạt từ các loại cây thực vật như trên,chim sơn ca còn bắt mà ăn thêm các loại côn trùng nhỏ như cào cào,châu chấu,dế mèn,nhện,các loài sâu v...v.

Đặc tính của loài chim Sơn Ca,là bọn chúng sống riêng lẻ cá biệt từ mỗi con,chúng không sống thành cặp gồm trống mái như các loài chim khác.Đến mùa mà bộ phận sinh dục phát triển thì chim trống lại dùng tiếng hốt của mình mà chiêu dụ các chị chim mái. Một khi mà chị chim mái đã chấp nhận,cả hai sẽ ghép thành đôi mà tiến hành việc giao phối,để sau đó thì cả hai cùng chung sức xây tổ cho chim mái đẻ trứng.Chúng thường làm tổ ở bên dưới các bệ đất cày phơi khô,đó là nơi lý tưởng nhất cho việc làm tổ của chúng.Sống tại các vùng gò đống,chim Sơn ca thường tìm các ục đất trũng nhỏ bên dưới gốc các bụi cây thấp làm tổ mà chúng ta thường thấy .Chim Sơn ca mái, chị ta đẻ nhiều trứng lắm, có thể từ 6 đến 8 trứng trong mỗi lần.Sau khi đẻ xong,cả hai anh chị thay phiên nhau ấp trứng trong một thời gian cỡ 11 ngày là nở chim con,nếu bọn chúng thay phiên mà ấp trứng đều,đó là thời gian trứng nở con sớm,nếu ấp không đều có khi kéo dài đến 15 ngày mới nở chim con.Chim con mới nở thường không mở mắt và không có lông.Thời gian nầy cả hai anh chị là chim cha và chim mẹ lo kiếm mồi thay phiên mà mớm cho bọn chim con,và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn độ một tuần lễ là chim con mọc lông và mở mắt,từ đó chúng bắt đầu kêu mà đòi ăn,

Chim con được chim bố mẹ chăm sóc một cách tỉ mỉ cho đến khi chúng mọc lông đầy đủ,và chúng bắt đầu học cách tự kiếm ăn,một khi đã thành thạo chúng tiếp tục phát triển rồi sống độc lập.Chim Sơn Ca bố mẹ chăm sóc con cái với tất cả sự hy sinh của mình,mục đích là bảo vệ cho đàn chim con trưởng thành cho đến lúc chúng có thể tự mình sinh tồn được.Và cha mẹ chúng cũng lại sống độc lập chờ cho mùa đến.

Chúng ta cũng có thể nhìn ngắm và nghe tiếng hót mà phân biệt được giới tính của loài chim nầy.Chim trống thường có đầu và cánh to hơn chim mái.Bên cạnh đó phần lông ở lườn chim trống cũng nhiều hơn,tạo cảm giác mạnh mẽ hơn chim mái.Một điểm khác nữa là chim trống phần lông nơi ngực thường chẻ đôi giúp bộ ngực nở rộng hơn, tiếng kêu của chim trống thường mạnh mẽ và vang xa hơn tiếng kêu của mấy chị chim mái.

Chim trống thường có giọng hót cao,rõ và mạnh, như vậy mới có tính cách thu hút hơn so với tiếng hót của các chị chim mái.Và tiếng hót ấy cũng rất dễ dàng trong việc thu hút làm mê mẫn mấy chị chim mái.Lúc chim mái nằm nơi tổ để đẻ trứng,thì anh chàng chim trống thường nhảy múa trước cửa tổ,nhảy múa như vậy là để thu hút sự chú ý của chị chim mái.Chim mái có giọng hót thường hơn chim trống,nên âm thanh ít nhậy bén đối với người nghe.

Cách nuôi loài chim Sơn ca:

Có thể loài chim Sơn ca không phải khó nuôi lắm,trước đây ở quê,bọn trẻ chúng tôi chưa một lần nuôi loài chim nầy.Tuy nhiên,muốn nuôi chúng thì cũng như các loài chim khác,cần chăm sóc chúng kỹ hơn một chút,chú ý tập thói quen cho chúng bằng cách, là cho chúng ăn những thức ăn bình thường mà mình có thường xuyên như cơm chẳng hạn, cho chúng ăn các thức ăn đơn giản mà mình có là tập cho chúng thành thói quen để chúng luôn nhớ mà không bỏ đi.Cho chúng ăn cơm để tập cho chúng quen với thức ăn nầy vì mình luôn có,bên cạnh đó cũng cho chúng ăn thêm các loại côn trùng mà mình bắt được.Loài chim Sơn ca rất thích tắm, nhưng không phải chúng tắm bằng nước mà tắm bằng cát,đất bột giống như loài chim sẻ.

Nếu thích nuôi,nên bắt chim con để nuôi, nuôi chim con việc chăm sóc lúc ban đầu có thể phải tỉ mỉ hơn một chút nhưng chúng mau khôn,dễ tập .Còn nuôi loại chim trưởng thành gọi là chim bổi,lúc ban đầu thì chúng nhát gan,chưa quen với người nên cần phải bao trùm lồng kỹ để giữ cho chúng bớt sợ mà bay rật đụng đầu vào lồng.Luôn nên treo lồng nhốt chúng ở những nơi có người để tập cho chúng dạn dĩ.Sau một thời gian khi tập cho chúng quen rồi,chúng sẽ trở nên dễ chăm sóc hơn, chúng sẽ nỗi bật mà sự phát triển cũng lại khá tốt. Nên chọn chú chiêm trống để nuôi vì chúng có tiếng hót trong mà hay,ví von hơn.

Nuôi loài chim nào thì cũng phải dùng loại lồng thích nghi đối với chúng. Nuôi chim Sơn ca thì không cần phải dùng loại lồng quá rộng,mà chỉ vừa đủ lớn để chúng bay nhảy thỏa mái một chút mà thôi.Lồng vuông có cạnh chừng 4 dm và cao cũng khoảng chừng đó là được.Nếu là lồng hình tròn thì đường kính cũng chừng 4dm là vừa.Dùng vật liệu bằng kim loại thì dễ dàng cho việc dọn vệ sinh hơn dùng vật liệu bằng nang tre,hay gỗ.

Dĩ nhiên nơi lồng nuôi chim phải trang bị các vật cần thiết như: vật dụng đựng thức ăn,đựng nước uống,cây cho chim đậu để chim đứng mà vui chơi hay lúc ăn uống.Tuyệt đối không làm cho chim hoãn sợ,treo lồng nơi vị trí thoáng mát,yên tĩnh để tạo cho chim có cảm giác an toàn.

Loài chim Sơn Ca cũng có khả năng học theo tiếng hót hay từ các loài chim khác, hay ngay cả tiếng hay của các chú chim khác cùng loài.Vì vậy có thể cung cấp cho chúng môi trường phù hợp để chúng nghe mà luyện giọng,hoặc sao chép theo tiếng hót hay của những loại tiếng khác, đó là việc làm rất cần thiết.

Loài chim Sơn ca rất sợ bóng tối,vì vậy nên treo lồng chim ở những nơi thoáng mát có nhiều ánh sáng, làm cho chúng khỏi cảm thấy lo âu.Nên cho chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày vài giờ là tốt nhất,giúp cho chim phát triển khỏe mạnh,giảm thiểu sự căng thẳng và lo âu do môi trường ánh sáng không phù hợp, tạo cho chim dễ bị bịnh.

Chọn thức ăn phù hợp là rất tốt cho sức khỏe của chim, giảm thỉu bịnh hoạn,chú ý việc treo lồng chim cho thích hợp trong bốn mùa.Cho chim ăn các thức ăn thích hợp là giúp chim phát triển khỏe mạnh,cũng giúp cho ta niềm vui bởi từ sự đam mê theo sở thích trong việc chơi chim vậy.

Ngày nay khi trở lại quê,môi trường sống của cả con người cũng đã bị thay đổi quá nhiều,đồng ruộng không còn thích hợp với môi trường sống của loài chim Chiền Chiện như ngày nào, do vậy chúng ta khó mà gặp được một chú chim Sơn Ca như ngày trước nữa.Đó là một mất mát khá lớn đối với con người sống ở quê như chúng ta,vì vậy rất khó mà nghe được tiếng hót lảnh lót của loài chim khá quen thuộc nầy nữa.Chỉ biết để mà tiếc nuối vậy thôi,nhưng hoàn cảnh đã là như vậy nên đành phải chịu vậy thôi. ( 11/1/2025)

____________________________________

5) CHIM CU MỒI

Chim cu mồi,còn một tên khác nữa gọi là chim cu gáy,chúng thường sống trải rộng khắp các vùng lãnh thổ trên cả nước,từ miền núi,vùng trung du, miền đồng bằng trên cả ba xứ Bắc ,Trung,Nam,nhưng chúng ta thường gặp chúng là ở vùng nông thôn yên tỉnh,vì những nơi đó mới là môi trường sống tốt của chúng. Loài chim cu thường dựa vào những nơi có người sống vì thức ăn của chúng chủ yếu là lúa,đậu,mè đó là các thứ nông sản do những người nông dân làm ra.

Chim cu mồi còn có tên khá giản dị khác nữa mà người dân nơi xứ ta thường gọi chúng là “Cu Đất”,vì chúng luôn dạo nơi mặt đất để kiếm mồi,ít khi chúng đứng lâu trên cành cây. Cái tên gọi chúng cho dễ hiểu là “Cu Cườm”,bởi lẻ chúng luôn có một khoảnh lông mịn với màu đen nơi phần cổ, từ chót nơi đầu mỗi cộng lông nầy lại có một chấm trắng,tất cả đều bao phủ quanh phần bên trên cổ chim một vòng rộng tạo thành một khoan cườm chiếm gần hết phần cổ. Đó là điểm đặt trưng mà chỉ loài chim nầy mới có,do vậy nên chúng được con người đặt cho chúng một cái tên khá hay là “Cu Cườm”. Loài cu cườm có kích thước chiều dài về cơ thể cỡ chừng 3 tấc tây, tính từ đầu cho đến mút lông đuôi.Hình dáng của chúng nhìn có vẻ thanh mảnh, do bộ lông trơn mịn màu nâu xám trải phủ kín phần lưng,bên dưới từ ngực đổ xuống hết vùng bụng là một loại lông nhỏ khá mịn, được xếp chồng kín lên nhau với toàn một màu hồng nhạt. Nơi hai cánh và đuôi có nhiều cộng lông màu xám nhạt dài và cứng,phần lông cứng nầy trải rộng ra lúc chúng bay giúp đôi cánh lấy đà để vỗ nhịp lúc chúng bay.

Đầu các chú Cu Cườm luôn là hình tròn lớn vừa phải,mỏ nhỏ mà nhọn, phần trên giáp với phần lông đầu của mỏ, ta thấy có hai vệt dài hở nằm hai bên xuôi theo chiều dọc của mỏ ,đó là hai lỗ mũi của chim dùng để thở. Nơi chót phần mỏ trên nhỏ,có một tý hơi quắp nơi đầu mút, mà phần trên của mỏ chim luôn dài hơn để phủ kín phần mỏ dưới.Sự cấu tạo mỏ chim như vậy có thể cũng khá quan trọng, giúp cho chim dễ dàng trong việc mổ thức ăn. Hai mắt chim Cu Cườm nhỏ,tròn lìn nằm ở vị trí hai bên đầu của chim, chính giữa mắt là tròng mắt có hình dạng như một hạt cườm đen, bên ngoài được bao quanh bởi một đường viền hình vành khăn màu hồng có pha chút màu đỏ . Cặp chân cu cườm thấp, từ gối đến bàn chân có thể chỉ đo được chừng 3cm,và tạo cho chim thế đứng gãy khúc thành một góc nhọn nơi gối..Bàn chân chim có bốn ngón, ba ngón dài đưa về phía trước, các dầu ngón chân trải rộng ra tạo thành hình quạt với hai góc hình chữ V sát bên trong bàn chân, ngón ngắn nhất xuôi về phía sau , tất cả nơi đầu 4 ngón chân đều có móng sừng màu nâu sậm,phần đầu móng khá nhọn, có hơi cong .Đặc biệt hai chân chim kể cả các ngón đều được bao phủ bởi một lớp vảy nhỏ có màu đỏ nhạt và xép chồng liền nhau theo thứ tự.

chim cu
gáy

(chim cu cườm)

Trong thiên nhiên loài cu Cườm có khá nhiều màu lông và mỗi loại như vậy lại có một giọng gáy riêng biệt.Phổ biến ở xứ ta là loài chim cu có bộ lông màu đen nhạt ,có nghĩa là bộ lông của chúng có màu hồng nhạt,tiếng gáy của loài chim nầy khá hay, âm thanh tao nhả và rõ ràng.

Có một loại chim cu lông trắng,chúng sống tại một số nơi khác xứ ta,nhưng loại nầy thì khá hiếm. Lông trắng có nghĩa là bộ lông của chúng có màu mốc trắng,nên chúng được nhìn mà hình dung như là màu trắng.Những người rành về việc chơi chim mồi họ cho rằng giọng gáy của loài chim nầy rất hay,âm thanh phát ra từ tiếng gáy rất trong.Nhưng ở xứ ta hầu như loại nầy rất khó tìm.( có thể là không có).

Còn ở các nơi khác loại Cu Cườm ngoài hai màu mà chúng ta thường biết như trên,còn một loại chim cu có màu lông vàng pha chút màu đỏ nên chúng có tên là chim đỏ lửa.Ngoài ra chúng còn có nhiều màu sắc khác nữa tùy vào thổ nhưỡng mỗi nơi mà tạo nên màu lông của chúng.

Thức ăn chủ yếu của loài chim cu nói chung là lúa,đậu, mè, thuộc loại nông sản do người nông dân sản xuất,tuy nhiên ta thường thấy các loài chim cu ngoài các thức ăn chủ yếu trên,chúng còn ăn tất cả các loại hạt cỏ,bên cạnh đó chúng cũng ăn thêm một số hạt sạn nhỏ,người ta nói sạn sẽ giúp cho bộ tiêu hóa của loài chim tiêu hóa mạnh hơn vì trong loại sạn có chất mặn của muối.Khi có cơ hội làm thịt một con cu đất,xẻ đôi cái mề của chúng ra,ta nhìn thấy có thật nhiều hạt sạn nhỏ,như vậy chim cu ăn sạn là điều có thật.

Đời sống của loại Cu Cườm,chúng luôn sống từng cặp gồm một mái với một trống.Chim mái cũng chỉ đẻ mỗi lần hai trứng mà thôi. Cu đất làm tổ trên các chạn cây cao,điều đặc biệt nơi loài chim nầy là làm tổ khá dối,chỉ gát qua về ngang dọc,xiêng chéo độ chừng 10 cộng cây nhỏ là được.Chim mái đẻ trứng xong là ấp,chim trống phải bươn chải kiếm mồi đem về mà mớm cho chim mái để chị ta nằm trên tổ ấp liên tục .

Loài chim cu cườm phần lớn sống từng cặp để dễ tìm thức ăn, đôi lúc chúng cũng họp nhau thành từng đàn, nhưng bầy của chúng không đông lắm chỉ chừng mươi con là nhiều ,có nghĩa khoảng chừng 5 cặp chứ không hơn.Loài chim cu đất rất khó phân biệt giữa con trống và con mái,vì hình dạng chúng gần gần giống nhau,chúng cũng có cùng màu lông,cổ có cườm và tiếng gáy của chúng lúc bình thường thì nghe khá giống nhau, nếu nhìn từ hình dạng thì khó mà phân biệt.Tuy nhiên không phải là không có cách để mà phân biệt được giới tính của chúng. Nhìn kỹ thì chim mái cái đầu hơi nhỏ hơn tức hơi nhọn hơn một chút, đôi mắt như mơ màng mà buồn hơn,một cách dễ phân biệt là dùng ngón tay rờ để coi hai lườn xương ghim nơi chúng,chim mái thì hai xương nầy mở rộng hơn,dễ nhận biết là nơi mấy anh chim già đã đẻ được một vài ba lứa rồi.Có lẽ tất cả các loài về giống cái trên thế gian,tạo hóa đã đặc biệt cấu tạo như vậy,vì giống cái được phân trách nhiệm phải sinh đẻ,kể cả con người cũng vậy.

Loài chim cu Cườm,chúng không quyến luyến trong việc làm quen với chủ,cho dù người nuôi quí mến chúng, chăm sóc chúng thời gian lâu bao nhiêu cũng vậy, nếu chúng thoát ra khỏi lồng là bay đi biệt tích,khó mà tìm bắt lại được.Đồng dạng với loài chim cu cườm nầy, ở xứ ta thường thấy có mấy loại:

Thứ nhất là loài cu ngói:

Thân hình loài cu ngói chỉ nhỏ bằng chừng 2/3 thân của loài cu cườm,tức bằng thân hình một chú chim bồ câu sẻ,toàn thân có màu lông hơi hung đỏ gần giống màu ngói,nên có tên gọi là cu Ngói.Cổ chim ngói không có cườm mà chỉ có một đường viền đen nhỏ vòng quanh ,chúng cũng sống từng cặp với nhau và thường đi trên mặt đất để kiếm mồi như loài cu đất. (Cu Cườm).

Red Collared Dove - Shanghai Birding
上海观鸟

(cu ngói)

Cu ngói cũng có nhiều sắc lông như loài cu cườm,vì chúng cũng được sinh sản và sống trên nhiều vùng đất khác nhau, nên tạo cho chúng nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng ở quê ta cu ngói chỉ có màu lông nầy,màu hung hung đỏ,lông đuôi có màu đen nhạt,cứng,da chân có màu nâu sẩm .Đặc biệt tiếng gáy của loài cu ngói nghe cũng khá vui tai,tiếng gáy của chúng phát ra âm thanh nghe như " Ca cà rọt cà rọt,ca cà rọt cà rọt” mà kéo dài ra. Chúng thường làm tổ lanh quanh trên những cây chói trong vườn,nơi bờ bụi là những nơi mà chúng thường kiếm mồi, cũng là những nơi chúng ta dễ nhìn thấy,nhưng mà không ai muốn bắt chim con của chúng cả.Coi ra người dân ở quê ta vào thời nầy tuy còn rất nghèo,nhưng lại khá hiền.

Loài thứ hai là chim xanh:

Loài chim xanh có bộ lông một màu xanh như màu lá cây rừng phủ toàn thân, nên chúng còn được gọi là loài “chim rừng”,loài chim xanh ngoài bộ lông màu xanh phủ toan thân, bộ lông của chúng còn được kết hợp thêm bởi màu vàng nhạt hay tím nhạt nơi vùng cổ và trên phần đuôi,nơi muốt hai đầu cánh lông có màu đen.Nơi vùng bụng lông mịn và thường có thêm màu tím nhạt hoặc màu vàng nhạt nơi vùng hậu môn.Thân hình chúng cũng khá lớn có thể dài từ 25-30cm và nặng từ 100 đến 160g tức bằng một con chim cu cườm.Chim trống có kích thước luôn lớn hơn chim mái, chúng sống thành từng đàn rất đông có cả trăm con,và có thể nhiều trăm con là đằng khác.Người dân sống nơi vùng ta, thì ít khi nhìn thấy loài chim xanh tìm thức ăn nơi các cánh đồng như bọn cu đất, cu ngói.Chim Xanh, chúng tìm thức ăn phần lớn là nơi những cánh rừng vì thức ăn của chúng là những loại trái cây nơi rừng núi.Thường thì chúng cũng tìm những bãi đậu riêng nơi bờ sông,bờ suối xa người để ăn thêm những hạt sạn nhỏ màu trắng, cùng lúc cũng để uống nước hằng ngày.Những hạt sạn nhỏ màu trắng nầy có chất muối sẽ giúp ích cho bộ phận tiêu hóa của chim hữu hiệu hơn như chúng ta đã biết, giúp nghiền nát các thức ăn cho chúng một cách dễ dàng, để biến các thức ăn ấy thành chất bổ dưỡng mà nuôi cơ thể.

Tiếng chim cu xanh gáy cái âm nghe như thế nầy: Crococ, cô cô crococ , croocroc cô cô crococ những tiếng gáy kéo dài mà khá nhỏ,mỗi lần gáy chúng gục đầu xuống sát mặt đất mới ra thành tiếng, nhưng chỉ gáy mỗi lần như vậy chừng mươi tràng thì lại thôi,có thể tiếng gáy của chúng chỉ lớn vừa đủ cho mấy chị bạn tình của chúng nghe mà thôi. Ở quê ta ít khi bắt được loại chim nầy,vì chúng thường sống nơi vùng núi rừng, thỉnh thoảng chúng cũng có bay về đậu nơi bờ tre gai (làng ngà) của nhà bà bác cửu Hề nơi bờ sông vườn Trứ, cùng với các loài chim khác vào lúc mỗi buổi chiều về, nhưng ít lắm, chỉ chừng 5, 7 con mà thôi.Nhờ vậy mà người dân nơi vùng ta mới biết được hình dáng của loài chim xanh nầy.

Tiếng chim cu xanh chuẩn nhất hay nhất cập nhật mới nhất mp3 - Bẫy
chim Sơn
Thọ

(Chim Xanh)

Loài chim xanh nầy người ta bắt được nhiều, là khi những người chuyên việc làm nghề đánh bẩy bắt chim, người ta dùng đủ loại rập mà bắt chúng đủ kiểu,nhưng kết quả nhất là dùng loại rập đứng,để chắn ngang nơi eo núi mà loài chim nầy hay bay qua,bay lại.Có nghĩa là dùng một tấm lưới lớn có chiều cao chừng 10 mét,và chiều ngang khá rộng, tùy vào địa thế mỗi nơi mà mở rộng lưới ra, tấm lưới nầy được cột gọn gàng hai bên mí vào thân hai cây sào dài ở hai bên để tiện việc cho hai người cầm giữ. Hai người nầy dựng đứng tấm lưới dùng để đón bắt bọn chim xanh nơi vùng “EO GIÓ là nơi mà chúng thường bay qua về hằng ngày cả hai buổi sáng,chiều . Eo gió ở đâu ? đó là một khoảng trống do hai ngọn núi cao tại vùng giáp ranh giữa hai xã Bình Phú Thăng Bình và làng Phú Lâm xã Phước Sơn, Tiên Phước tạo thành,nơi đây cũng là khoảng trống mà gió tại vùng nầy luôn lùa qua vì vậy mà người dân ở tại đây mới đặt tên cho nơi nầy là “Eo Gió”.Cái eo núi nầy còn được dùng làm đường đi cho người qua về giữa hai vùng Thăng BÌnh,Tiên Phước,bên cạnh đó cũng là con đường mà bọn chim xanh cư trú nơi vùng núi Phước Sơn dùng làm đường bay qua về hằng ngày,vào mỗi buổi sáng sớm chúng bay đi kiếm ăn, và lúc chiều tối chúng bay về để nghỉ ngủ tại các khu rừng xứ Phước Sơn,vì nơi đó chúng đã chọn làm nơi cư trú thường trực vào ban đêm, để sáng hôm sau chúng lại dậy mà bay đi kiếm ăn ra xa nơi các vùng núi cao bên ngoài,có thể là bay tới cả vùng núi cao xa tận thuộc vùng Quế Sơn.

Đời sống sinh hoạt của loài chim xanh có thể cũng gần giống như các loài chim khác,nhưng chim xanh không tìm thức ăn nơi vùng đồng bằng như hai loài Cu Đất và cu Ngói,bởi chúng là loài chuyên ăn các loại trái cây rừng.Tuy sống thành từng bầy rất đông,nhưng chim xanh vẫn có từng đôi cặp riêng tư đối với các sinh hoạt khác của chúng.

Tại trảng cát sông nơi bờ thổ vườn Trứ,thỉnh thoảng nhà ông Hương Ngọc (Dương Nhuận) và con trai ông là Dương Ngọc (Ngoạn), hay tổ chức việc đánh bảy chim theo cách rập ủ, để bắt các loài chim bay về uống nước nơi đoạn sông có bãi cát rộng tại đây, đánh bảy bằng cách rập ủ như vậy thường cũng bắt được một số các con chim đủ loại mà đôi lúc cũng bắt được ít chú chim xanh, đó là những chú chim thuộc nhóm ăn lẻ mà thường ngày bay về đậu nơi bờ tre Làng Ngà tại đoạn bờ sông nầy,vườn Trứ. Nghề chơi nầy cũng khá vui,nhưng cũng phải dùng nhiều người để đuổi, giữ không cho bọn chim uống nước nơi các đoạn sông xa hai đầu, để dồn tất cả chúng bay về nơi bờ tre gai nầy,mục đích cho chúng sà xuống nơi có chú chim mồi,nơi đó đã giăng sẵn hai mặt rập để chờ bắt chúng.

Rập chim ủ, là một từ dùng để chỉ cách rập chim có tính cách qui mô lớn giữa bãi cát sông trống hoang .Người ta dùng những cành lá cây,nhưng đặc biệt dễ dùng nhất là loại lá Đùng Đình,dùng cắm quanh tạo thành một cái ụ lớn đủ rộng dùng cho một người giữ bẩy ngồi núp, giữ không cho các loài chim trông thấy bóng người, làm cho chúng sợ mà bay đi.Người nầy phải canh chừng lúc thấy chim đậu xuống trong khoảng lòng rập,mỗi lần thấy vừa đủ là dật dây, để cho hai mặt rập úp lại mà bắt mấy chú chim.Cách dụ và bắt chim kiểu nầy gọi là “rập ủ”.

Loại thứ 3 là loài chim Gầm Ghì.

Loại chim nầy về hình dạng thì cũng giống như hình dạng của các loài chim mà chúng ta đã nhìn thấy bên trên, nhưng thân hình nó to xấp đôi,xấp ba thân hình loại chim cu mồi,tức chúng to như một con gà mái choi.Tiếng gáy của chúng tương đối lớn, mà âm hanh nghe như tiếng"Gù Ghì ...Gầm ghì...” âm ghì luôn kéo thật dài ra. Cái âm từ tiếng gáy của loài chim nầy nghe rõ là như vậy, nên người ta mới đặt tên cho chúng là chim “Gầm Ghì”.Loài chim nầy thường sống nơi rừng núi cao và tìm ăn những trái cây hoang tại các nơi đó.Đặc biệt là chúng không bao giờ bay về đậu nơi những cánh đồng ruộng lúa như hai loài cu đất và cu ngói. Tuy nhiên,một số người dân ở xứ ta,thỉnh thoảng họ cũng có được nhìn thấy mà biết được về loài chim Gầm Ghì nầy vào những lúc chúng bay về đậu nơi bờ tre gai vườn Trứ đó là một số con chim sống lẻ, hoặc lúc ông Hương Ngọc đánh bẩy bắt được,do bởi từ cái việc đánh rập ủ của cha con ông, nơi bãi cát sông vườn Trứ vào mùa nắng.

Về loài chim Gầm Ghì theo các nhà nghiên cứu về chim,người ta nói loài chim nầy cũng có nhiều màu lông, nhưng chúng ta thường nhìn thấy phần lớn là những chú chim bay về đậu tại bờ tre gai nơi bờ sông vườn Trứ, là những chú Gầm Ghì có toàn một màu lông màu xám,bên cạnh đó chúng ta lại thường phải đứng nhìn chúng từ xa, do vậy mà không quan sát kỹ được những đặt điểm nhỏ xuất hiện chung cùng trên bộ lông của chúng. Theo các nhà nghiên cứu các loài chim

Green Imperial Pigeon
©ebird.org

Thì có một loài chim Gầm Ghì lông nơi hai cánh toàn là màu xanh,phần lông phủ nơi đuôi có màu hạt dẻ. Loại nầy thường sống nơi các xứ thuộc vùng Nam Á,như Ấn Độ,Nepal.Loại chim Gầm ghì nầy đặc biệt từ mỏ,lông đầu, lông bao hết phần cổ,và bao xuống hết phần bụng đều toàn là một màu trắng. Gầm Ghì cũng được ghép vào loài bồ câu như các loài chim khác,nhưng Gầm ghì thuộc vào loại thân to hơn loài bồ câu,thường chúng có kích thước dài vào khoảng 4 dm, có trọng lượng nặng xấp đôi,xấp ba các loài chim kia.

Chúng ta đã quan sát thêm được ba loài chim đồng dạng của loài Cu Cườm hay “cu đất”.mà tất cả các loài nầy đều được xếp vào họ bồ câu: Tại sao Bồ Câu được dùng làm biểu tượng cho các loài chim cu,có thể vì chúng đã được loài người thuần hóa để nuôi, đã trở thành là loài gia cầm.Bồ câu là loại nuôi tại nhà mà không bao giờ bỏ đi.Bồ câu là loài chim còn được dùng làm biểu tượng cho hòa bình,nhất là những chú chim bồ câu toàn thân có màu trắng,nó sẽ mang đến cho con người thông điệp làm biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc.Mà dưới đây là hình ảnh một chú chim bồ câu trắng..

 

( Bồ câu trắng biểu tượng cho Hòa Bình)

Trở lại với chuyện nói về loài “Cu Cườm”:

Trong tất cả các loài chim có thể cu đất là loài chim mà những người thích chơi chim,đam mê tiếng gáy của chúng hơn, nên nhiều người thích nuôi mà quyến luyến với chúng nhiều lắm.Nhìn một cách chung chung cũng chỉ có loài cu đất mới có tiếng gáy ví von,thánh thót làm cho con người mê say tiếng gáy của chúng được.

Vậy muốn chọn được một con chim tốt thì người chơi chim cần phải học hỏi cho rành rẽ về cách lựa từ nhiều nét phát tiết ra một cách đặc biệt nơi mỗi con chim.Trong dân gian Việt Nam một số loài vật muốn chọn con tốt người ta phải dựa vào bài phú riêng cho từng loài ,ví như việc mua trâu thì phải dựa vào “Ngưu kinh”,chọn gà đá thì phải dựa vào “Kê Kinh” nhưng việc chọn chim mồi thì chưa thấy ai làm ra bộ “Cu kinh” nào cả.Tuy nhiên người ta đã dựa vào kinh nghiệm, vào sở trường từ việc nuôi và chơi chim mồi đã thành người sành điệu về việc nhìn tướng,ngắm diện mạo, nhất là nghe âm thanh từ tiếng gáy của chúng để tạo ra cách chọn một chú chim mồi tốt nhất.

Và dưới đây là một số nét phát tiết nơi mỗi chú chim tốt,tôi đã được đọc qua xin được ghi chép lại dưới đây giúp quí vị , vị nào thích chơi chim “Mồi” có thể tham khảo trong việc chọn cho mình một chú chim đúng sở thích.

  • Về hình dạng gồm có các nét dưới đây:

  • Nhất huỳnh liên: Là chú chim có cườm màu vàng (huỳnh), Vòng cườm phải xuống tận vai,nhưng không đóng ở trên lưng. Loại chim nầy thì quá hiếm rất khó gặp được.

  • Nhì liên giáp: Liên giáp là hình dáng của chú chim nhìn giống như hình cái bắp chuối, hai đầu nhỏ,giữa phình ra,trông gọn chặt và rắn chắt.

  • Tam quá khóe: Nơi khóe mắt có chỉ màu đen chạy dài bên dưới mà phải quá khóe mắt một chút.

  • Tứ chân khô: Lựa được con chim đôi chân vuông cạnh mà khô,vảy đóng hai hàng trơn,chặt mà nổi mốc.

  • Ngũ liên hoàn Cườm phải đóng liền hết vòng cổ mới tốt,thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi,phần dưới ức không có cườm.

  • Lục cườm rựng: Cườm rựng tức là có cườm lót.Chim có cườm rựng là chim có gù hậu,tức là gáy dai dẳng.

Trong sáu tiêu chuẩn mà con chim nào lọt vào một trong sáu tiêu chuẩn trên ,chọn được để làm chim mồi là tốt nhất,vì chúng thuộc vào nhóm những con chim quí hiếm.

Ngoài ra còn phải lưu ý thêm các điểm sau.

  • Chim cu mà đuôi vót: tức là nơi bắp đuôi lớn, nơi chót đuôi nhỏ dần lại mới là chim hay.

  • Chim có gián cánh: tức có lông trắng ở trên một cánh,nếu có được cả hai cánh thì càng tốt,gặp được con chim như vậy là phải chọn nuôi ngay.

  • Chim có móng trắng gọi là bạch đề: chỉ cần có một móng trắng,nếu có nhiều móng trắng lại là loại rất quí.

  • Chim có màu đỏ: tức là loại chim rất dữ, chọn được để làm chim mồi thì rất là gặp may.Tuy nhiên người ta cũng lại có nói, loại chim màu đỏ là “sát chủ”,sát chủ như thế nào thì không rõ,nhưng ngược lại lại nói loại chim có màu nầy dùng trong công việc gát cu thì rất gặp may.

Ngoài ra,còn phải chọn chim có đầu nhỏ,mỏ cong,mình bầu,cổ lãi (cổ cao) chân thấp,đuôi thon,có cánh phủ mình hay cánh chéo,lông phủ đầu gối.Các yêu tố trên cũng góp phần đối với việc chọn một con chim tốt.

Ngoài việc chọn về hình dạng như trên,người chơi chim còn phải biết nghe âm của tiếng gáy,vì loài chim cu mồi là loài dùng bộ điệu hung hăng,và tiếng gáy có âm khêu gợi thì mới mau chiêu dụ được mấy anh chim ngoài dễ sập bẫy.Phải là người rành mới biết được âm từ tiếng gáy của mỗi con,người không rành thì khó mà biết được cứ nghe mà tưởng là chim chỉ gáy Cúc cù cu mà thôi.Không phải thế,chim cu gáy có nhiều giọng,phân biệt được giọng của chúng mới cuốn hút sự đam mê của người thích chơi chim.

Chim cu có cả thảy 5 giọng gáy đó là giọng trơn,giọng một,giọng hai,giọng ba, và giọng cà lăm.

  • Giọng trơn: Cúc cu cu chỉ là một đoạn một mà không có những tiếng đệm theo sau, gọi đó là giọng trơn,cứ mỗi lần gáy là cất lên 3 tiếng đơn giản,nó cụt ngủn như vậy.

  • Giọng một: Cúc cu cu...cu (tức có thêm một tiếng đệm phía sau làm cho tiếng gáy dài hơn,hay hơn)

  • Giọng hai: Cúc cu cu...cu cu (đệm thêm hai tiếng hậu phía sau làm cho tiếng gáy hay hơn nhiều).

  • Giọng ba: Cúc cu cu...cu cu cu (đệm thêm ba tiếng hậu phía sau lại càng làm cho tiến gáy hay hơn nữa)Con chim mà gáy đệm thêm ba tiếng là loại rất quí,ngoài thiên nhiên nếu mà nghe được có con chim có tiếng gáy như vậy ,thì người gác cu dù khó bao nhiêu cũng phải tìm nhử cho bằng được đem về nuôi,thuần nó để mà dùng.

  • Giọng cà lăm: Tức là chim gáy lúc nầy,lúc khác rè rè như người nói cà lăm,loại nầy thì đại xấu,bắt được thì nên dùng để rôti,nấu cháo hay xào lăn làm mồi nhấm rượu mà thôi.

Ngoài ra chim cu gáy còn có 4 âm chính phải nghe mà phân biệt cho được tiếng của nó hay,dở ra sao,đây là việc cực kỳ khó,người chuyên thì chỉ nghe thoáng qua là biết,người chưa quen thì khó lắm.

  • Giọng cu gáy có 4 âm chính: Âm Thổ; Âm Đồng; Âm Son và Âm Kim.

  • Âm thổ: là tiếng gáy có giọng trầm,đây là loại chim khôn nhất.nhưng trong âm thổ còn phải phân biệt có 4 âm phụ sau đây:

1) Thổ đồng: âm trầm là âm ngân vang nghe như tiếng chiêng cồng.

2) Thổ bầu: âm trầm nhưng nghe mà ổm tai.

3) Thổ sấm: âm trầm mà rền như tiếng sấm.

4) Thổ dế: âm trầm mà rỉ rả nỉ non như tiếng dế gáy.

  • Âm Đồng: chim gáy có âm đồng thì tiếng gáy ngân vang,âm đồng cũng được phân ra nhiều loại.

1) Đồng pha thổ : Đồng pha thổ,âm ngân vang nhưng lại trầm trầm

2) Đồng pha son : Âm càng lúc càng ngân vang.

3) Đồng pha kim : Âm càng lúc càng nhỏ nhưng vẫn vang xa.

  • Âm son: chim gáy có âm son,có người gọi là âm chuông vì giọng chim gáy ngân vang như tiếng chuông rền,nghe có vẻ hùng tráng oai vệ. Âm son cũng có nhiều loại như:

1) Son pha đồng: Âm to mà rền vang như tiếng sấm.

2) Son pha kim : Âm khởi đầu rền vang như tiếng chuông ngân sau lại nhỏ dần.

  • Âm Kim: Chim gáy có âm kim tiếng nhỏ mà vang xa,Âm kim cũng có mấy loại như:

1) Kim pha son

2) Kim pha thổ.

3) Kim pha đồng

Đây là bài vè về cách chọn chim cu:

  • Đầu nhỏ,mỏ đinh,cườm nhặt đóng quanh / Mình thon bắp chuối,Lông xoay con cúi /Chân ngắn đỏ sần / Tiếng vọng hồ âm,gáy hoài không mệt.

  • Giọng cu gáy: Chu: Tiếng gáy rền / Mở: Tiếng gáy như vọng từ xa/ Lèo:Tiếng gáy “Cù” sau cùng kéo dài / Ngặt: Tiếng ngắt giữa nhịp / Đanh, Dồn: Khi đứng trước đối thủ phải gáy dồn,thúc giục/ Đảo: gáy rồi,gáy lại thời gian lâu.

Nói về âm trong tiếng gáy của chim được phân ra chừng đó giọng,muốn nghe mà phân ra cho thật chính xác không phải là một chuyện dễ dàng.Người mà hiểu được tất cả các âm trong tiếng gáy của chim cu,ắt là một người rất sành điệu.Người như vậy sẽ tìm được những điều lý thú trong việc chơi chim và việc đi gác chim mồi.(treo chim).

Bây giờ tôi muốn ghi lại một số nét về chuyện chơi chim có quan hệ từ người trong gia đình chúng tôi ngày xưa .Người chơi chim cu gáy đó là ông cố " Xã Bảy của chúng tôi” ông cố có tên tục là “Phan công Nguyện” con trai thứ của ông bà Huyện Thiện. Ông cố được dân làng bầu vào chức Lý Trưởng “xã Thanh Ly” ngày trước,nên được mọi người trong làng gọi ông là ông “Xã Bảy”. Ông là một tay lão luyện về nghề chơi chim mồi,ngoài nghề chơi chim mồi,ông Cố chúng tôi còn có những ngón nghề đặc biệt,dùng để giúp làm công việc đồng án hằng năm, thứ nhất là vãi giống gieo,kể cả việc vãi giống bắt mạ. Thứ hai là việc quăng mạ ruộng cấy.( Vãi giống tưởng là dễ,không phải vậy đâu,có người chuyên,bên cạnh cũng phải có năng khiếu thì làm công việc vãi giống mới đều,vãi giống thật đều thì mới tiếc kiệm được nhiều công trong vụ dặm lúa sau đó, khi vãi giống đều thì lúa cây vừa phải sẽ tăng năng suất lúc thu hoạch.Ở làng ta có trường hợp dính dấp đến công việc vãi giống. Tôi ghi lại đây để nghiệm đúng về công việc nầy,nó xảy ra nơi nhà quí ông “Bá Hộ” đàn tộc Phan văn {đàn ông cửu Hề,ông Lợi} vào cái thời Nghĩa Hội khởi nghĩa (1886 là phải) Ba ông Bá Tư,Năm, Sáu bị bắt vì các ông là Bá Hộ, nên bị nghi là có tư tưởng theo Tây,cùng thời nầy,gia đình chúng tôi có ông Cao Huyện Thiện cũng bị nghi như vậy . Năm đó gặp vào mùa gieo nên ông Bá Bảy lên thay việc ngồi tù cho ông Bá Sáu để ông Bá Sáu về vãi giống gieo.Sau đó thì ông Bá Bảy bị giết cùng với hai ông bá Tư,Bá năm,ông Bá Sáu được thoát chết. Ông bá Sáu là người sau nầy sinh ra đàn ông Lợi,ông Hương Nhẫn,ông xã Tuất. Ông Cao Huyện chúng tôi cũng bị giết cùng đợt nầy tại Phước Sơn, Tiên Phước). Ghi lại trường hợp về ông Bá Bảy để hiểu ra rằng công việc vãi giống vào thời bấy giờ còn là một việc làm khá quan trọng,vì phải vãi giống đôi ba chục mẫu ruộng gieo,kể cả công việc bắt mạ cũng vậy).Ông cố Bảy chúng tôi đã dùng các ngón nghề điêu luyện của mình, mà giúp bà cố trong một số công việc nông tang coi ra cũng rất khó, đó là công việc vãi giống gieo vào mùa gieo,vãi giống bắt mạ vào mùa bắt mạ khoảng tháng 8 ÂL hằng năm.. Ông Cố chúng tôi còn có một ngón nghề đặc biệt mà chỉ mỗi một mình ông luyện được,không có người thứ hai kể cả các con trai của ông cũng vậy,đó là: " việc quăng mạ ra ruộng cấy” .Ông quăng mạ ra ruộng cấy thì không phải lội xuống ruộng làm cho lủng ruộng,ông chỉ đi quanh mà đứng trên bờ dù đám ruộng có rộng bao nhiêu cũng vậy, ông chúm ngọn 2 đầu bó mạ lại mà dồi lên để quăng ra trên mặt ruộng bùn,cách quăng những bó mạ như vậy, bó mạ vẫn rớt xuống theo chiều thẳng đứng, không bao giờ bị ngã nằm mà làm cho các rẽ mạ bị se, mà cứ như vậy ông quăng thật đều khắp mặt ruộng để người cấy không phải đi xách dặm lúc cấy bị thiếu.Đó mới là cái điệu nghệ.

Đến mùa cấy là phải cấy bọn nên việc quăng mạ là phải liên tục vì cấy bọn thì người cấy rất là đông ,ít ra cũng từ vài mươi người trở lên.Ông cố làm công việc nầy giúp bà cố suốt mùa cấy,mà bên trong thực sự bà cố nhờ ông đi coi người cấy giúp bà tiện một thể,vì có mặt ông thì các bà cấy không ai dám cấy ẩu làm hư lúa về sau.Ngoài những công việc ông phải giúp vào các mùa sản xuất trên. Bên cạnh đó,phần thì giờ còn lại ông phải thi hành chức trách của người đứng đầu trong làng (xã) là phải có mặt tại Đình Làng, để giải quyết công việc chung của làng,nhất là mùa thu thuế, ông luôn phải túc trực thường xuyên tại Đình Làng để trông chừng ,không cho một viên chức nào trong nhóm thu thuế lợi dụng mà thu trội lúa của dân làng.Ngoài các công việc trên,thì giờ còn lại Ông Cố chúng tôi lo nuôi và chăm sóc mấy con chim cu để làm công việc mà ông thích đó là đi gác cu mồi (Treo chim).

Các ông nội chú kể lại cho nghe là ông Cố có hai con chim mồi hay tuyệt vời,những ngày ở nhà vào mùa nắng ,ông thường treo hai lồng chim ấy nơi cây mít đầu hè nhà trên,để ông nằm mà nghe tiếng gáy cúc cu cu...cu cu cu của chúng vào những buổi trưa hè gió hiu hiu thổi.Coi ra thì ông cũng không còn bao nhiêu thì giờ để làm cái công việc đi gác cu (treo chim) là cái thú đam mê của ông.Ngẫm ra thì ông Cố chúng tôi vì đam mê việc nuôi,treo chim mồi ,nên lại bị phạm vào một trong 4 cái mà người đời ghép là “Ngu” đó là: “Làm Mai,Lãnh nợ,Gác Cu,Cầm Chầu”.Ngẫm lại,khi phải biết về cách nuôi,lựa chim và gác cu,thật là một ngón nghề không phải dễ chút nào theo cách nghĩ của người đời.Am hiểu hết về nguyên tắc lựa cho được một con chim tốt mà nuôi,là cả một công trình,chỉ có người đam mê và rất thông minh thì mới hiểu hết được các nguyên tắc được coi là “Cu Kinh"nầy thì mới làm được,như vậy coi ra cái ngu của nghề gác Cu không phải là lớn lắm,vì người đời cho đó là cái ngu, bởi đôi lúc người gác cu phải ngồi nơi phía chuồng heo của nhà người ta mà trông chừng lồng chim của mình, tức là gác các chú “Cắt Cu” bay vào bắt con chim mồi của mình,thế thôi.

Lúc về già, ông Cố yếu mà qua đời, ông Cố vẫn còn có hai lồng chim mà hai con chim bên trong lồng thuộc vào loại tuyệt hảo.Lúc ông mất,hôm đưa tang ông đến nơi an táng tại Gò Rơi,(nơi mà bây giờ tôi quy hoạch thành khu nghĩa địa gia đình).Bà cố đã cho người gánh hai lồng chim đi theo có nghĩa là hai con chim mà ông quý nhất được đi đưa ông đến tận nơi huyệt mộ.

Những ngày sau đó đem chúng về nhà,nghe mấy ông nội chú kể lại,là mấy ông cũng cố gắng cho chúng ăn uống đúng mức và đúng cách,nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn sau đó rồi cả hai cũng đều chết theo ông. Coi ra như vậy, con vật nuôi cũng có linh tính lắm đấy,chúng quyến luyến người chủ nuôi, quả linh tính của chúng đối với chủ khá đậm đà và đầy tình nghĩa.Mặc dầu chúng thuộc vào loại con vật một khi sổ lồng là bay đi.

Ghi lại câu chuyện nhà và mượn câu chuyện về ông Cố nuôi chim mồi,để nhớ đến vong linh ông, một người bề trên thuộc vào hàng đã được suy tôn là tổ tiên của chúng tôi,một con người đáng kính của tất cả đàn cháu chắt chúng tôi.Và cũng để mượn câu chuyện nầy kết lại cái đoạn viết về loài chim"Cu Cườm” bên trên,mà tôi đã cà kê,dê ngỗng về nhiều loài chim khác đồng dạng với chúng nên bài viết đã lại khá dài./. (19/1/25) han công Thạnh

____________________________________

6) CHIM KHƯỚU:

Tất cả các loài chim được sinh ra ngoài thiên nhiên,loại nào cũng có một giọng hót dành riêng cho nòi giống mình,theo cái nhìn của con người. Có thể trong chủ quan của từng loài,chúng đều cho rằng tiếng kêu hay giọng hót của nòi giống mình là rất hay,vì tất cả bên trong giọng hót của từng loài đều có một âm điệu ví von, thánh thót riêng biệt theo cách suy tư có thể từ chủ quan của từng mỗi giống,mỗi loài.Chính vì vậy mà mỗi loài,mỗi giống đều giữ mà trau chút giọng hót của mình cho thật điêu luyện,để quyết sánh kịp với tiếng kêu,giọng hót của nhiều giống khác trong cộng đồng loài chim, kể cả những loài chim có thân hình vĩ đại nhất như Đại Bàn,Kênh Kênh và kể cả những loài có thân hình được cấu tạo nhỏ xíu như loài chim sâu,chim chít mà tất cả đều có mặt trong thế giới loài chim nơi thế gian.

Với loài người thì chỉ có một số loài chim được đánh giá cao về tiếng gáy,tiếng hót của chúng vì đã quyến rủ được con người mến mộ,nhưng tính thử thì không nhiều lắm. Đặc biệt nơi quê chúng tôi vào những ngày xưa cũ trước đây,những loài chim sống trong vùng có sự gần gũi với con người mà có tiếng hót,tiếng gáy làm say mê lòng người thì chỉ độ chừng không tới mươi loài, đặc biệt trong số đó có cả loài “KHƯỚU"mà người dân nơi vùng quê chúng tôi thường gọi chúng với một cái tên khá giản dị là loài “Bù Chao”, hay “Bồ Chao” một loại chim tuy có thân hình khá đơn điệu,nhưng lại có tiếng hót bằng cái giọng rất cao, vi vút,nhưng cái âm lại rất thanh tao.Mỗi lần chúng cất tiếng hót là giọng hót kéo ra thành từng tràng dài,âm điệu lắm lúc nghe khá rõ,vì tiếng hót của chúng khá to, nếu lúc chúng tập trung nhập bọn cả một đàn, thì luôn luôn làm ồn ào cho cả một vùng không gian khá rộng chung quanh nơi chúng đang sống. Thông thường chỉ một chú thôi cũng có thể đã làm phiền đến cá nhà hàng xóm nếu là chú được nuôi trong nhà.Tuy nhiên, với những đặc điểm mà tạo hóa ban phú cho tiếng hót điêu luyện của loài chim khướu, vẫn đã làm say mê đối với con người,bởi từ cái giọng hót vang vang mà thánh thót vừa vi vút bởi cái âm điệu nơi cái giọng của chúng,đã làm cho nhiều người say mê,đâm ra ưa thích và quí mến loại chim nầy “KHƯỚU”.

Một cách tống quát mô tả về loài khướu là như vậy.Nhưng thật sự loài chim khướu là loài chim có hình dạng như thế nào? để xác định mà định hình về loài chim nầy một cách thật rõ nét,chúng ta nên đi sâu vào phần phân tích về loài chim có cái tên là: “KHƯỚU” nầy, để biết về cả giọng hót được mô tả là oang oang mà vi vút,với cái âm thánh thót đã cuốn hút làm say mê con người .

Chim Khướu: Đặc điểm, phân loại, cách nuôi và chăm sóc tốt nhất -
5

(chim khướu giống bạc má)

Theo những nhà nghiên cứu về các loài chim,loài chim Khướu,thì có quá nhiều giống,nên muốn phân loài là phải dựa vào màu lông và một số các dặc điểm riêng biệt của từng nhóm. Có một điều giúp ta lưu ý,màu lông của chúng khác nhau cũng do từ thổ nhưỡng mỗi vùng chúng sinh sống mà cấu tạo nên.Như vậy đã cho ta hiểu rằng thổ nhưỡng giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành màu sắc của nhiều loài chim, cũng như nhiều loài động vật khác,có thể phải kể đến cả loài người cũng vậy.

Phân tích để biết về ngoại hình của các loài chim Khướu (Bồ Chao).

Loài chim Khướu còn có cái tên gọi nom na mà bà con nông dân ở xứ ta vào những ngày trước đây đã gọi chúng,lúc mà Làng xóm nơi quê ta còn rất yên bình đó là loài chim “Bồ Chao” nhưng bà con nhà ta hay gọi là “Bù Chao,mà chính đó lại là loài chim “Khướu” theo các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng, “khướu” một cái tên khá hấp dẫn đã trở thành cái tên được gọi chính thức để chỉ về loài chim nầy.Đặc biệt, loài chim khướu có cái giọng hót rất hay,rất cao,tiếng to oang oang nhưng cái âm nghe khá ví von,có lúc cao một cách vi vút,nhờ từ tiếng hót đặc biệt nầy,mà loài khướu cũng được liệt vào một trong những loài chim có giọng hót hay.

Bồ Chao,là loài chim có thân hình với kích thước trung bình khi chúng đã trưởng thành, chiều dài toàn thân chừng từ 30 đền 35cm,kể cả phần đuôi dài từ 12-15cm.Như ta đã biết về loài chim nầy “Khướu”, chúng có quá nhiều màu lông tùy vào thổ nhưỡng từng vùng chúng sinh sống đã tạo nên như: nhóm màu mun,nhóm bạc má,nhóm đầu trắng là những nhóm đã có mặt ngay tại vùng quê ta.Ngoài ra khướu còn có nhiều giống khác nữa đó là khướu khoan cổ sống ở vùng Nam Á, khướu khoan đen sống ở Nam Trung Quốc,khướu đầu đen sống ở vùng Tây Nguyên VN,khướu bụng vàng,khưới đầu xám sống ở Nam Trung Quốc,Bắc Việt Nam. v...v.

Tại quê ta ngày trước đây,bọn Bù chao nầy chỉ vỏn vẹn có ba nhóm sinh sống, có thể các nhóm nầy lại hợp với thổ nhưỡng nơi quê ta đó là:thứ nhất Bù chao mun,thứ hai là loài Bạc Má, thứ ba là một nhóm thuộc loài đầu trắng,nhóm nầy không đông lắm, được người dân vùng ta gọi chúng là bù chao bạc đầu.Đông nhất thuộc loại chủ lực tại xứ ta lúc bấy giờ vẫn là loài bồ chao mun.

-Bồ Chao mun: từ đầu cho đến đuôi,kể cả hai chân, chúng chỉ có một màu đen duy nhất, tuy nhiên,màu đen không đậm lắm mà chỉ đen nhạt nhạt.Đặc biệt phần mỏ bên trên giáp nơi lông đầu,luôn có một số cộng lông nhỏ sưa xừng lên,các lông ấy chụm lại tạo thành cái chốp thấp, vì những cộng lông nơi đây quá ngắn lại hơi thưa, nên không tạo được một cái chốp nhọn giống như loài Chào Mào.Đó là một nét riêng biệt để chỉ về loài của chúng mà thôi “khướu mun”

-Bù chao Bạc má: loài nầy từ hình dáng và màu lông đều giống nguyên như loài Bồ Chao mun, nhưng hai bên hầu,tức hai bên dưới cổ có hai chòm lông trắng hình tròn, lớn cỡ bằng đồng xu nằm ở hai bên.Vì vậy chúng có tên là Bồ Chao bạc má.

-Bồ Chao đầu bạc hay Khướu đầu bạc: là loại Bồ chao (Khướu) toàn phần lông nơi đầu kéo xuống hết phần cổ,kể cả bên dưới phần ức giáp tận đến mình, lông có một màu trắng xóa,trắng một cách nổi bật.Lông nơi phần bụng,nơi phần hậu môn,nơi vùng lưng,cả phần cánh và đuôi thường có màu nâu hạt dẻ.Đường viền nơi tiếp giáp với cổ lông có màu hường hường sáng,trên đỉnh đầu chòm lông mào dài và dựng đứng khá cao, gần giống như cái mũ của loài Chào mào,nhưng không tạo thành cái chóp nhọn mà bằng,trải dài,trông khá oai vệ, tạo nên nét mạnh mẽ.Điểm nổi bật của nhóm khướu bạc đầu là hai bên mắt có hai chòm lông màu đen, chạy từ khóe mỏ xuyên qua bên dưới mắt lên cho đến tận cổ,là một chòm lông màu đen đậm ,tuy không rộng lắm nhưng nằm giữa một nền lông màu trắng phau đã làm cho nó nổi bật,nếu nhìn thoáng có thể hình dung tưởng cái mỏ của khướu là rất dài,nhưng thật sự thì cái mỏ của chúng rất bình thường, chỉ dài độ từ 2-3cm là nhiều,mỏ khướu nhỏ mà nhọn, có màu đen lơ .Chân loài khướu khá dài,to mà lại khá cứng,khắp cả đoạn chân có nhiều vảy nhỏ nối liền nhau tạo nên lớp da chân và luôn có màu nâu nhạt

Đặc điểm ngoại hình của chim Bồ
Chao

Sư phân biệt giới tính của loài khướu nói chung cũng không phải là quá khó, cho dù kích thước và màu sắc của cả hai giống giữa trống và mái khá tương đồng.Tuy nhiên, loài chim khướu trống có màu lông thường nổi bật hơn,trông sáng hơn, mà lông Mào của chúng thường dựng cao tạo thành cái mào trông to hơn,cho dù là loài Bạc Má,hay loài Bồ chao mun cũng vậy.Bồ chao mái thì lông luôn nhỏ bả hơn, với màu sắc nhìn có phần nhạt hơn.

Đời sống: Ngoài tự nhiên,loài chim Bồ Chao sống thành từng đàn có lúc tụ thành một nhóm nhỏ chỉ mươi con,có lúc một đàn lên đến 5,7 chục con,và cũng như người,chúng dùng ngôn ngữ riêng bằng tiếng kêu của chúng để giao tiếp với đồng loại.Nhưng tiếng kêu của chúng dùng tùy vào mỗi lúc,mà cái giọng được xử dụng cho mỗi trường hợp khác nhau:lúc tìm kiếm thức ăn là một cách,lúc tìm kết bạn tình vào chu kỳ sinh sản thì bằng một cách khác là hót,lúc dùng báo động khi có biến khá nguy hiểm thì giọng hót của chúng lại thay đổi một cách khác,có thể ấn chứa bên trong một sự giận dữ.

Môi trường sống của loài chim Bồ Chao, chúng thường thích nơi những cánh rừng thấp,rậm rạp, luôn có bóng râm mát,tại quê chúng tôi ngày trước các bờ bổi thấp nơi bờ sông Rù Rì,nơi các bồ thổ vùng “Chăm” là nơi sống lí tưởng của chúng.Mặt khác chúng còn rất thích sống nơi những bờ tre dày và rậm như bờ tre gai sau hè nhà cha mẹ tôi, chúng thường tập trung để ca hót khá thường xuyên,có thể những nơi nầy chúng cũng rất dễ tìm mồi,bên cạnh đó cành tre là nơi giúp chúng đủ chỗ để chuyền nhảy mỗi khi chúng tập trung lại để kêu,để hót.Đời sống của loài Bồ chao có lẽ cũng khá đơn giản, chúng ăn trái cây nơi các bụi bờ, và bay đậu nơi mặt đất để dạo tìm mồi bằng cách bắt các loài con trùng nhỏ như cào cào,châu chấu,nhền nhện,kể cả các loài sâu bọ khác nữa, nhưng chủ yếu thức ăn chính vẫn là trái cây.

Mùa sinh sản của loài chim Khướu là từ tháng giêng cho hết tháng 7 âm lịch.Chúng có thể đẻ hai lứa trong một năm,vì vậy mà mùa sinh sản của chúng được tính thời gian khá dài là như vậy.Việc sinh sản của chúng so với các loài chim khác nói chung,Bồ Chao cũng thuộc vào loại đặc biệt,có thể đẻ hai lần trong một năm,nhiều loài chim khác chỉ đẻ một lần trong năm.Đến mùa sinh sản,tức trong cơ thể của chúng cả chim trống lẫn chim mái đều có một sự biến đổi,làm cho bộ phận sinh dục thôi thúc tính dục.Vào thời gian nầy chim trống luôn cất cao tiếng hót,mà hót với một giọng thật du dương để chiêu dụ bạn tình nơi mấy chị chim mái.Một khi mà một chị đã nghe mà chịu tiếng hót của một anh chàng chim trống nào đó rồi, thì cả hai con sẽ cặp thành đôi mà âu yếm vào thời kỳ đầu của mùa sinh sản.Trước khi sinh đẻ cả hai đều chung sức để chuẩn bị cho việc làm tổ là nơi mà chị chim mái thực hiện việc đẻ trứng sau đó..

Tổ của chúng xây dựng khá kỹ,dùng lá tre,cỏ khô tha về, và áp dụng kỷ thuật riêng trong việc làm tổ mà chúng có, chúng dùng mỏ đan lồng chéo vào nhau những vật liệu chúng kiếm được,đồng thời dùng một chất tơ có thể là màng nhện để kết nối những loại vật liệu trên lại với nhau cho thật chắc chắn. Loài chim khướu xây dựng tổ của chúng thường có chiều sâu với một độ vừa phải, để khi nằm vào tổ gát chòm lông đuôi lên vành miệng tổ để khỏi bị gãy.Chim mái đẻ từ 3 đến 5 trứng mỗi lứa,trứng có màu trắng và tương đối nhỏ.Lúc đẻ trứng xong thì cả chim bố và chim mẹ thay phiên nhau ấp trứng,ấp trong khoảng từ 14 cho đến 17 ngày là trứng nở thành chim con.Chim con sẽ được cả bố,lẫn mẹ nuôi dưỡng trong vòng từ 15- 17 ngày sau đó nữa là chúng trưởng thành, nghĩa là đủ lông,đủ cánh,để tập bay và kể cả việc tìm thức ăn mà tự sống đời độc lập, phần lớn là chúng hòa nhập vào đàn.Kể cả chim bố mẹ của chúng cũng vậy,lúc làm xong nghĩa vụ nuôi các con,chim bố mẹ cũng phân ra sống độc lập trong đàn, để chờ đến mùa sinh sản tới sẽ làm việc kết đôi lần khác.

Chim Khướu lúc hót thì chúng sè đuôi, xoè cánh để rung có thể đó là hình thức biểu đạt sự hòa nhập tâm hồn của chúng một cách hết mình, để phát huy giọng hót biểu đạt phần âm thanh vi vút, véo von hơn, tạo chất lượng tiếng hót của chúng trở nên thanh thoát, du dương để cuốn hút, tạo sự chú ý của những đối tượng chung quanh,kể cả đồng loại của chúng.Chúng ta có thể suy luận mà hiểu và diễn giải về hình tượng của chúng là như vậy,khi nhìn qua các động thái mà chúng đã biểu đạt,cũng có thể là đúng như vậy, do vậy mà tiếng hót của loài chim khướu trở nên du dương một cách xuất sắc,đã làm cho loài người phải say mê.Có khá nhiều loài chim có tiếng hót khá hay,nhưng giọng Khướu là một trong loài có tiếng hót khá to,khá cao bằng âm điệu kéo dài nối nhau thành từng tràng suốt thời gian dài hơn cả tiếng đồng hồ mà không phải mệt, quả là vô địch, quả là sức chịu đựng dai dẳng của loài chim khướu vậy.Vì vậy mà chúng cũng đã được xếp vào loại có giọng hót hay trong trong thế giới loài chim, ngoại trừ các loài được liệt vào tứ đại danh ca là “Cu Cườm.Sơn Ca,Chích Chòe,và Họa Mi”.

Chim Khướu ngày nay những người thích chơi chim,đã chọn nuôi loài chim nầy rất nhiều,có lẽ vì chúng cũng dễ nuôi,mà giọng hót lại khá hay.Trước đây vào cái thời niên thiếu của chúng tôi,lúc còn làm những chú mục đồng ở tại quê.Chuyện nuôi chim,chơi chim là một việc thật xa lạ của chúng tôi đối với loài chim Khướu nầy,nhưng đến xem những lúc chúng tụ tập để hót đấu với nhau thì rất rất nhiều lần,vì chúng tôi có điều kiện thuận lợi kể cả về hoàn cảnh cho chí đến cả môi trường,đều thuận lợi để tiếp xúc mà xem chúng tập trung lại để hót hay có thể nói là chúng la lối với nhau về cái gì đó cũng được,đã nhiều lần vì chúng luôn sống nơi các bụi bờ là nơi mà chúng tôi thường thả bò ăn như thổ Chăm,bờ sông Ly Ly,Tràm v...v,nhưng việc nuôi chúng để chơi thì không,bởi lúc bấy giờ nghe đến cái tên của chúng là không mấy thích rồi, vì chúng đang còn bị đánh giá rất thấp là bọn “Bù Chao"bởi loài Bù Chao là loài chim lắm ồn ào.Trong đám trẻ mục đồng của chúng tôi lúc bấy giờ,cũng có một số ít thôi nuôi mấy chú Nhồng lai,vì Nhồng lai khá dễ nuôi mà cũng rất khôn,không bao giờ bỏ chủ.Mỗi lần mở cổng thả bò đi ăn,thì chú nhồng luôn nhảy lên đứng trên lưng mấy con bò,để cho bò chở chú đi, lúc cho bò về cũng vậy, nhồng cũng luôn nhảy mà đứng trên lưng bò,để mấy con bò chở chúng về.

Người ta nói Nhồng Lai cũng dễ dạy chúng nói tiếng người,nhưng những chú nhồng mà chúng tôi nuôi không chú nào biết nói được,có lẽ vì chúng tôi không có kỹ thuật dạy cho chúng là phải.Tuy nhiên,chúng khá dễ nuôi,nên cũng rất dễ thương,khi ra bãi nơi thả trâu bò ăn,chú Nhồng thường một mình dạo lang thang trên bãi cỏ để tự kiếm mồi,bọn mục đồng chúng tôi, cũng là chủ của chúng ,dĩ nhiên có bổn phận phải dạo mà bắt châu châu, cào cào cho chúng ăn no nê,mà ngày nào cũng vậy,chúng luôn được ăn no.

Nuôi loài chim khướu cũng khá dễ,có lẽ khó dạy cho chúng nói tiếng người như chim sáo,nhưng chúng lại có tiếng hót rất hay,một khi nghe là thấy thích.Bây giờ nhớ lại, lại ước ao, làm sao cho bà con dân làng nhà mình,có một ngày cuộc sống được cải thiện tốt hơn, để có được một số thời giờ rảnh rỗi,tạo cuộc sống được thỏa mái hơn trong việc mưu sinh, để giành thì giờ mà nghĩ đến chuyện giải trí,trong đó có thể nuôi những chú chim cảnh thật dễ thương trong nhà để xem, tạo thêm một chút nhàn nhã để yêu đời,làm phong phú hơn cho kiếp nhân sinh khá ngắn ngủi của con người. Ở xứ ta cũng có nhiều loài chim khá dễ nuôi, trong đó khướu cũng là một loài có tiếng hót rất hay mà lại hợp thủy thổ đối với thổ nhưỡng nơi quê ta,vã lại loài khướu cũng khá xinh,mà tiếng hót lại hay ví như loài khướu bạc má chẳng hạn. Có một lần tôi đã được nghe trọn vẹn tiếng hót của chú chim bạc má suốt cả một giờ đồng hồ vào một buổi sáng sớm tại thành phố Gia Lai , nơi nhà anh Nguyễn văn Bốn bạn của Nguyễn văn Nguyên, con rể tôi.

Câu chuyện kể lại khá dài.Chẳng là vào mùa hè năm 2015,vì từ lâu trong trí đã có ý định phải đi một vòng cho khắp các tỉnh Miền Nam,vì trước đó không có cơ hội để nhìn ngắm cái vẻ đẹp của quê hương mình.Để thực hiện cái ý định ấy,vào mùa hè năm 2015,tôi về lại quê để thăm gia đình,nhân tiện rủ các đứa cháu và nhất là anh chàng con rể lớn của tôi,tổ chức một chuyến đi dạo khắp cho hết các tỉnh Miền Nam để đáp ứng cái ao ước từ lâu của mình.Bởi sự quyết tâm, nên cha con bác cháu,cậu cháu,ông cháu chúng tôi đã thực hiện một chuyến du hành để dạo khắp vùng lãnh thổ Miền Nam, tương đối thành công,tuy nhiên thu hoạch một cách trọn vẹn,thì phải nói là chưa ,vì thì giờ không đủ để đáp ứng việc quan sát một cách sâu rộng đối với mỗi nơi đã ghé qua,vì vậy xét ra cũng gần như mới chỉ đi thoáng qua để gọi là có, vậy thôi.

Nhóm chúng tôi thực hiện chuyến đi lần nầy gồm: Tôi là người có yêu cầu,Nguyễn văn Nguyên là con rể lớn của tôi,Phan công Nguyên đứa cháu gọi tôi bằng bác ruột, con trai lớn chú Đỗ, Lương văn Phúc cháu ngoại gọi bằng cậu ruột,con trai thứ của cô Bốn, Bé Ngân đứa cháu ngoại út, con Nguyên-Nguyệt.Con trai lớn của Phúc là Thịnh gọi tôi bằng ông Cậu.Như vậy nhóm gồm cả thảy 6 người,4 lớn và 2 nhỏ.Chúng tôi dùng xe của Nguyên (rể) để thực hiện chuyến du hành nầy.

Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ nhà tại thành phố Đà Nẵng, cho xe chạy vào Tam Kỳ rồi đi theo quốc lô I mà vào Quảng Ngãi,tại đây có ghé thăm cảng Sa Huỳnh một lúc,rồi từ đó cho xe chạy lên vùng tháp chàm,nơi nầy cũng chỉ dạo thăm qua một vòng,sau đó cho xe chạy tuần tự mà vào Miền Nam,nhưng có ghé Sài Gòn một lúc không lâu,rồi chạy lên Hậu Giang (Cần Thơ) ghé bến Ninh Kiều lúc đó trời mưa rất lớn,và từ đó cho xe chạy xuyên ngang qua nhiều tỉnh nằm trong lãnh thổ miền Nam,rồi từ đó tỉnh nào cũng tuần tự có ghé thăm qua,tuy nhiên như tôi đã nói trên,chỉ ghé mà không ở lâu chỗ nào được, do vậy mà không tìm hiểu được hết những đặc điểm riêng biệt của từng nơi.Lúc đi vào gần vùng đất mũi,để kịp thì giờ ra cho đến tận cùng vùng mũi (Mũi Cà Mau) chúng tôi phải bỏ trổi đi hết một tỉnh không ghé vào đó là Bạc Liêu.

Lúc đã vào đến và thăm vùng đất ngay nơi được gọi là đất mũi,điểm đáng chú ý nhất là tấm bia phân định biên giới vùng chót của lãnh thổ Việt Nam, điểm cuối cùng của vùng lãnh thổ phía Nam nước ta.Tại nơi nầy chúng tôi dạo thăm và xem xét khá lâu,nhưng rồi phải trở lại thành phố Càu Mau để nghỉ qua đêm. Đường đi đến vùng nầy đã có được sự thông thương ,nhưng đường đang đổ đá còn gập ghềnh nên rất xấu,xe chỉ phải chạy bò bò mà thôi khá mất thì giờ.Ngày hôm sau lúc trở về chúng tôi ghé lại Đồng Tháp mười để xem Đầm sen,sau đó thì chạy về Tiến Giang (Gò Công) vì nơi nầy là điểm cần phải ghé,ghé Gò Kông là để thăm gia đình chú Hường người anh em thúc bá của tôi, và chúng tôi dùng bửa tối tại đây.Đến nơi đây việc ăn uống đơn giản lắm, vì nhà chú Hường ngoài việc dùng cơm tối luôn có một bửa nhậu rượu gạo với mồi là cá rô chiêng xù giòn.Nhà chú ta thì luôn có thật nhiều loại cá nầy, bởi hằng đêm tại mương nước trước vườn cha con chú luôn đặt một đó đứng để bắt cá. Về đến đây dĩ nhiên mọi người trong chúng tôi rất là thỏa mái,tắm rửa,nghỉ ngơi và ăn uống, con cháu chúng tôi chúng coi nơi đây như là nhà của chúng, vì đứa nào cũng thường có mặt tại nhà nầy nhiều lần trước đây,nên chúng coi như là nhà của chúng không có sự phân biệt gì cả, riêng với tôi thì cũng vậy, vì tôi đã đến nơi đây nhiều lần lắm trước mỗi khi về thăm nhà và trước những năm vào các thập niên 1980,1990 nhiều lần nên rất quen.Lần nầy về tới đây mọi người đều thỏa mái lo việc tắm rửa,và ăn uống.Khi có mặt chúng tôi nên mấy người quen hàng xóm cũng ghé qua chơi,đông vui nên có tổ chức một bửa nhậu bình dân,nhưng cũng khá đậm mà kéo dài cho đến khoảng 12 giờ đêm,tuy nhiên không ai bị say xỉn gì cả.

Sáng hôm sau,sau khi dùng điểm tâm kể cả việc uống cà phê sáng đã xong , nhóm chúng tôi lại tiếp tục lên đường,chạy ra đường quốc lộ 50 để đến đoạn giáp ranh giữa biên giới tỉnh Long An và Sài Gòn,rồi theo con đường mới mở bên ngoài thành phố mà đi lên Miền Đông,ghé thăm gia đình chú 6 Đào tại Bình Phước,và Lúc đến Bình Phước thì trời đã khá chiều,chúng tôi ở lại đây để dùng cơm tối với gia đình chú thím Đào,bửa cơm tối hôm ấy có cả hai vợ chồng người em gái là con gái chú tôi, cô Bảy Lê,nhà cô dượng nầy cũng ở cùng xóm,nên tối hôm ấy anh em con cháu họp mặt cũng khá đông. Không phải họp mặt là ngồi để đấu láo,mà lồng vào chuyện đấu láo thì lại có tổ chức lai rai,nhà gần chợ Phước Bình nên mồi rất dễ kiếm,hết đâu vài chú gà xé phay với một ít lít rượu đế.Chuyện trò với nhau thật sôi nổi mãi cho đến gần khuya, mới chia nhau sang ngủ bớt bên nhà cô dượng bảy Lê,vì nhà nầy nhiều chỗ nằm khá rộng rãi, rất thỏa mái.

Sáng ra không bôn ba gì cho lắm,dĩ nhiên là phải thực hiện cái thủ tục của buổi sáng là ăn uống cho xong. Hành trình của buổi sáng ngày hôm nay lại có cả chú Đào tháp tùng,chúng tôi tổ chức một cuộc du hành đến sóc Băm Bô để thăm một số gia đình mấy đứa cháu đang sống tại đây. Đầu tiên, trên đường đi đến sóc Băm Bô,chúng tôi ghé vào thăm nhà vợ chồng Hồng thị Tuyết nơi đầu đường vào sóc. Tuyết là con gái của ông bà cụ Ngoạn xã Bình Lãnh,em gái Hồng quang Phụng là chỗ quen biết từ trước,chồng cô nầy là Thống người Sơn Lộc,anh em bạn dì với Sử bạn học của tôi.Nhà Thống thì luôn có rất nhiều chim cu,anh ta đánh bảy được đem về nhốt,mấy lần trước vào ghé đây thì được uống rượu với mồi bằng loại thịt chim nầy,nhưng lần nầy chúng tôi phải cáo lỗi,chỉ ghé thăm qua chừng hết mươi phút rồi đi,vì còn nhiều chỗ phải ghé.Tiếp đến là ghé nhà Hùng con trai lớn cô Bảy Lê,tiếp theo là nhà Tý con trai thứ cũng của cô Bảy Lê,đứa cháu nầy hành nghề sửa xe hơi,thời gian trước đây cháu về học nghề với Hồ người anh em bạn dì,con bà dì ruột ở quê,tiếp theo là nhà vợ chồng Hiền,cô con gái lớn của chú Đào.Chúng tôi dùng bửa trưa tại đây,chú Đào đã gọi điện báo cho cháu biết trước,nên chị bé nầy chuẩn bị bửa trưa đãi khách khá tươm tất.

Như vậy chuyến đi sóc Băm Bô lần nầy đã ghé thăm được hết tất cả các đứa cháu không bỏ sót đứa nào. Dùng cơm trưa xong,chúng tôi không trở lại đường cũ mà về lại Phước Bình,tài xế Nguyên em cho xe chạy theo con đường vòng bên dưới mà ra đường quốc lộ 13 để về lại Phước Bình.Đến đầu khu phố Phước Bình xe dừng cho chú Đào xuống mà về nhà, chúng tôi theo con đường quốc lộ nầy mà chạy lên thẳng tới Bù Đăng để theo đường Trường Sơn mà về lại nhà.Tôi muốn đi theo con đường nầy ít ra được một lần cho biết và đã thực hiện đúng như dự định.Khi xe chạy đến Gia Lai thì mặt trời đã xuống thấp tức đã chiều lắm rồi, vã lại Nguyên đứa con rể, lại có người quen sống tại đây mời một cách rất chân tình,nên không thể trớ được, nhân đây chúng tôi phải ghé thăm để được trọn vẹn tình nghĩa đối với bạn bè của người con rể, mà đây cũng là cơ hội chỉ một công được cả đôi việc,như vậy chúng tôi lại ghé vào nhà bạn Nguyên tại Gia Lai và nghỉ đêm tại đây.

Bạn của Nguyên có tên là Huỳnh ngọc Bốn,hay ( Nguyễn ngọc Bốn,quên) anh chàng nầy cũng trạc tuổi với nguyên vì là bạn học cùng lớp, bây giờ anh ta là một thành viên trong ban quản trị đập thủy điện Gia Ly tại tỉnh Gia Lai .Đây là nơi mà tôi thực sự trực tiếp được nghe tiếng con chim Khướu của nhà anh ta hót quá hay.Lúc vào nhà trời gần tối nên không để ý nhà anh ta có con chim khướu,sáng ra vừa ngủ dậy lại nghe tiếng con chim hót,mà chú chim cất tiếng hót thành những tràng thật dài mà âm lại ví von rất hay,khiến tôi phải đứng nghe và quan sát chú chim nầy hót suốt gần cả tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm hôm đó.

Chiều hôm qua khi đến nhà người bạn của Nguyên,trời đã gần tối, lúc đến nhà thì chủ khách đang tay bắt mặt mừng,thành ra không có thì giờ để chú ý đến cảnh vật chung quanh nhiều, nên không nhìn thấy chú chim nầy,lúc đó thì đang lo việc trò chuyện vì chúng tôi là khách xa mới đến.Câu chuyện vào lúc nầy thì phải nói với nhau nhiều chuyện mà khá lung tung.Tuy nhiên lúc câu chuyện vẫn đang còn dang dỡ,thì bửa cơm tối do người nhà anh Bốn đã bàn soạn lên xong,thế là chúng tôi phải vừa dùng cơm tối mà vừa tiếp tục các câu chuyện đang còn dang dỡ,được đà với các câu chuyện nên lại kéo dài thời gian cho đến tận 12 giờ đêm.

Sáng ra mới vừa tỉnh giấc,có nghĩa là trời mới vừa hưng hửng sáng,thì bất thần tôi lại được nghe tiếng hót thật to trải ra thành từng tràng dài nối nhau, từ một chú chim mà người bạn của người con rể là anh Nguyễn ngọc Bốn đã nuôi, đang treo chiếc lồng chú chim một bên nơi hiên trước nhà trên.Đã lâu lắm rồi không được nghe tiếng mấy chú chim hót,nhất là loài chim khướu.Đây là một chú chim khướu thuộc giòng bạc má,nó hót quá hay,tiếng rất to,kéo ra thành từng tràng dài nối nhau,tạo thành một cuộc ca hát của chim rất quyến rủ,từ cái chất giọng quyến rủ của chú chim nầy,làm tôi phải đứng nhìn một cách say sưa,cái vui nhất là bộ điệu của chú ta biểu diễn,chú ta đứng nhướn thẳng người sè hai cánh mà vảy một cách nhịp nhàn,chòm lông đuôi của chú cũng sè rộng ra mà ngoe nguẩy không ngừng.Thấy lạ mà đứng nhìn,còn sự biểu đạt các động thái của chú chim cùng lúc chú hót như thế,thì không rõ chú ta đã biểu đạt có ý nghĩa gì? Có lẻ điệu bộ trên của chú ta hay của nòi giống loài khướu,chúng biểu diễn để diễn tả mang ý nghĩa là hòa nhập tâm hồn của chúng vào tiếng hót, mà chú Khướu nầy là đại diện cho cả nòi giống của giòng khướu bạc má cũng có thể,rất hay nhưng mà chúng ta thì không thể hiểu được hết về ý nghĩa mà chúng muốn biểu đạt là như thế nào.

Hôm ấy có cơ hội, nên tôi đã đứng mà quan sát chú chim Khướu của anh Bốn hót và múa rất lâu,đến cả tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm,nên cảm nhận được cái hay về tiếng hót của loài chim khưới giống bạc má nầy,chính nhờ đó mà nhớ hoài về cái tiếng chim loài khướu của ngày hôm ấy.Trước đây vào cái khoản tuổi còn là nhi đồng tại quê,tôi cũng như nhiều bạn bè cùng xóm,bọn tôi đã chứng kiến nhiều buổi xem hát hò,la hét của bọn khướu sống quanh vườn nhiều lần,tuy nhiên,lúc bấy giờ chưa ý niệm được,bọn chim làm như thế là lúc chúng thể hiện niềm hân hoan vui chơi của chúng, hay là bọn chúng làm trò nó mang một ý nghĩa gì.Bọn chúng tôi xem cũng vẫn thấy chúng sè đôi cánh để rung,vẩy chùm lông đuôi tạo nhịp khi chúng đang to tiếng la hót.Nhưng lúc bấy giờ nhìn thấy cái cảnh bọn Bù Chao dồn lại để mà ca hát như vậy ,thì chỉ biết gán cho bọn chúng là bọn Bù Chao lùm la vang dậy cả xóm,cả làng vậy thôi.Bây giờ mới hiểu ra,những lúc chúng tập trung lại là lúc chúng tổ chức những cuộc vui chơi mang một ý nghĩa rất tốt,có lẽ đó là một dịp bọn chim tổ chức hội hè cho riêng nòi giống của mình.

Chú Khướu bạc má của nhà anh Bốn sáng hôm đó đã giúp tôi nhớ lại vào cái tuổi lúc thiếu thời của mình nói riêng,mà cho cả bọn trẻ con sinh ra nơi nhà quê vào lúc bấy giờ nó quá là lạc hậu,chưa biết phân biệt được cái hay từ tiếng hót của các loài chim, mặc dầu thường ngày luôn có cơ hội gần gũi với bọn chúng.Có một điều khẳng định bọn trẻ chúng tôi chạy theo để xem chúng tập trung la lối thì nhiều lần lắm,nhưng không bao giờ phá phách bọn chúng cho dù thấy những tổ mà chim con gần chuyền,chỉ nhìn xem thôi không bao giờ bắt chúng.

Sáng hôm đó,sau khi cơm nước xong,anh Bốn lại hướng dẫn chúng tôi đến thăm đập thủy điện Gia Ly.Thì giờ giành cho việc quan sát đập nước nầy khá lâu.Lúc xong công việc quan sát đập nước,dĩ nhiên chúng tôi lại được thực hiện một bửa ăn nhẹ để gọi là tiệc chia tay, do chủ nhà khoản đãi ngay nơi quán mì quảng đầu đường đi lên con đập.

Anh Nguyễn ngọc Bốn là một thành viên Ban Quản Trị của con đập thủy điện nầy,hình thức về con đập nầy trông qua thì khá đẹp,còn các yếu tố khác như kết quả mà con đập nầy đáp ứng đối với thành phố và các vùng phụ cận quanh đây được bao nhiêu thì không rõ được.

Xong bửa ăn nhẹ tại quán mì quảng nơi nầy,chúng tôi theo con đường trường sơn nầy mà về lại quê,lúc nầy thì Nguyên em làm tài để chạy về nhà.Băng qua tỉnh Kông Tum,đoạn đường nầy người ta đang gọi với cái tên là đường mòn Hồ chí Minh,nguy hiểm lắm,đường mới mở bề ngang còn đang rất hẹp,xe chạy về xuôi nên phải xuống dốc liên tục,mà mỗi đoạn dốc là một góc khay,vì vậy chạy khoảng đường nầy cái yếu cầu là tài xế phải cứng tay lái.Nguyên em đã đáp ứng được khả năng ấy.Chạy hết đoạn đường nầy mà về đến huyện Phước Sơn,để theo đường Liên hương lộ 16 cũ xuất phát từ ngõ ba Cây Cốc Thăng Bình.Xe chúng tôi chạy từ đó xuống huyện Hiệp Đức,rồi đến chợ Việt An mà chạy về lại Thăng Bình,đến đây tức đã về đến nhà. Coi lại đoạn đường đi nầy cũng khá xa,đoạn băng qua tỉnh Kông Tum lại quá khó,vì vậy mà về đến nhà mặt trời cũng sắp xuống núi,và đó là thời khắc là dấu mốc của việc kết thúc cuộc du hành 10 ngày của chúng tôi.Đi dạo một vòng trên khắp vùng đất Miền Nam,cái vùng đất mới nầy đã do từ các đời chúa Nguyễn và cả triều đại nhà Nguyễn đã dày công kiến tạo nên, có thể bắt đầu kể từ năm 1602 khi chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) bước lên đỉnh núi Hải Vân mà trông về phương Nam cho mãi đến năm 1945.

Kể lại toàn bộ câu chuyện về năm 2015 tổ chức một chuyến du hành ,đi thăm vùng đất Miền Nam,cũng vào dịp nầy lúc trở về đi theo đường trường sơn mà được nghe tiếng chim khướu hót một cách say mê,đã giúp tôi phân biệt được cái hay của tiếng chim Khướu hót.Và xin mượn sự kiện nầy với cái kể lể dài dòng như trên mà kết lại bài viết với cái tựa đề “chim Khướu” mà tôi đã ghi lại tại đây.

(26/1/25) Phan công Thạnh

____________________________________

7) CHIM HỌA MI

Hầu như tất cả người dân sống nơi quê chúng ta ngày trước,không một ai đế ý mà biết về hình dáng của loài chim nhỏ thó nầy, mặc dầu thường ngày họ có trông thấy,nhưng có thể chỉ có một số ít người có đời sống tương đối nhàn hạ,thong thả hơn,họ mới để ý mà biết đến tên của loài chim nầy mà thôi,vì họ nghe nói đến chúng là bởi chúng có giọng hót rất hay, nhưng cũng chỉ đến đó mà không đi xa hơn được nữa.Còn về hình dạng của chúng thì ít ai để ý mà biết về cái vóc dáng của loài chim nầy,vì thân hình chúng lại thuộc vào một trong các loài chim có hình dáng khá nhỏ,do vậy mà chúng không được người nông dân chú ý để mà biết tới,đó cũng là lẽ thường vì người nông dân họ phải làm việc đầu tắc mặt tối,họ đâu có thì giờ rãnh để mà nghĩ đến những loài chim nhỏ thó nầy.May ra một đôi lúc họ có nghe nói đến cái tên “Họa Mi” của chúng đã là trường hợp khá hy hữu lắm rồi.

Ngày nay cái tên Họa Mi đã được phổ biến khá rộng rãi trong các thôn làng tại xứ ta,bởi người dân họ đã thu nhận được sự tiến bộ nhiều hơn rồi.Họ chưa biết chơi chim cảnh,nhưng họ đã nghe nói,thậm chí là họ thấy những người ở xứ khác đã nuôi và chơi chim cảnh.Từ đó,ta biết một số người sống nơi làng láng giềng của quê ta,họ đã chọn cái nghề buôn bán chim cảnh, làm nghề sinh sống mà kiếm được khá nhiều tiền để giúp trong việc lo cho gia đình.

Chim Họa Mi cùng họ với loài chim sâu,thuộc bộ sẻ,mà thuộc vào ngành động vật có dây sống.Thân hình chúng cũng nhỏ thó gần như loài chim sâu,nhưng khác loài chim sâu,là chúng sở hữu một giọng hót rất hay,rất du dương mà nhiều loài chim trong cộng đồng chim trời khó sánh kịp.Tiếng hót của loài Họa Mi được xếp vào hàng thượng thặng là một trong bốn tiếng hót hay nhất trong cộng đồng các loài chim gồm: Chim cu mồi (Cu đất), chim sơn Ca, Chim Chích Chòe,và Họa Mi là loài chim nhỏ thó nầy.

Tiếng hót của loài chim Họa Mi gồm nhiều âm kết nối liền nhau nên rất khó nhại theo.

Tuy nhiên, nếu để ý nghe thật kỹ theo từng tràng tiếng hót của chúng, ta có thể hình dung như: “Cọt cọt cọt,chích cọt,chích cọt,quít quít quít chích cọt,cọt cọt cọt chíp chíp cọt cọt…….” những âm theo giọng hót liên tiếp nối nhau tạo thành những tràng dài mà chúng hót suốt cả buổi,thậm chí có thể nói là cả ngày không dứt.Tuy nhiên,Họa Mi thường hót vào lúc sáng sớm,hay lúc chiều gần tối, nếu là chim được nuôi trong nhà.

https://e.khoahoc.tv/photos/image/2019/08/29/chim-hoa-mi.jpg

(chim họa mi)

Ngày nay chim Họa Mi được các nhà khoa học xếp chúng vào họ Nymphicidae.và đặt cho chúng một cái tên khoa học là:Calliope Parvalus, tên tiếng Anh là Bunting.Họa mi là một loài chim có thân hình nhỏ bé với kích thước chỉ từ 10-14cm,mà trọng lượng chỉ chừng 5-8 gram,có thể lớn hơn và nặng hơn mấy chú chim sâu một chút mà thôi.Chim Họa mi ở xứ ta có cái đặc điểm là sở hữu một bộ lông màu vàng nhạt tuyệt đẹp, xen kẻ trên bề mặt nền lông ấy là những đường sọc có màu nâu tươi chạy khắp từ vùng đầu, chí đến vùng cổ,cho cả đến đôi cánh và chòm lông đuôi.Đôi mắt họa mi tương đối tròn,nhỏ nhưng rất sáng và thường xuyên mở,sự cấu tạo đặc biệt của đôi mắt là: không có lòng trắng,chính giữa là đồng tử màu đen,bọc quanh bởi một con ngươi có màu vàng nhạt.Chung quanh viền bên ngoài mí mắt là một vòng lông trắng bao bọc, và với cái chót đuôi chạy dài thẳng lên tới hết phần đầu,nghĩa là tiếp giáp với phần lông cổ.Phần xương trên chóp đầu chim Họa Mi tương đối bằng,mỏ Họa Mi thẳng và nhọn mà rất sắc,lông đuôi thẳng gồm nhiều cộng dài, Họa Mi có đôi chân cao màu vàng,bàn chân có bốn ngón,ba ngón chĩa về phía trước, một ngón nhỏ phía sau, tất cả đều có móng sắc, và nhọn.

Loài chim Họa Mi cũng chịu ảnh hưởng bởi khí hậu và thổ nhưỡng từ nhiều vùng miền tạo nên màu sắc của bộ lông.Chim sống nơi vùng núi cao,lạnh có màu lông ánh bạc,tức là màu vàng nhạt hơn,chim sống ở vùng thấp,ấm thì lông luôn có màu vàng đậm.Đó là những loài Họa Mi sinh sống ở nước ta.Tuy nhiên, nhiều nơi khác trên khắp thế giới cũng đều có giống chim nầy sinh sống và phát triển rất nhiều với các màu lông khác nhau như: nâu đen,lan trắng nơi ức,màu lam toàn thân ..v..v,nhưng cái đặc biệt là giống nào thì cái vành nơi mí mắt cũng không thay đổi , có nghĩa là có một viền lông trắng bao bọc chung quanh mắt và có một vệch đuôi dài lên đến tận cổ.

Trong môi trường tự nhiên,loài chim Họa Mi chúng thích sống riêng lẻ trên phần lãnh địa riêng của chúng.Họa Mi rất khó chấp nhận kẻ lạ mặt đó là chú chim trống khác,bởi Họa Mi trống bản tính rất hiếu chiến, luôn có sự tranh giành con mái một cách quyết liệt.

Phân biệt về giới tính: chim Họa mi mái luôn có đầu nhỏ mà thân hình mảnh khảnh,mà đôi chân cũng nhỏ hơn.Ngược lại chim Họa Mi trống thì thân hình vặm vỡ mà đầu cũng lại lớn hơn.Ngoại hình của chim trống luôn sặc sỡ,bắt mắt hơn,cái đặc biệt của loài chim Họa Mi là chúng có một sợi lông nhỏ như cái ria mép như mèo,phải chú ý kỹ mới biết mà phân biệt được,ở chim trống sợi lông nầy mọc xuôi theo mỏ,ở chim mái thì cái lông nầy mọc ngang,đó là nét đặc biệt để phân biệt giới tính của loài Họa Mi.Chim Hoạ Mi là loài rất thích tắm,khi tắm xong chúng lấy mỏ gắp lông mà kéo vuốt làm cho lông sạch.Trong môi trường tự nhiên loài chim Họa Mi thường dạo trên mặt đất mà kiếm mồi, chúng bắt cào cào,châu chấu,dế và nhiều loại côn trùng khác để ăn, bên cạnh đó chúng cũng ăn thêm các loại trái cây nhỏ, chín nơi các bụi bờ ngoài thiên nhiên.

Một trong những đặc điểm nỗi bật nhất của loài họa mi là giọng hót rất hay,nhưng lại khá dễ nuôi.Với chế độ dinh dưỡng đầy đủ,chim có thể sống đến 17 năm trong tự nhiên.

Thời gian sinh sản: Loài chim Họa Mi luôn sống thành từng cặp riêng lẻ,đôi lúc chúng cũng sống thành từng bầy nhưng không đông lắm chỉ chừng 3 cặp là nhiều,chúng sống riêng lẻ như vậy để dễ kiếm thức ăn.Thời gian chúng sinh sản là vào khoảng tháng 6 tháng 7 âm lịch trong năm.Chúng dùng các vật liệu như lá tre khô, cỏ khô kể cả các loại rễ cây nhỏ để làm tổ,tổ của chúng thường được làm trên những cành cây thấp,rậm lá,hay các lùm bổi dày,từ lùm cây é thì chúng kéo để nối các lá chụm lại với nhau mà xây tổ.Tổ của chúng cũng được xây rất kỹ,chúng dùng kỹ thuật riêng,đan lồng vào nhau các cộng cỏ,lá tre,rễ cây và dùng những màng nhện để làm cho các loại vật liệu nầy gắng kết lại với nhau ,tạo một cái tổ thật chắc chắn.Tổ của loài chim Họa Mi thường cũng xây dựng theo hình tròn, với chiều sâu vừa phải để khi nằm vào tổ,chùm lông đuôi được gát trên miệng tổ để giữ không bị gãy.

Chim mái chỉ đẻ từ 2 đến 5 trứng là nhiều,chúng ấp trứng từ 13 cho đến 16 ngày là các trứng đã nở thành chim con, và sau đó cha mẹ chúng phải nuôi thêm một khoảng thời gian cũng chừng đó nữa,là chim con đủ lông cánh để trưởng thành.Một khi chim con trưởng thành chúng tập bắt mồi để sống tự lập,đôi lúc thì nhập bọn,nhưng phần lớn chúng sống riêng độc lập cho đến khi trưởng thành khoảng sau 7.8 tháng, là chúng lại đi tìm bạn đời mà tiếp tục việc sinh sản.Chim Họa Mi phần lớn là sống thành đôi,khi giao phối thì chú chim trống luôn thực hiện một vũ điệu tuyệt đẹp để chinh phục người bạn tình.

Môi trường sống lý tưởng của loài Họa Mi là những nơi có đầy đủ cây cối để làm tổ và kiếm ăn,cũng như nguồn nước sạch để uống và tắm rửa.Chúng ta thường thấy chúng cư ngụ trong các khu rừng thưa,nơi các vườn cây ăn quả,các vùng đô thị có nhiều cây xanh.

Họa Mi là một loài chim nhỏ,có tiếng hót rất hay,do vậy mà hiện nay giới chơi chim cảnh rất ưa chuộng trong việc nuôi loại chim nầy.Thứ nhất là chúng cũng khá dễ nuôi, khi người nuôi hiểu biết về môi trường sinh học và chế độ dinh dưỡng của chúng.Đầu tiên là chuẩn bị một lồng nhốt chúng thật rộng rãi để chúng có được một không gian bay lượn,và luôn treo ở một nơi có đầy đủ ánh sáng,mà thoáng mát để cho chúng được thỏa mái tinh thần.Thứ hai: là cung cấp đầy đủ thức ăn đa dạng cho chúng hàng ngày như các loại hạt chúng thích,các loại côn trùng mà chúng cần ăn,bên cạnh là nước sạch cho chim uống và kể cả cho chúng tắm.Mặc khác, phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho chúng để tránh chúng bị bịnh hoạn.

Họa Mi là loài chim hiện nay được các giới nghệ sĩ trong dân gian xử dụng vào các ngành nghệ thuật hội họa cũng như thơ ca.Họa Mi được dùng trong các tranh vẽ với những màu sắc thật rực rỡ,xử dụng nơi các bức tranh treo tường,bên cạnh cũng dùng vào nghệ thuật trang trí trong các mặt hàng sành sứ, để tạo cảm giác gần gũi và ấm áp với cái không gian sống của con người.Về âm nhạc chim Họa Mi cũng được các nhạc sĩ đưa vào làm biểu tượng cho ngành âm nhạc như bài “Tiếng hót chim Họa Mị” đã tạo nên một dòng nhạc độc đáo với vẻ đẹp sâu lắng đối với tiếng hót của loài Họa Mi.

Để kết cho bài viết về loài chim Họa Mi mà tôi đã ghi lại bên trên,tôi xin mượn câu chuyện gọi là chuyện “Thần Kỳ về loài chim Họa Mi” mà tôi đã được đọc qua với cái tóm lượt dưới đây để kết bài viết nầy của tôi “loài chim Họa Mi”.

Chuyện được kể rằng:

Vào thời xa xửa xa xưa,vị Hoàng đế Trung Hoa biết rằng,một trong những điều đẹp nhất trong vương quốc của mình là tiếng hót của loài chim Họa Mi.Khi ông ra lệnh phải mang chim họa mi tới,thì một người giúp việc nhà bếp (Là người duy nhất tại triều đình biết được chỗ ở của con chim) dẫn các quan trong triều tới một khu rừng gần đó,nơi có con chim họa mi đang sống. Chim Họa Mi đồng ý xuất hiện tại cung điện của Hoàng Đế.Hoàng Đế rất vui mừng với tiếng hót của chim họa mi,nên ông nuôi dưỡng họa mi trong lồng.

Khi Hoàng Đế được biếu một con chim họa mi giả có trang bị hộp máy phát ra tiếng nhạc, thì ông không còn quan tâm tới chim họa mi thật nữa ,nên thả nó về rừng. Con chim bằng máy cuối cùng bị hư do sử dụng quá nhiều.Ít năm sau Hoàng Đế ốm nặng.Chim Họa Mi thật biết được tình trạng đau yếu của vị Hoàng đế nên trở về cung điện.Thần chết rất xúc động bởi tiếng hót của chim họa mi nên bỏ ra đi và hoàng đế hồi phục sức khỏe trở lại.Chim Họa mi đồng ý hót cho Hoàng Đế nghe mọi sự việc diễn ra trong đế chế, nên ông được gọi là Hoàng đế khôn ngoan nhất từ xưa đến nay.

Câu chuyện đã được Anderson viết trong The True Story of My Life xuất bản năm 1847.

Mượn câu chuyện “thần kỳ của loài chim Họa mi” trên để kết lại bài viết nầy./.

(01/2/2025) Phan công Thạnh

____________________________________

8) CHIM CHÍCH CHÒE

Chích Chòe là một loài chim có thân hình thon gọn,và hầu như người dân nào sống nơi quê tôi cũng đều biết đến chúng, bởi chích chòe là loài chim có thể nói rất thích sống gần gũi với con người ở mọi nơi, mọi chỗ, do vậy mà chúng thường xuyên có mặt tại các khu vườn ở của chúng ta.Đặc biệt vùng đất Miền Trung nơi quê hương của chúng tôi,mọi người đều nhìn thấy mà duy nhất chỉ có một loại Chích Chòe 2 màu lông đen và trắng, được gọi với cái tên là Chích chòe “Than”, ngoài loại nầy ra thì không còn thấy có loài nào khác nữa .Riêng với tôi,và có thể một số người khác đã đến vùng đất bazan Miền Đông Nam Kỳ,hay miền Cao Nguyên Tây Nam Trung Bộ có thể nhìn thấy một loài chim chích chòe có bộ lông khác, mà toàn thân một màu đỏ nhạt (hay nâu đậm) được gọi với cái tên là chích chòe “Lửa” .Loài chim chích chòe than thì bộ lông chỉ có duy nhất hai màu đen và trắng.Nhưng loài chích chòe lửa thì có nhiều màu lông khác nhau,chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng nhiều hơn cũng để biết về các vùng đất mà chúng thường sinh sống.

undefined

(Chích chòe than)

Chích Chòe than sinh sống rất thịnh hành ở vùng quê chúng tôi ngày trước,mà có thể là cho cả đến ngày nay cũng vậy.Thân hình chúng thon gọn mà lông luôn có hai màu đen và trắng phủ khắp cả thân hình,lông màu đen chiếm đa phần bao phủ khắp toàn thân của chim từ đầu,cổ,lưng,ức,kể cả nơi vùng hậu môn và cả lông đuôi.Vì lông màu đen chiếm phần lớn nên chích chòe được gọi với cái tên là Chích chòe “Than”, bên cạnh đó chích chòe than còn có một số lông màu trắng nằm tại một số vị trí nhất định trên thân hình,tạo cho loài chim nầy trở thành có màu nhị thể.Các chòm lông màu trắng nằm tại một số vị trí nhất định bất di dịch, đó là vùng bên dưới phần bụng từ giữa vùng ngực đổ xuôi về tận nơi chòm lông đuôi,thứ hai là một số cộng lông màu trắng mọc gần nơi vùng mép của cả hai bên cánh,và một số cộng lông màu trắng nữa nằm bên dưới chòm lông đen của đuôi.Đó là các vùng cố định có lông màu trắng.

Có thể tạo hóa đã phú cho loài chim chích chòe nầy một bộ lông được trang trí gồm đen và trắng dược sắp xếp pha trộn lẫn nhau như vậy, tạo nên một sự hài hòa giúp cho loài chim nầy có được cái duyên dáng nhìn rất dễ mến,rất quyến rủ được nhiều người khi nhìn thấy chúng,nhất là những người nông dân sống ở vùng quê ta.Bên cạnh cái tên là chích chòe than,loài chim có màu lông đen trắng nầy, còn được người đời gọi chúng với một cái tên khác nữa là “chim chìa vôi"cái tên nầy tuy không lạ lắm,nhưng ít khi dùng do vậy chúng ta cũng nên cần biết đến để mà nhớ.

Trên đây là một số nét nói về loài chim chích chòe than,một loại chim đã sinh sống ở vùng nông thôn chúng ta từ xưa đến nay,mà hầu như người dân nào sống ở vùng quê ta, họ cũng đều biết và cứ lầm tưởng loài chim chích chòe thì chỉ có một giống, là loài chích chòe than nầy mà thôi.Nhưng không phải như thế mà ngược lại, loài chim chích chòe lại có cả hai loại: một là chích chòe than, và một loài khác nữa gọi là chích chòe lửa. Loài chích chòe lửa nầy lại có khá nhiều màu sắc khác nhau,tạo cho loài chích chòe lửa trở thành loài chim khá phong phú về màu sắc hơn là loài chích chòe than. Màu sắc mà chúng mang có thể theo ta hiểu, là tùy vào thổ nhưỡng nơi chúng sinh sống mà tạo thành,vì thổ nhưỡng mỗi vùng có tính chất khác nhau, đã tạo nên màu lông khác nhau cho các loài chim trời nói chung, vì vậy chích chòe lửa cũng phải chịu ảnh hưởng như vậy. Để biết rõ về loài chim chích chòe lửa, chúng ta hãy tìm hiểu nhiều hơn, để hiểu được chính xác hơn về màu sắc từ bộ lông của chúng sống tại mỗi vùng,và như vậy cũng giúp chúng ta hiểu thêm về thổ nhưỡng từ các vùng, miền trên bề mặt trái đất mà chúng ta đang sinh sống.

chích chòe
lửa

(Chích chòe lửa)

Chích chòe lửa có nhiều sắc lông,có một nhóm trên toàn thân chỉ toàn là một màu lông nâu đậm,không có thêm những chòm lông khác màu nào nữa,giống chim nầy chúng sinh sống nơi vùng đất Bazan tại miền Đông Nam Kỳ,có thể là cả vùng đất cao nguyên Tây Nam Trung Kỳ .Tại nước Mỹ nơi gọi là quê hương thứ hai mà chúng tôi đang cư ngụ,loài chim chích chòe lửa nầy cũng chỉ có toàn một màu lông nâu đậm như trên, không có màu nào khác xen vào cả,mà chúng thì nhiều lắm,bởi vì xứ nầy chim chóc được bảo vệ thật kỹ,nên chúng sinh sản ra nhiều từ lớp nầy chồng lên lớp kia thành ra chúng có vô số và chúng luôn ở quanh quẩn trong vườn ở với con người.

Một số loài chim được gọi là chích chòe lửa nhưng bộ lông phủ trên mình chúng có hai màu cả đen và cả màu nâu đậm, chúng được sinh sống tại một số nơi thuộc vùng khí hậu nhiệt đới.Theo các nhà khoa học,họ đã tìm thấy chúng sinh sống nhiều trên lục địa Ấn Độ,các khu vực tại vùng Đông Nam Á Châu,vì các vùng đất nầy đời sống của loài chim chích chòe lửa dễ thích nghi.Tại Việt Nam, chúng sinh sống phần nhiều tại các tỉnh thuộc vùng núi Miền Bắc và Tây Bắc mà chúng thường sống trong các khu rừng già khá phong phú có các loài động thực vật,chúng ẩn mình trên các rặng cây cao và tìm kiếm thức ăn bằng cách bay nhảy trên các cành cây để tìm các loại côn trùng nơi lá cây,các loại côn trùng bám nơi các thân cây.

Tuy sống xa người,cuộc sống của chúng là ẩn mình nơi các vùng rừng rậm,tuy nhiên, chúng cũng lại khá dễ thân thiện với người trong môi trường nuôi nhốt.Từ đặc điểm nầy loài chích chòe lửa đã cuốn hút được rất nhiều người trong giới chơi chim cảnh, thích nuôi chúng,thứ nhất bởi từ vẻ đẹp của chúng,thứ hai bởi từ tiếng hót ví von, mà bên cạnh đó chúng lại còn có một thứ chất giọng đặc trưng nữa.Ngày nay các nhà nghiên cứu về các loài chim muông họ đã đặt tên cho loài Chích Chòe lửa nầy một cái tên khoa học là Copsychus malabaricus và ghép chúng vào họ Muscicapidae.

Tóm lại,khi quan sát về loài chim Chích Chòe thì ta thấy loài chim nầy có hai loại,chúng quấn quít gần với người như chúng đã sống ở vùng nông thôn quê ta ngày trước thì toàn là một lọai chích chòe “Than”.Ngoài ra,khi chúng ta tìm hiểu thêm trên sách vở,chúng ta đã biết thêm được một loài khác nữa là loài chích chòe “Lửa” chúng sống trên nhiều vùng đất khác nhau ở khắp các châu lục.Nhóm chích chòe lửa lại có một số có màu sắc không đồng nhất.Nhìn từ màu lông mà người ta đã đặt cho chúng cái tên phù hợp đó là “chích chòe lửa”.Loại nầy cũng chia ra làm hai chi khác nhau,tại nước ta trên vùng Tây nguyên Trung Phần,và Miền Đông Nam Phần chúng có toàn một màu lông nâu đậm,được hình dung đúng là màu lửa.Cũng tại nước ta các vùng đất nơi các tỉnh vùng cao tại Miền Bắc,và có thể nói là vùng Tây Bắc, loại chích chòe nầy bộ lông có hai màu đen và nâu đậm.Nhìn từ chòm lông màu nâu đậm nầy mà người ta gọi chúng là “Chích chòe lửa”.Tuy phần lông màu nâu đậm tương đối ít hơn Phần lông màu đen phủ trên khắp thân hình chúng từ đầu,cổ, ức, lưng , hai cánh và một số tại chòm lông đuôi.Phần còn lại là lông màu nâu đậm tuy ít hơn, được bao phủ bên dưới vùng ức cho đến hết phần bụng chạy ra đến phần hậu môn.Bên cạnh đó, trên thân hình loài chích chòe nầy cũng lại có một chi nhỏ mà chúng lại có thêm một màu lông pha trộn thêm các sợi lông màu trắng dợt,mọc nơi hai đầu cánh và một số cộng khác nữa nằm bên dưới chòm lông đuôi màu đen.Tuy nhiên,chúng vẫn được gọi với cái tên là “Chích Chòe Lửa” mặc dầu phần lông màu đỏ ít hơn màu đen.Bên cạnh đó nhìn về cặp chân của chúng thường có một số có màu trắng hơi ngà ngà,còn lại đa phần cặp chân là màu vàng chiếm đa số.Ngoại trừ loài chích chòe than,cặp chân hoàn toàn là một màu đen tuyền kể cả ngón và móng.

Nhìn chung cả hai loài chích chòe cả than và lửa,hình dáng đều khá giống nhau, mỗi cá thể đều có cái đầu tròn, nhỏ,cặp mắt tròn lìn và thật đen, mỏ của cả hai loài đều toàn một màu đen nhạt,nhỏ, thon dài và nhọn.Chân của cả hai loài chích chòe đều khá giống nhau,có chiều cao chừng khoảng 8cm.Tuy nhiên,cái khác nhau nơi chúng là loài chích chòe lửa thường kiếm mồi nơi các vùng núi cây cao và rừng rậm,chúng lục lọi bắt các côn trùng sống trên lá cây, trên vỏ cây khô nơi thân cây..Ngược lại chích chòe than,chúng dạo trên mặt đất để bắt các loại côn trùng là cào cào,châu chấu, nhện,dế mèn, và nhiều loại côn trùng khác nữa,đôi lúc chúng cũng ăn thêm các loại trái cây nhỏ,chín nơi bụi bờ.Khi dạo bắt mồi thì cái đuôi của chúng luôn được dựng cao thẳng theo chiều xiêng, để lông đuôi không phải kéo lê trên mặt đất.

Đời sống của loài chim chích chòe nói chung cho cả hai loại,chúng đều có đời sống cặp đôi, gồm một trống và một mái và thường ăn riêng lẻ để dễ kiếm mồi.Mùa chúng sinh sản là từ tháng 3 cho đến tháng 7 dương lịch.Chúng làm tổ khá đẹp,cũng dùng mỏ đan các vật liệu kiếm được thành một cái tổ hình tròn,có chiều sâu vừa phải.Chích chòe mái đẻ từ 2 đến 5 trứng, và ấp trứng từ 15 cho đến 18 ngày.Khi chim con nở,thì cả chim mái và chim trống đều phải kiếm mồi mà mớm cho các con, công việc nầy kéo dài có thể đến cả ba tuần,lúc ấy bọn chim con mới trưởng thành để tự lo cho đời sống riêng của mỗi cá thể,và tìm bạn đời để sống thành cặp đôi.

Tiếng hót của loài chim chích chòe của cả hai nhóm, nhóm nào thì tiếng hót cũng hay như nhau,nhờ đó mà chích chòe được chọn vào một trong bốn tiếng hót hay nhất gọi là “Tứ Đại Danh Ca” của loài chim gồm: chim cu mồi ( cu đất) Sơn ca,Họa mi và Chích chòe.

Tiếng hót của chúng bao gồm quá nhiều âm được kết nối liên tục với nhau,lúc nhặt lúc khoan rất khó nhại theo.Tuy nhiên,nếu để ý lắng tai nghe thật kỹ, thì ta nghe được một số âm thanh như: “chót chót chót carot,carot,quắt quắt quắt chít chít,carot carot, cót cót cót,ca huýt ca huýt .….Khi chúng hót thì luôn ngẩng cao đầu,đó là một nét đặc biệt của loài chim Chích Chòe,một trong tứ đại danh ca của loài chim trời.

Ghi lại câu chuyện đứa con gái út Bé Tám (Như Nguyệt) của tôi nuôi con chim chích chòe than gần chuyền.

Tôi đã bắt được một chú chim chích chòe than sắp chuyền, đem về cho đứa con gái út của chúng tôi nó nuôi để làm bạn cho vui.Bối cảnh xảy ra là như thế nầy :Dọc theo đường bờ ngỏ nhà cha mẹ tôi có trồng một hàng dừa,lúc nầy thân cây dừa chỉ mới cao vừa quá đầu,có nghĩa là còn khá thấp.Hai vợ chồng anh chị Chích Chòe than lại chọn nơi cộng bẹ dừa thấp nhất sát với thân cây để làm tổ .Vào một ngày có thể là năm 1990 là phải,là cái năm đầu của thập niên 90,vì nhớ lúc nầy đứa con gái út của chúng tôi Bé Tám tức “Như Nguyệt” đang học lớp một trường làng.Thường ngày tôi ghé về thăm cha mẹ tôi vào buổi trưa,nếu là bận công việc đồng án thì về nuổi tối.Hôm nay thì về buổi trưa,thăm và chuyện trò với ông bà đã xong nên tôi ra về, lúc đi ra mới vừa đến đầu đường ra ngỏ, tức vừa đến gốc dừa thứ ba,thì nghe tiếng kêu choét choét nơi gốc dừa,nhìn lại thì thấy một chú chích chòe con ướm chuyền,chú ta bị rớt xuống nơi gốc dừa,thấy tội,nên tôi bồng chú lên với ý định là bỏ chú lại trên tổ, cho cha mẹ chú cho ăn,nhưng tổ trên bẹ dừa lại hơi cao,bỏ trả lại mà trườn không tới .Cố tình trả lại cho cha mẹ chú ta không được,nên tôi phải bồng chú về nhà luôn,và gọi đứa con gái út của chúng tôi lại mà cho nó,rồi bày chó nó cách nuôi. Chú chim nầy đã gần chuyền nên cũng khá dễ nuôi,cháu nhận và có lẽ cháu cũng lấy làm thích.Từ đó thì chú chích chòe con nầy lại là bạn với đứa con gái út của tôi.

Có cái điều là tôi không đan lồng để nhốt chú ta, thời gian mấy ngày đầu,cháu dùng cái bịt bò,lấy vải lót vào cho chú ta nằm,nhưng chỉ một tuần sau thôi chú chim đã bay nhảy khá mạnh,hằng đêm cho chú ngủ nơi đầu tấm phên nang gần cửa mạch tức cửa lên xuống nhà dưới.Nhà tôi lúc nầy có cả hai con mèo nhị thể đẹp lắm,nhưng chúng không bao giờ phá phách gì đến chú chim nầy cả.

Từ ngày có con chim con,con bé nhà tôi phải bắt châu chấu liên tục để nuôi chú chim con nầy,chỉ vài tuần sau là chú chim bay thành thạo và thường bay lên đậu nơi cây vú sữa trước nhà để nhảy nhót. Chú nầy khôn lắm lúc nhìn thấy bé đi học về là chú ta bay xuống đậu trên vai cô bé để đòi ăn.Thế là cả bé và cả chim phải ra nơi cái mương nước ngoài đồng ruộng trước nhà, mà bắt châu chấu cho chú ta ăn.Rất hay cái mương nước nầy có một đoạn mọc đầy loại cỏ bắc, nên có rất nhiều loại châu chấu bu trên lá cỏ để ăn.Ngày nào cũng vậy,bé bắt và cho chú chim ăn thật no vào buổi trưa,chiều đi học về,bé cũng lại ra mương nước mà bắt thật nhiều loại châu chấu nầy,buổi chiều phải bắt nhiều gần xấp đôi vì phải cho chú chim ăn buổi tối,còn một số phải nhốt lại trong bao nylon, để sáng hôm sau cho chú ta ăn trước khi bé đi đến trường.Bé nuôi chú chích chòe nầy khá công phu,vì không ngày nào là bé không phải đi bắt mồi để cho chú ta ăn, có nhiều hôm trời mưa bé cũng phải mang áo mưa mà ra mương bắt châu chấu.Có điều chú chim không bị nhốt trong lồng,chú được tự do bay nhảy trên những cành cây vú sữa trước nhà để chờ bé đi học về mà bay xuống đậu trên vai.

Thời gian kéo dài khoảng được 7 hay 8 tháng gì đó,chú chim nầy trưởng thành,trổ mã đẹp lắm,lúc nầy thì chú bay xa hơn, bay ra tới bờ vườn phía sau nhà để gặp đồng bọn vì chú nghe đổng bọn của chú hót,kêu ngoài đó.Vài tuần đầu đến giờ ăn thì chú bay về, chú đứng trên vai bé út,chú ta sè đôi cánh mà vẫy mạnh, miệng há to mà kêu chí chóe đòi ăn,nhưng hành động nầy chỉ được vài tuần như vậy rồi thôi,những tuần lễ sau đó thì chú đi luôn không về nữa.Tôi biết nhưng cũng muốn trả chú trở về với thiên nhiên,bởi thấy Bé Tám đứa con gái út của chúng tôi làm công việc bắt châu chấu quá nhọc,mà cũng gần đến mùa mưa nên đâm ra khá lo về việc con bé phải đi bắt châu chấu cho chim.Nhìn thấy con chim cũng thương nhưng phải thương con gái mình hơn vì phải làm công việc nầy khá cực,do vậy nên tôi không đan lồng để nhót chú chim, mà âm thầm để cho chú bay đi tìm cái tự do của riêng chú,bên cạnh đó con gái tôi cũng khỏi phải vất vả bởi chú chim chích chòe nầy nữa.

Nhớ lại,có thể chú chích chòe mà đứa con gái út tôi nuôi được mấy tháng,lúc chú chim trưởng thành chú trổ mã rất đẹp,lông mượt nên rất xinh và có thể là một chú chim trống vì cái mã rất đẹp.Lúc trở lại cuộc đời tự do ngoài thiên nhiên, chú đã cập được với một chị chim mái nào đó là phải,khi chị ta phải lòng chú để thành một đôi,mà thể hiện cái tình yêu khá thiêng liêng đối với nòi giống của chú,và có lẽ anh chị đã toan tính cho việc xây tổ uyên ương.Cha con tôi, đã trả chú về lại với thiên nhiên để sống đời tự do của loài chim trời,cái đó có thể là hợp với đạo lý mà con người chúng ta nên làm.

Ghi lại câu chuyện tình cờ mà đứa con gái út của tôi đã nuôi chú chích chòe con được một thời gian khá dài, cũng là một chuyện khá vui,vì là chuyện vui mà có thật.Nên xin mượn câu chuyện nầy để chấm một chấm thật đậm nơi cuối bài viết,để gọi là chấm hết mà kết bài nầy viết về loài “Chim Chích Chòe” của tôi bên trên.

(04/2/2025) Phan công Thạnh.

____________________________________

9) CHIM ÁC LÀ

Người nông dân sống nơi vùng nông thôn quê ta,thật tình cuộc sống vào thời gian trước đây không xa lắm ,nhưng họ còn rất nghèo,nên các phương tiện máy móc dùng vào việc xem dự báo thời tiết,thì không làm sao mà có được,thành thử họ phải xem thời tiết qua kinh nghiệm mà họ đã có,cũng như người dân làm nghề biển,họ nhìn các mống mây mụt vào những ngày đầu năm,để họ dự đoán thời tiết cho cả năm để định việc ra khơi đánh bắt cá.Người nông dân ở xứ ta, họ phải coi việc mưa nắng trong sự vận hành của trời đất bằng cách,nhìn các loại chim muông lúc chúng tắm mà đoán biết thời tiết để tính việc làm mùa.Cách nhìn như vậy luôn đúng theo thời gian mà người dân đã đúc kết kinh nghiệm ấy lại thành một câu vè, lâu ngày nói mãi thành quen đã hóa thành câu tục ngữ để nhắc mọi người dễ nhớ như sau: “Ác tắm thì ráo,Sáo tắm thì mưa".Kinh nghiệm dân gian của người Việt ta,hay nói gần hơn là những người nông dân sống nơi quê ta cũng vậy,họ tin tưởng vào các kinh nghiệm mà nhiều thế hệ trước đã kinh qua, lâu đời nhưng vẫn không sai.

Lúc trời đang mưa mà nhìn thấy loài chim Ác là hay Quạ đen mà tắm là trời sắp tạnh,lúc trời đang nắng ráo mà nhìn thấy chim Sáo tắm thì trời sắp mưa.Đó là một kinh nghiệm mà người nông dân ở xứ ta đã có,cái đó cũng giúp cho chúng ta hiểu được thêm rằng, cơ thể của giống chim Ác Là và chim Sáo, chúng có một sự tương hợp nào đó quan hệ đến sự vận hành về thời tiết trong thiên nhiên. " Ác” ở đây là nói về loài chim Ác Là một loài chim có diện mạo rất đẹp.Tuy rằng loài chim nầy sinh sống ở vùng nông thôn xứ ta không nhiều lắm, nhưng không phải là không có,vì vậy chúng ta hãy xem xét để biết kỹ hơn về loài chim nầy,mà người dân nơi vùng nông thôn xứ ta còn gọi chúng là loài “Hỷ Thước”

Ác Là một loài chim sống trên nhiều vùng đất tại các châu lục,theo các nhà nghiên cứu chim muông của thế giới đã cho biết như vậy.Tại nước ta: Việt Nam, loài chim nầy cũng có mặt trên khắp ba miền lãnh thổ Bắc,Trung,Nam.Ngay tại làng ta,Ác Là luôn có mặt nhưng không nhiều lắm,nghĩa là chúng không tụ tập lại thành bầy thật đông như ở các nơi khác ,ngược lại chúng sống riêng lẻ từng đôi một để dễ tìm thức ăn trên đồng ruộng,trên các vườn thổ tại bờ sông Ly Ly,và trên các gò đống như Gò Tràm và một số các gò khác quanh vùng chẳng hạn.Ác là là loài chim không ăn xa,chúng chỉ quanh quẩn trong một vùng nhất định tại nơi chúng được sinh ra và trong một phạm vi bán kính chừng 5,7 km mà thôi.

Ác Là là loài chim có kích cỡ vừa phải, về hình dạng ác là có chiều dài chừng từ 4 đến 5dm tính từ chót mỏ đến mút đuôi, có trọng lượng từ 200 đến 250 gram.Chim Ác Là có hai màu lông là đen và trắng phủ kín khắp thân hình và trên một số vị trí nhất định.Ác Là có đuôi dài và nhờ có chòm lông đuôi dài nầy mà nó có thể bay lượn trong không gian và thay đổi hướng bay một cách nhanh chóng khi cần thiết.

https://e.khoahoc.tv/photos/image/2016/08/31/chim-ac-la-1.jpg

(chim ác là đang bay)

Đầu,cổ,và ngực có lông màu đen bóng có pha một chút màu ánh lục.Bụng và vai có màu trắng,hai cánh có lông màu đen nhưng óng ánh màu xanh lục pha chút màu tía.Lông nơi cánh có tơ bên trong màu trắng lộ rõ là khi chúng dang cánh đang bay.Đuôi có hình nêm nếu lúc chúng xòe rộng ta chỉ thấy một màu đen có pha một chút màu ngũ sắc.Chân và mỏ ác là toàn là một màu đen.

Chim ác là là loài chim ít di
chuyển.{role=“img” aria-label=“Chim ác là là loài chim ít di chuyển.” style=“width:3.62427in;height:2.20193in”}

(Chim Ác Là )

Ác là có mỏ dài,nhọn rất cứng,hai cánh ác là tương đối ngắn xếp gọn vào sát thân,nên tạo cho Ác là có thân hình bầu tròn.Chân cao mà rất cứng. Ác Là là giống chim ăn tạp,tùy vào từng mùa mà chúng tìm thức ăn thích hợp.Mùa đông ác là có thể ăn các loại quả mọng,các loại trái cây chín,và ngay cả các loại ngũ cốc.Mùa xuân chúng bắt các con vật gặm nhấm (chuột đồng),có thể chúng bắt và ăn luôn cả mấy chú gà con.Mùa hè là chúng bắt các loài côn trùng gồm cả ếch nhái và nhiều loại côn trùng khác nữa.Ác là là loài chim bị ghép vào loài gây hại cho nông dân, vì chúng thường phá hỏng các loại hoa quả nơi vườn tược của họ.Tuy nhiên, Ác là tuy có phá phách như vậy,nhưng Ác là vẫn không bị con người chê ghét,mà còn tỏ ra thích chúng là đằng khác,chúng có bộ điệu bước đi ục ịch rất dễ thương,bên cạnh đó chúng lại có tiếng kêu khàn khàn mà to,tuy không hay nhưng lại dễ mến,có lẻ từ những đặc điểm hơi nghịch lý bên trên của chúng, mà con người lại tỏ ra yêu thích loài chim nầy,do vậy loài chim Ác là lại được con người đặt cho một cái tên rất là trìu mến đó là : “Hỷ Thước”.

Ác Là được ghép vào họ Quạ, đặc biệt là chúng rất thông minh và có óc xã hội rất cao,khi bắt gặp một giống chim nào bị mắc nạn,Ác Là tìm cách giải cứu ngay,nếu thành viên ấy là đồng loại,Ác là lại huy động thêm một số cá thể khác đến để xúm nhau giải cứu.Ác Là có thể nhìn biết mặt người quen,lạ để thị uy,lúc mà chúng giữ tổ vào mùa sinh sản.Mùa sinh sản của chim Ác Là vào mùa xuân, con mái thường đẻ từ 4 đến 8 trứng và ấp trứng sau ba tuần sẽ nở thành chim con.Chim mái lo phần ấp trứng liên tục,chim trống lo việc kiếm thức ăn để nuôi chim mái trong suốt thời gian ấp trứng.Khi chim con đã ra đời thì cả hai chim mái và chim trống cùng nhau tìm thức ăn mà mớm cho chim con,đồng thời giữ tổ rất kỹ,nhất là chim trống sẽ biểu diễn những cú đánh như trời gián vào những ai lạ mặt đi gần nơi tổ của chúng,nếu là lúc bất ngờ có thể chúng mổ đui mắt hay ít ra là chảy máu đầu.

Phân biệt về giới tính loài chim Ác Là: Cũng như nhiều loài chim khác trong thiên nhiên,loài chim Ác Là cũng có một số phần khác biệt giữa con mái và con trống,nhưng khó nhìn thấy hơn,vì chúng khá đồng dạng từ hình vóc đến màu lông cho cả điệu bộ đi đứng,tuy nhiên không phải là không nhìn ra được,con mái bao giờ cũng nhỏ thó hơn,nhìn kỹ thì màu lông cũng dợt hơn, con trống bao giờ cũng trổ mã đẹp hơn,màu lông luôn đậm và đẹp hơn vì có màu óng ánh.Bộ điệu nhìn như hung hăng hơn,chim mái có vẻ chậm chạp nên trông như hiền hơn.

Chim Ác là kết đôi theo chế độ một vợ một chồng sống cùng nhau trong suốt cuộc đời.Nhưng nếu một trong hai con bị tại nạn nào đó mà chết đi,con kia chỉ sống độc thân một thời gian rồi có thể tìm kiếm người bạn tình mới ở trong đám trẻ một tuổi mà tái giá hay tục huyền.Việc giao phối sẽ diễn ra vào mùa xuân.Để tán tỉnh mà kích thích chim mái, chim trống phải biểu diễn các vũ điệu như nâng lên,hạ xuống các lông đầu của mình,dựng đứng,xòe và khép lông đuôi giống như xòe chiếc quạt,và hót bằng một âm thanh mềm mại hơn, hoàn toàn khác với giọng kêu khàn khàn thông thường.Bên cạnh đó,có lẽ để hấp dẫn và thu hút sự chú ý của con mái,chim trống thường nâng lên những lông mềm hai bên hông cùng các lông dùng để bay nơi hai cánh cũng được nâng lên để lòi các mảng đốm trên vai trải rộng cho dễ thấy,hành động trên có lẽ để hấp dẫn mà thu hút chị chim mái.Việc săn đuổi một số con mồi trong các đường bay ngắn cũng là một phần của việc ve vãn và tán tỉnh chim mái.

Ác Là tìm những cây thật cao để làm tổ,và làm những tổ thật lớn,khung tổ được làm bằng những cành cây nhỏ sắp ngang dọc,xiên xẹo thật chắc và được gắng bởi đất sét vào các chạn cây,phần trên mặt tổ được lót bởi một số các phần rể mềm, cỏ mịn,cùng các loại bông cho tổ được mềm mại để nằm,bên phần trên cùng,Ác là có thể chất đầy những nhánh gai để đề phòng những loài trộm cắp như mèo chẳng hạn,chúng chỉ chừa một lối vào được che đậy kỹ.Tổ Ác Là có hình thù là như vậy,nếu lấy toàn bộ cây cũi trong một tổ của chúng, ta có thể chụm để nấu cả một bửa ăn.Vì vậy,người ta thường lấy tổ Ác Là mà ví với nhiều vật bờm xờm như là một lọn cũi nhỏ,có nhiều lúc đầu tóc để bờm xờm,cũng được người ta thường ví như là cái ổ Ác Là.

Trên Cây Bàn trước nhà ông nội chúng tôi ở xóm vườn, là nơi mà mấy anh Ác là luôn làm tổ.Chúng lựa một nhánh tuốt trên ngọn cao mà nằm ngang để làm tổ ở ngoài ngọn của nhánh nầy,nên khó mà ai bắt được,nhìn như thế Ác là là loại chim rất khôn ngoan.Có một điều là những người trong xóm chúng thường thấy nên quen,thì chúng không bao giờ cắn, đá một ai,vì những người từ các nhà quanh đó,không ai phá phách đến chúng.Nhưng nếu có một người nào đó lạ đi vào quanh gốc cây bàn,là bị chú chim trống bay liếc mà mổ ngay,các cú liếc mổ như vậy rất nguy hiểm,có thể bị mổ đui mắt,hay ít ra là chảy máu đầu chứ không phải chơi.

Từ mấy chục năm nay,môi trường sống của chúng không còn được bình yên,Ác Là cũng như hầu hết các loài chim khác lại vắng bóng nơi thôn làng chúng tôi. Và có thể tại Việt Nam, thời gian gần đây tôi đi từ Miền Trung vào đến Miên Đông Nam Kỳ,đều không nhìn thấy hình bóng một chú chim Ác Là nào cả,cũng không biết chúng đã đến sinh sống tại một nơi nào,nhưng theo các nhà Điểu học cho biết loài chim nầy đều có mặt trên nhiều châu lục.Nhưng có một điều tôi cũng muốn trình bày ra đây.Trên đất nước Mỹ nơi cái vùng lạnh miền Đông Bắc gọi là New England cũng vắng bóng loại chim nầy,nhưng quạ thì vô số,mà chúng lại được tôi cho ăn nhiều lần,mỗi khi trời rơi nhiều tuyết,chúng lại bay về đậu quanh vườn,cho chúng ăn bằng thịt,loại thịt trong xương mà con gái tôi nó nấu lấy nước để keo lại dùng vào việc nấu canh,còn lại vô số là thịt tôi đem ra cho bọn quạ ăn, vì người thấy thịt thì sợ.

Vì loài chim hay phá hoa màu của nhà nông,và tôi là người lúc nhỏ phải giúp cha mẹ tôi trong việc đuổi chim Ác Là phá dưa gang.

Nhà nông phải luôn trông chừng mấy chú Ác Là từ những đám dưa gang,trái dưa mới vừa lớn cỡ bằng ngón chân cái,mấy anh dạo qua mà đi dọc theo hàng mổ lia lịa vào những trái dưa,mỗi trái vài ba lỗ,thì coi như trái dưa ấy bị hư.Tôi phải làm công việc canh Ác Là cả mấy tuần vào mùa dưa muộn của nhà tôi.Nhà cha mẹ tôi không có loại đất để tỉa dưa sớm vào khoảng tháng giêng,phải chờ cắt lúc ba trăng nơi đám Cây Găng, gần cuối tháng giêng mới dùng đất ấy mà tỉa dưa muộn.Vì ít,nên Ác là xúm lại tìm mổ dưa trái còn nhỏ thì dưa hư hết,vì vậy năm nào tỉa dưa muộn cũng phải canh chừng Ác Là mất một khoảng thời gian khá dài gần cả tháng.Chúng thường bay nhập xuống đám dưa gang vào lúc già nửa buổi cho đến xế qua,tức là qua hết cấp trưa, vì vậy mà phải canh giữ chúng hết khoảng thời gian nầy.Sau buổi trưa, tức vào buổi chiều và kể cả buổi sáng,Ác là bay đi tìm thức ăn ở tận đâu đâu,hai khoảng thời gian nầy thì chúng không nhập xuống đám dưa gang mà phá như vậy.Đám dưa nhà tôi,cha tôi phải làm một cái chòi nhỏ lợp tranh che mát hẳn hoi,có để cả một cái giường nhỏ,chân thấp dùng vào việc nằm mà canh giữ Ác là.Cứ nửa buổi là tôi phải cho bò về sớm,ăn cái gì đó nửa buổi cho đỡ đói,rồi thì chạy lên đám dưa nằm đó mà trông chừng mấy chú ác là.Chúng nhận diện con người giỏi lắm,làm những con bù nhìn để trơi,chúng không sợ,do vậy trông chừng chúng phải là người thật thì chúng mới sợ.Nhờ loại dưa gang thu hoạch không tới một tháng là xong,nên thời gian trông chừng ác là cũng chỉ không tới tháng là hết.

Tất cả các chi tiết về loài chim Ác Là mà tôi biết,nhớ đã ghi lại khá đầy đủ bên trên,kể cả việc nhìn thấy tổ của chúng trên cây bàn trước nhà ông Nội tôi tại xóm Vườn,và kể cả việc nằm chòi để trông chừng Ác Là phá dưa, mà tôi đã làm công việc nầy nhiều mùa lúc nhỏ.Cũng mượn những câu chuyện trên mà chấm hết bài viết về loài chim Ác Là,một loại chim luôn có mặt ở quê tôi trước đây cả nhiều thập kỷ,nhưng bây giờ thì chúng đã vắng bóng cả rồi.

Ngày 08/02/2025 Phan công Thạnh.

____________________________________

10) CHIM QUẠ (QUẠ - ĐEN)

Trong thế giới tự nhiên tạo hóa đã tạo ra không biết bao nhiêu là loài chim muông lớn, nhỏ . Loài lớn nhất như Đại Bàn làm chúa tể trên không trung,loài Kênh Kênh ăn thịt sống, giải quyết xác người chết trên các thảo nguyên tại vùng tây Châu Á như Tây Tạng,Ấn Độ.Loài nhỏ nhất có thể là loài chim chích hút mật hoa (chim ruồi).Mỗi loài,mỗi giống đều mang một sắc thái riêng biệt, biểu thị nét đẹp cho chủng loài của mình,nhưng so lại Quạ là loài chim thông minh nhất trong mọi loài chim có mặt trên trái đất. Các nhà Điểu Học đã thí nghiệm và cho chúng ta biết về trí não của loài quạ,quí vị ấy phải thừa nhận rằng loài quạ có trí thông minh hơn hết mọi loài chim khác trong thiên nhiên,họ cũng cho rằng loài chim quạ có trí thông minh được so bằng những đứa trẻ thông minh có số tuổi đời từ 6 -7 tuổi,qua những hành động được kiểm chứng và thừa nhận về trí thông minh của loài quạ,các nhà điểu học cũng còn cho biết loài quạ cũng có một số nét tiêu cực mà con người phải e dè về chúng,đó là sự xui xẻo mà con người nghi ngại là do loài quạ mang đến.Với cả hai đặc tính mà loài quạ phải mang trên mình, cả cái đẹp lẫn cái xấu,con người còn phát hiện ra nơi loài quạ là một loài chim có trí nhớ dai, đã được nhìn thấy nơi chúng.

Trong cộng đồng loài quạ lại có quá nhiều giống loài khác nhau, có thể tính đến trăm loài cả thảy,về hình dạng tất cả các giống quạ đều có phần giống nhau về hình dáng,nhưng chúng luôn có một số nét khác biệt nhau về kích cỡ,về màu sắc và kể cả về trọng lượng.Ở đây chúng ta không thể quan sát hết được tất cả các giống quạ sống khắp trên các lục địa của trái đất.Mà ở đây chúng ta chỉ quan sát duy nhất một loài quạ đen, loài quạ thường có mặt tại nơi xóm làng của chúng ta trước đây,khi mà xóm làng đang còn trong tư thế rất yên bình,lúc ấy hầu như tất cả bà con dân làng hằng ngày ,đều nhìn thấy những chú quạ đen bay về, tìm kiếm thức ăn nơi các cánh đồng ruộng của chúng ta, vào khoảng thời gian thuộc ngày tháng đó mà thôi..

So với nhiều loài chim khác,quạ đen có mặt tại làng xóm chúng ta không nhiều lắm, thường ngày thì bà con dân làng chỉ nhìn thấy lưa thưa đôi,ba cặp quạ đen dạo tìm thức ăn nơi những đám ruộng tại cánh đồng chúng ta.Chỉ với một số lượng ít như vậy, nên bảo rằng loài chim quạ không có mặt nơi làng chúng ta thì không được đúng cho lắm,bởi chúng thường xuyên lại có mặt tuy rằng không nhiều.Vì vậy mà phải nói quạ luôn có mặt trong cộng đồng chim muông tại nơi xóm làng chúng ta,mà tất cả dân chúng trong cả làng đều nhìn thấy,tuy rằng với một số lượng ít ỏi,chỉ đôi, ba cặp,và duy nhất lại chỉ có một giống qua đen mà thôi.

Chúng ta hãy quan sát về loài chim quạ đen nầy, để biết những đặc điểm mà chúng có.Tại nước ta loài quạ đen sống định cư tại các vùng đồng bằng trung du,các vùng đồi núi thấp mà gần khu dân cư.Bây giờ chúng ta hãy quan sát về hình dạng để biết rõ hơn về loài chim nầy .

Quạ đen có kích cỡ gần giống như là loài chim Ác là,thân hình chỉ ở dạng lớn vừa phải,nhưng quạ đen khác với loài chim Ác là , loài chim Ác Là có vai ngang tức nơi hai đầu cánh ngang, tạo nên thân hình bầu bỉnh,còn quạ đen có vai xuôi,tức hai đầu cánh hơi tròn, tạo nên một thân hình tròn xuôi gần giống như hình cái bắp chuối.Toàn thân được phủ bởi một bộ lông màu đen nhánh,lông cánh khá dài,khi quạ đứng, những chiếc lông nơi hai cánh xếp chéo lên nhau mà phủ hết khoảng 1/3 lông đuôi,đầu tròn,so với thân hình thì đầu tương đối nhỏ,hai mắt tròn và có một màu đen lánh không nhìn thấy mà phân biệt được đồng tử.Trái lại, đôi lúc ánh sáng mặt trời chiếu vào, ta nhìn thấy như đôi mắt bọn quạ có màu trắng,nhưng không phải, thật sự chúng chỉ có một màu đen lánh mà thôi.Mỏ quạ to,vồ khá dài mà rất cứng,do vậy loài quạ luôn xử dụng hai mảng trên dưới của mỏ với công dụng gần giống như đôi tay của người,quạ dùng chiếc mỏ trong việc bẻ gãy các que cũi khô khi cần, dùng làm cây cọc thọc sâu vào các lỗ nơi thân cây gỗ khô, mà kéo các con đuôn ra ngoài để ăn.Cặp chân quạ tương đối cao,khá lớn mà rất cứng do vậy chim quạ thường dùng chúng vào việc phụ giúp song hành với mỏ để chống trả kẻ thù lúc cần đến.Lông đuôi dài là bánh lái giúp quạ dễ dàng trong việc vượt các đường bay,mà có thể bẻ ngoặc thật gấp lúc cần,cũng như lúc cần đưa toàn thân lên cao,xuống thấp một cách nhanh nhẹn để chống trả và đánh đuổi kẻ thù.

Quạ đen có chiều dài khoảng chừng 4 dm,là loài quạ nhỏ nhất trong nhiều loài quạ.Quạ đen có trọng lượng cũng từ 200 đến 250g.Nhưng thịt quạ thì con người thường không thích dùng,vì người ta cho rằng thịt quạ khó ăn,có mùi khét.Tuy nhiên,chúng ta nên đi sâu hơn vào đời sống của chúng,để hiểu biết về bộ não của chúng mà các nhà điểu học đã mách cho chúng ta biết về loài quạ .

Đời sống của loài quạ:

Quạ là giống chim thích ăn thịt sống,cũng như nhiều loài quạ khác, quạ đen cũng lại rất thích hay nói một cách văn vẻ hơn về loài quạ nầy, chúng rất mê mẩn mùi hôi thối từ xác chết của động vật,cũng như những thức ăn có mùi hôi thối mà chúng thường bươi tìm trong các đống rác.

undefined

(Quạ đen)

Điều nầy đã tạo cho chúng một đặc tính khá đặc biệt, làm cho loài quạ mang một hình ảnh xấu, là loài chim mang đến sự xui xẻo cho con người.Ngoài việc loài quạ thích ăn thịt những động vật có mùi hôi thối,quạ cũng có thể ăn nhiều thức ăn khác nữa nên chúng được xếp vào loài ăn tạp,một điều cấm kỵ mà con người ít ưa về loài quạ,là lúc bị đói quạ thường rình bắt bọn gà con,mà bắt rất nhanh,nên các bà luôn đề phòng đến chúng.

Tuy bọn quạ thích ăn đồ hôi thối,nhưng mà quạ không bị mắc nhiều bịnh dịch,nên chúng có thể sống tối đa đến cỡ 14,15 năm, nhưng trung bình chúng có thể sống trên 10 năm ,với điều kiện là chúng phải được sống và hoạt động ngoài thiên nhiên.Nếu nhốt vào lồng thì tuổi thọ của chúng có thể là rất ngắn chỉ được chừng 5,7 tháng cùng lắm là được một năm mà thôi.

Phân biệt giới tính: Cũng như các loài chim trong tự nhiên,loài quạ đen tuy khó nhìn vì bọn quạ đen mang một màu lông đen,bên cạnh hình vóc cũng lại tương tương bằng nhau giữa con mái và con trống, hình thù không chênh lệch nhau là mấy nên khó mà phân biệt. Tuy nhiên, nhìn thật kỹ thì sẽ phân biệt được giới tính của chúng.Con mái luôn có màu lông tương đối dợt hơn,xác nhỏ hơn tuy không nhiều.Con trống bộ lông luôn có màu sắc sảo hơn,trơn mịn hơn nên lúc nhìn ta thấy như có thêm chút màu óng ánh bên ngoài.Thân hình to hơn,bên cạnh tiếng kêu cũng lớn hơn,tướng mạo quạ trống khá oai vệ trong dạng như một võ sĩ,vì quạ trống luôn đảm nhận vai trò của một người hùng trong việc bảo vệ bạn tình và con cái.

Khi một chú quạ con đã trưởng thành,chúng sẽ bay đi tứ tán để tìm bầy mà gia nhập vào,để cùng chia sẻ thức ăn và tìm bạn đời kết giao.Bạn đời của loài quạ duy nhất chỉ có một đối tượng, mà cả đời chúng sống với nhau cho suốt hết khoảng thời gian về sau.Một khi đôi vợ chồng quạ đen đã xác định được vùng lãnh thổ sinh sống,chúng sẽ tìm cây cao thích hợp tại nơi đó để làm tổ mà sinh sản,từ đó quạ trống luôn luôn bảo vệ người bạn đời của mình, kể cả con cái mà chúng đã sinh ra sau nầy, trước những nguy cơ gặp phải kẻ địch.Quạ làm tổ trên những chạng cây cao chắc chắn,chúng thường dùng các nhánh cây nhỏ kê chồng lên nhau tạo thành một cái nề cao làm cốt của tổ,bên trên bề mặt của chồng cốt nầy, quạ mới tìm các vật liệu mềm làm một tổ nhỏ vừa đủ để nằm,cái khác với tổ Ác Là là quạ không phải rào các cành gai bên trên.Quạ mái đẻ từ 4 đến 5 trứng,đẻ xong là nằm vào tổ để ấp trứng và ấp liên tục cho đến cả 3 tuần để trứng nở con. Dĩ nhiên suốt thời gian nầy quạ trống phải lo việc cấp dưỡng cho quạ mái.Khi các trứng được nỡ thành chim con,thì cả hai vợ chồng quạ đều có trách nhiệm,phải tìm mồi để mớm cho bọn quạ con,và Phải nuôi chúng hơn cả một tháng để bọn quạ con trưởng thành.Một khi đã trưởng thành, lũ quạ con sẽ bay đi tứ tán mà tìm bầy mới nhập bọn, mà hòa nhập vào đời sống của bày đàn mới,đồng thời cũng nhân lúc nầy các chú quạ tơ mới tìm bạn tình để kết đôi.

Bọn quạ xử dụng cái mỏ của chúng,chúng ta có thể tưởng tượng công năng của mỏ quạ gần giống như đôi tay của con người,chúng dùng chiếc mỏ để bẻ gảy các nhánh cây nhỏ, dùng vào việc làm cây nọc đâm vào các lỗ nơi thân cây khô,mà trong đó chính là tổ của con đuôn,chúng lôi ra để làm mồi mà ăn,có những lúc cái lỗ cây khó lôi con mồi ra, quạ dùng mỏ cắn nơi đầu cây, tạo nên như một cái ngạnh để giữ cho con mồi không bị tụt ra lúc kéo.Đây là một động thái chứng tỏ sự thông minh mà loài quạ đã có. Quạ đen cũng là một sinh vật rất trọng chữ tín, rất nhậy bén trong việc nhận biết kẻ nào đang “gian lận” sống trong bầy,trong những lần chia thức ăn, từng con sẽ được chia phần đúng với công sức đã bỏ ra,nếu con nào vượt quá sẽ bị để ý và sẽ bị lọi ra khỏi các lần săn mồi kế tiếp.

Vào mùa thu đông quạ đen thường tập hợp thành bầy rất đông có thể lên hàng cả mấy trăm con,do vậy chúng cũng có những phương thức hợp tác giữa bầy đàn khá phức tạp,nhưng chúng luôn để ý mà phân biệt được những kẻ đang “gian lận” trong bầy, để tránh xa các lần hợp tác tìm mồi kế tiếp.Đó cũng là một nét biểu thị sự thông minh và giữ chữ tín của loài quạ đen.

Quạ đen hay cả các loài quạ khác nói chung,chúng đều có khả năng nhận thức cao,chúng có thể nhận biết được tất cả việc làm của chúng, nhất là chúng nhớ rất kỹ những nơi chúng cất dấu đồ ăn, không bao giờ sai.Đồ ăn mà chúng cất dấu không chỉ một lần mà phải di dời nhiều lần,nhiều chỗ nhưng không bào giờ chúng quên.Quạ đen có thể bắt chước được tiếng người và cả tiếng của các loài chim khác,nếu một khi chúng có cơ hội nhại theo.Tất cả các điểm đã ghi lại bên trên đều là những ưu điểm về loài quạ nói chung,và riêng cho loài quạ đen mà người dân làng ta thường thấy đã biết đến.

Tuy nhiên,quạ là loài động vật mà con người không mấy ưa thích,bởi con người luôn cho rằng chúng mang đến nhiều điều chẳng lành cho họ.Không phải chỉ riêng người dân Việt ta mới có sự hoài nghi ấy,mà hầu như nhiều dân tộc trên thế giới họ cũng đều có quan niệm như vậy.Bởi lẽ cái bề ngoài của bọn quạ đen khá khó coi vì quá xấu xí,bên cạnh đó chúng lại là loài ưa thích ăn thịt các con vật chết,kể cả những vật ươn thối nếu chúng có cơ hội bắt gặp.Do vậy mà lâu lâu loài quạ đen bay ngang qua xóm làng mà kêu ít tiếng, thì người trong xóm luôn phải để ý mà đề phòng đến những điều không may có thể xảy ra vào thời gian sau đó.

Thành ra trong dân gian thường có câu vè “Quạ kêu hai tiếng thì linh.Quạ kêu ba tiếng không mình chi tao”.Người xưa thường sợ nghe tiếng quạ kêu,vì quạ kêu mang ý nghĩa là sắp có điềm gỡ.Bởi vì màu lông đen của quạ đã khiến chúng bị liên kết với sự u ám của cái chết.Loài người vào thời kỳ trung cổ có quan niệm,màu tối thường được coi là điềm xấu,do đó Quạ đen bị coi là điềm chẳng lành!.Tiếng quạ kêu với cái âm thanh khàn khàn “Quạt, quạt,quạt” khá đặc biệt, khiến cho con người cảm thấy tiếng kêu ấy mang đến sự đen đủi, mỗi khi nghe thấy loại âm thanh nầy của bọn quạ.Nhất là vào ban đêm,bọn quạ bay ngang qua xóm làng nào đó mà kêu mấy tiếng “quạt,quạt,quạt"thì dân trong xóm rất lo,nếu nhà nào có người đang bị bịnh thì người nhà lo đề phòng sắp có việc tang ma, còn những người khỏe thì lại khá bàng hoàng lo lắng,nghi ngại là có chuyện gì đó sắp xảy đến.Việc nầy đúng hay sai là tùy vào quan niệm và sự hiểu biết từ mỗi người,tuy nhiên, cái quan niệm về điềm gở luôn được truyền khẩu trong dân gian bởi từ tiếng quạ kêu,cái đó đã có và được truyền tụng từ đời nầy sang đời khác vẫn chưa bao giờ chấm dứt.Có lẽ cũng tại vì quạ là loài có màu lông xấi xí,vừa là loài chim hung dữ,nên thường bị gán là loài báo điềm dữ,bởi từ câu tục ngữ “Quạ đậu trên đầu,thì gặp tai họa” “Quạ đứng mái nhà thì tai nạn ập đến”,có lẻ cũng tại bởi cái màu “đen” từ bộ lông của chúng mà ra chăng!

Trong dân gian có nhiều câu chuyện được kể về loài quạ, không những ở nước ta mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.Đây là câu chuyện kể về: Tại sao quạ bị mang màu lông đen ? Chuyện được kể rằng: vào thời cổ đại xứ Hy Lạp,thần Apollo đã cử một chú quạ trắng canh giữ Coronis là người tình và là vợ của ông ta. Coronis với Ischuys trước đó đã có tình cảm với nhau,mà khi thần Apollo đã đám cưới Ischys làm vợ.Nhưng những lúc vắng mặt thần Apollo, Colonis và Ischys vẫn len lút " làm việc"ngoại tình với nhau. Tất cả hành động đó được quạ trắng chứng kiến thật rõ ràng,trong nhiệm vụ được giao,quạ trắng phải báo cáo toàn bộ cho thần Appollo biết tất cả mọi chuyện.Khi được nghe về câu chuyện ngoại tình của vợ,cơn ghen của vị thần nầy đã lại nổi lên tới cực điểm.

Trong cơn tức giận,thần Apollo đã trách mắng quạ trắng tại sao không khoét mắt Ischys lúc anh ta canh gác.Cơn giận của thần đã đến mức tột độ nên hóa thành lửa,trong lúc vô ý ngọn lửa của thần Apollo đã đốt cháy hết bộ lông trắng của quạ trong ánh lửa hồng.Từ đó quạ lại phải phủ một màu đen từ dầu đến đuôi,trông vô cùng xấu xí.loài Quạ lại phải mang màu lông đen là từ đó.

Câu chuyện cổ tích Hy Lạp được ghi lại trên đây,cũng để làm phần cuối mà kết lại bài viết về loài quạ, mà mọi người trong chúng ta đã có dịp khảo sát qua./.

Ngày 12/2/2025 Phan công Thạnh.

____________________________________

11-12) HAI LOÀI CHIM CÀ - CUỠNG VÀ TU - HÚ

Cà Cưỡng là loài chim được ghép vào dòng họ nhà Sáo,gồm sáo đen,sáo sậu,nhồng, nhồng lai, vẹt .v..v.Chim cưỡng có thân hình lớn tương đối, nhỏ hơn loài Ác Là và chim Quạ.Hình vóc nhìn khá suông với chiều dài khoảng chừng 20cm, được bao phủ bởi hai màu lông pha trộn đen trắng lẫn nhau, tạo cho loài chim nầy có một nét đặc biệt, nhất là bộ lông nơi hai cánh luôn là màu đen nhạt,không những thế, ngay tại nơi phần giữa cánh, lại điểm thêm một đường lông trắng nhỏ chắn ngang,tạo cho mình Cưỡng một bộ lông có màu lốm đốm. Bộ lông cánh của Cưỡng khá dài cũng tạo cho thân hình Cưỡng khá suông ,nếu nhìn theo chiều dọc từ lưng cho đến chót đuôi. Bề mặt trên đầu Cưỡng khá bằng , mà toàn bộ phần đầu được phủ bởi một bộ lông màu trắng.Nối đầu với mình Cưỡng bởi một vòng lông đen, bao quanh khá rộng chiếm trọn phần cổ.Tiếp theo đó là một vòng lông nhỏ màu trắng nhạt,vòng lông nầy tiếp giáp với hai đầu cánh được gọi là vai, hai cánh Cưỡng được phủ kín bởi chùm lông dài màu đen nhạt,đồng thời cũng phủ kín khắp phần lưng Cưỡng.Tuy nhiên, tại đoạn giữa ủa lông cánh lại chem vào một đường lông trắng nhỏ, tạo cho mình Cưỡng một sự pha trộn gồm một bộ lông trắng đen lấm tấm tạo thành những đớm nỗ. Bên phần dưới bụng kể từ vòng khoan cổ cho đến tận chốt đuôi, được phủ toàn một màu lông trắng.Mỏ chim Cưỡng suông, chỉ lớn vừa phải,nên nhìn thấy khá dài, chót mỏ rất nhọn. Hai lỗ mũi của chim Cưỡng giống như hai vệt đen hở,nằm gần sát bên trên phần đầu của mỏ,cũng giống như tất cả các loài chim khác được tạo hóa ban phát, dùng xử dụng vào vấn đề hô hấp.

Chim cưỡng,đặc biệt luôn có miếng da màu vàng nằm quanh mí mắt cho cả hai bên, phần da ngang nơi mí mắt mở rộng, hai đầu thon dần và nhỏ lại thành hai mũi nhọn, mỗi bên dài chừng 1 phân tây tính từ mắt ra,tạo cho miếng da nầy giống hình con thoi dệt cửi.Miếng da nầy bình thường tưởng như không mang một ý nghĩa gì đặc biệt,nhưng thực thế nó mang một trọng trách khá quan trọng, là tín hiệu giúp chúng ta phân biệt được giới tính của loài chim Cưỡng một cách dễ dàng Nhìn miếng da màu vàng nơi mấy chú chim trống nó luôn to và dài hơn, so với miếng da màu vàng nơi mắt của mấy chị cưỡng mái,sự chênh lệch trên giúp chúng ta có được một sự so sánh để phân biệt về giới tính của loài Cưỡng.Một điểm khác nữa cũng phụ giúp vào cho chúng ta biết để phân biệt được giới tính của loài Cưỡng ,đó là cánh của Cưỡng trống luôn có nhiều lông màu trắng ,trong khi đó chim mái thường có nhiều lông màu xám hơn. Từ các yếu tố trên kết hợp lại,đã giúp chúng ta phân biệt được giới tính của loài chim nầy một cách dễ dàng, nếu chúng ta chịu khó để ý và biết rõ đặc tính về các yếu tố trên.

Đôi chân chim Cưỡng tương đối cao so với thân hình thon thon của chúng,dĩ nhiên, loài chim nào cũng vậy,phần nơi hai đùi luôn được bao phủ kín bởi lông cho đến gối,chỉ chừa lại hai ống chân dài nối từ gối đến bàn chân.Bàn chân có bốn ngón,ba ngón dài nằm về phía trước,ngón nhỏ ngắn hơn nằm về phía sau,tất cả các đầu ngón chân đều được che chở bởi một bộ móng sừng uốn cong màu đen với mũi thật nhọn. Hai ống chân của cưỡng luôn có màu da trắng đục,có thể gọi đó là màu bạc.Đuôi cưỡng gồm một chòm lông cứng, tương đối dài có thể đo được chừng 15 cm,tính từ gốc là phao câu cho đến tận chót của lông đuôi,nhưng lại bị che phủ bởi một cái tréo lông của hai cánh chồng lên, che kín phân nửa của phần lông đuôi, khiến chúng ta nhìn thấy mình cưỡng thon lại mà rất dài là vậy.

Chim Cưỡng có đời sống thích hợp với loại khí hậu vùng ôn đới lục địa Đông Nam Á, mà Việt Nam là một nằm trong vùng khí hậu ấy,vì vậy loại chim nầy có mặt trên khắp ba miền:Bắc,Trung,Nam của đất nước ta. Riêng tại quê hương chúng ta, một vùng lãnh thổ nhỏ nằm trọn trong lòng Miền Trung . Loài chim Cưỡng cứ từng đôi,từng đôi vẫn luôn có mặt tại các nơi gò đống,trên các thửa ruộng lúa mà bà con nông dân mới vừa thu hoạch xong ngoài đồng, chúng dạo để tìm mồi,một điều đặc biệt khác nữa mà mọi người đều nhận thấy, loài chim Cưỡng luôn lại thích sống gần nơi có người,do vậy tại các khu vườn ở của hầu hết bà con trong xóm, bọn Cưỡng cũng luôn có mặt,chúng lững thững đi dạo, để tìm kiếm các loại lương thực mà chúng cần.

Thức ăn lý tưởng của loài chim cưỡng cũng vẫn là các loại côn trùng nào là cào cào,châu chấu,giun dế,bọ ngựa và kể cả loại trùn đất.Để tìm kiếm các loại côn trùng nầy,cưỡng thường dạo gần những nơi có sự hoạt động của con người ,vì có sự hoạt động của con người, làm cho những loại côn trùng bị khuấy động mà xuất hiện ,giúp Cưỡng dễ tìm bắt được nhiều mồi.Ngoài các thức ăn chủ lực thuộc loại côn trùng kể trên, chim cưỡng cũng có thể ăn thêm các loại thực phẩm như cơm trắng, cùng những loại quả chín nếu một khi chúng được con người nuôi dưỡng.

Chim Cà Cưỡng: Loài Chim Biểu Tượng Của Nét Văn Hóa Việt
...

(Chim Cà Cưỡng)

Chim Cưỡng cũng là một trong số các loài chim thông minh,nhờ sự thông minh ấy chim Cưỡng có thể nói được tiếng người một cách dễ dàng,nếu một khi có cơ hội tạo cho Cưỡng được tập luyện kỹ lưỡng,bên cạnh đó cách tốt nhất là thường xuyên cho Cưỡng tiếp xúc với con người nếu là Cưỡng được nuôi.Người ta còn bày phải lột da lưỡi cho Cưỡng,để lưỡi Cưỡng được mềm mại dễ uốn mà nói rõ tiếng hơn (lột một tí da bên dưới nơi chốt lưỡi cưỡng).Cưỡng là một loài chim khá hiền mà rất mến chủ,do vậy không bao giờ chúng bỏ chủ mà đi như một số loài chim khác,nếu một khi chúng được nuôi, vì vậy khi nuôi Cưỡng, có thể thả chúng sống một cách tự do bên ngoài không gian với thiên nhiên, không cần phải nhốt.

Đời sống đôi lứa của chim Cưỡng, cũng như phần lớn các loài chim khác trong hoàn vũ,chim Cưỡng sống thành từng cặp mà có thể ta gọi đó là cặp vợ chồng Cưỡng cũng nên,vì hai cá thể đó chỉ là một trống với một mái mà thôi.Mùa sinh sản của chim Cưỡng,cũng như phần lớn các loài chim khác trong thiên nhiên,Cưỡng sinh sản cũng vào khoảng thời gian cuối xuân, đầu mùa hạ cho đến mùa thu,tức từ nửa tháng ba, đầu tháng tư ÂL kéo dài cho đến đầu mùa thu.Khi đã vào mùa sinh sản,ta thường thấy mấy anh Cưỡng trống luôn trổ tài nhảy múa và ca hát thật nhiều,và khá đều đặn.Hành động ấy có thể giúp chúng ta hiểu rằng , Cưỡng trống muốn trổ tài để chiêu dụ,mà lấy lòng người bạn tình của mình là chị cưỡng mái.Cũng trong khoảng thời gian ấy, cả mái lẫn trống hai đối tượng nầy đều chung sức đi tìm lấy các vật liệu mang về để làm tổ, chuẩn bị cho việc chị Cưỡng mái đẻ trứng sau đó.

Hình thức tổ chim Cà Cưỡng tương đối khác với các loài chim khác,Cà Cưỡng thường thích dùng những vật liệu mềm để làm tổ.Tổ chim Cưỡng luôn luôn xây dựng với mô hình bầu dục thẳng đứng, hai phần ba tổ bên dưới tạo thành một cái gièo, mà bên trong là một khoảng trống khá rộng, nơi nầy là chỗ dùng cho Cưỡng mái nằm lúc đẻ và ấp trứng.Phần bên trên của tổ, Cưỡng cũng đan thành một vòm tròn dùng trùm kín phần còn lại, đồng thời chọn một bên thích hợp làm cửa ra vào tổ,mà cũng luôn được đan thành như một cái vòi dài cỡ 2dm, với một lỗ tròn đủ rộng để ra vào .Tổ của loài Cưỡng luôn được xây dựng dưới hình thức như vậy,do vậy luôn luôn kín đáo. Chúng ta có thể suy đoán rằng loài chim cưỡng dùng cách nầy để giữ tổ,không cho các loài chim nào khác, có cơ hội xâm nhập mà phá phách các trứng hay lúc chim con của chúng ra đời. Cưỡng thường chọn các ngọn cây thật cao,có những chạn nhánh lớn đủ chắc để làm tổ, đề phòng mọi rũi ro .Cưỡng mái có thể đẻ từ 4 đến 6 trứng. Trứng Cưỡng có thật nhiều chấm tròn màu nâu, lớn cỡ bằng hạt tấm được trải đều trên khắp bề mặt của vỏ trứng có màu xanh lục.

Sau những ngày đẻ trứng xong,chim cưỡng mái nằm trong tổ để ấp trứng, và ấp liên tục như vậy một thời gian dài trên cả hai tuần lễ, đủ thời gian ấy là chim con được nở ra.Khi các chim non đã ra đời,cả hai vợ chồng nhà Cưỡng đều chung sức, đi tìm kiếm mồi mang về để mớm cho bọn chim con của chúng, công việc nầy chiếm một thời gian khá dài, phải hơn cả hai tuần lễ sau đó nữa,phải đủ thời gian ấy thì các chim con mới mọc đủ lông,đủ cánh để tập bay.Chim con tập bay ngay nơi cửa tổ khoảng chừng 3,4 ngày là có thể bay mạnh,lúc nầy bọn cưỡng con sẽ thoát ra khỏi tổ mà không còn cần đến chim mẹ mớm mồi,tức đã đến lúc chúng tự do tạo cho mình một cuộc sống độc lập.Các chú chim non lúc nầy sẽ bay đi tìm bày mới để gia nhập,cũng từ lúc đó theo thời gian mà chúng trưởng thành phải tính đến cả 7,8 tháng sau nữa.Một khi đã thật sự trưởng thành các cá thể nầy sẽ tìm bạn tình mà vầy tổ uyên ươn, để hoàn thành cái nghĩa vụ mà tạo hóa đã phân công là nối dòng, giữ giống.

Tất cả những yếu tố được ghi lại bên trên là phần chúng ta quan sát được từ loài chim Cưỡng.Nhưng chim Cưỡng có một điểm đặc biệt cần được chú ý, thường được truyền tụng trong dân gian của loài người.Ví như ngay tại xóm làng chúng ta cũng vậy,người người hầu như đểu thuộc lòng về một tập quán của chúng,và rồi được nói đi,nói về nên đã trở thành như một câu phương ngữ, đó là: “Cà Cưỡng nuôi con Tú Hú”.Hãy tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng nầy, phân tích để biết rõ về cái nhược điểm mà cả hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú đã tạo thành một hiện tượng, mà cái hiện tượng ấy đã làm cho con người nhìn thấy rõ về sự quan hệ bất bình thường, trong đời sống của cả hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú,tạo thành thông lệ trong khoảng thời gian mà chúng đã bước vào thời kỳ sinh sản, làm nghĩa vụ phải hoàn tất việc nối dòng,giữ giống. Nhưng rồi đã bị con người mỉa mai bởi nhìn thấy được sự thiếu cẩn thận của loài chim Cà Cưỡng,để Tu Hú lợi dụng đẻ nhờ,gọi là đẻ gởi để nhờ Cà Cưỡng ấp trứng và nuôi con.Sự kiện trên, con người biết một cách khá rõ để tạo nên câu phương ngữ : “Cà Cưỡng nuôi con Tu Hú”, trong lúc mà con người đang hết lời khen ngợi về tính tình đôn hậu cùng bộ mã khá đẹp, rất quyến rủ từ loài chim Cà Cưỡng,là những cái đã được tạo hóa ban phát, và cũng chỉ riêng giành cho loài chim Cưỡng mới có được mà thôi.

Một khi nói đến loài chim Cà Cưỡng thì phải nói đến loài chim Tú Hú, bởi từ hai loài chim nầy có một sự quan hệ không mấy bình thường trong đời sống của chúng , đặc biệt là vào thời gian chúng sinh sản,sự đẻ trộm để gởi trứng vào tổ chim Cà Cưỡng , một hành vi khá phức tạp của loài chim Tú Hú phải làm,do vậy đã tạo thành một hiện tượng mà loài người nhận biết được,để rồi mô tả hiện tượng ấy như là một sự quái dị, và rồi theo thời gian của ngày tháng, nó đã biến thành như một câu phương ngữ, nói lên sự bất chính của loài chim Tu Hú ,đó là: “Cà Cưỡng nuôi con Tu Hú”,câu phương ngữ nầy cốt diễn tả sự lợi dụng của loài chim Tu Hú trong vấn đề sinh sản đối với loài Cà Cưỡng, một sự kiện khá quan trọng trong việc phải nối dòng,giữ giống mà hầu hết mọi loài chim đều phải làm, riêng loài chim Tú Hú việc sinh sản lại khá khác biệt,phải làm một hành động như là loại cây chùm gởi,phải đẻ nhờ nơi tổ Cà Cưỡng,khác với tất cả mọi chủng loại chim muông nói chung trên vũ trụ.

Trước hết ta hãy xem xét về hiện tượng tự nhiên của vạn vật,đối với tất cả các loài động vật và cho cả đến các loài thực vật nói chung,tất cả đều được phát triển đúng chiều thuận theo sự vận hành của trời đất, thích ứng với cuộc sống của từng mỗi chủng loại, vì vậy sự chuyển động của vũ trụ luôn tạo sự thuận lợi một cách khá tự nhiên cho muôn loài trên quả đất..

Sự vận hành của trời đất đã phân chia khí hậu trong một năm ra làm bốn mùa riêng biệt,mỗi mùa mang một sắc thái cùng một vẻ đẹp riêng của nó,Xuân Hạ Thu Đông .Tuy nhiên trong bốn mùa thì mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất được biểu thị bởi màu đen (Khảm), thành thử mọi vật kể cả loài người đều mong muốn cho mùa đông chóng qua ,để được đón một mùa xuân ấm áp ,tạo cho vạn vật tươi vui, mọi sinh hoạt trong xã hội vào lúc nầy đều rất náo nhiệt,đó là khoảng thời gian vào cuối xuân đầu hè.Khí trời đang vừa mát dịu, mặt trời cũng ban cho vạn vật một ánh sáng màu vàng nhạt rất đẹp , hòa quyện trong cùng với một bầu không khí hiền hòa. Do vậy tất cả mọi vật đều đã được như hồi sinh, trong một khí thế tưng bừng.Đối với loài người vào thời gian nầy khí hậu đang thật tốt,cũng cùng lúc biển lặng,sóng êm.Nhà nông lo việc thu hoạch vụ mùa Đông xuân,những người bạn chài thì lo việc ra khơi đánh bắt cá trong một thời gian dài ngày,vì đây là mùa đánh bắt được nhiều loại cá chuồn ngoài biển khơi.Chim chóc cũng vậy,nương vào mùa mà lá cây đang trải màu xanh non, tạo cho lũ chim một khoảng không gian vui vẻ,chúng ca hót ríu rít ở mọi nơi trên từng chòm cây, khóm lá,đồng thời đây cũng là khoảng thời gian đúng vào đầu mùa mà tất cả mọi loài chim, đang chuẩn bị bước vào mùa sinh sản sắp tới của chúng.

Ở đây chúng ta hãy xét đến một sự trùng hợp trong sinh hoạt giữa loài người, mà lại có sự quan hệ đến các loài chim chóc,bởi đó là một sự quan hệ mà chúng ta đã nhìn thấy.Hãy nêu lên sự quan hệ ấy từ cách quan sát của chúng ta, một khi đã nói về các loài chim mà ở đây là loài Cưỡng, nhưng hễ nói về loài chim Cưỡng thì phải nói đến loài chim Tu Hú vì chúng luôn có sự quan hệ song hành trong đời sống của chúng.Mặt khác về hiện tượng,mùa Tu Hú kêu cũng lại là đúng vào mùa mà biển lặng,sóng êm, dân chài ra khơi để đánh bắt được thật nhiều loại cá Chuồn,bên cạnh đó cũng trùng với mùaTu Hú sinh đẻ nữa, mà chúng luôn luôn phải đẻ gởi nơi tổ của loài chim Cà Cưỡng, phải làm cái việc mượn Cà Cưỡng ấp trứng và nuôi con,cái đó đã trở thành như một định luật không thể thiếu đối với chúng,do vậy trong dân gian mới có câu ca ví “Cà Cưỡng nuôi con Tu Hú” là vậy.Câu phương ngữ trên có thể còn mang thêm một ý nghĩa khác nữa, mà loài người đã dùng như một ẩn dụ để mỉa mai một số trường hợp mà con người đã phạm phải, dùng chế diễu những đấng ông chồng đã bị các bà vợ cho cắm sừng.

Trước tiên chúng ta hãy xem xét về cái đẹp của mùa xuân,khi mùa cá chuồn đã đến tạo nên mối quan hệ trong sinh hoạt, giữa con người sống từ hai vùng thấp và cao,mà người đời thường gọi bằng một cụm từ là “người miệt biển” đối với “kẻ nậu nguồn”.

“Ai về nhắn với nậu nguồn,mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”

Tháng 3 là tháng cuối xuân tiếp đến tháng tư là đầu mùa hè,thông thường vào thời gian nầy thì trời đẹp,gió lặng biển êm,dân chài ra khơi với thời gian dài để đánh bắt mùa cá chuồn,đây là mùa đánh bắt được nhiều nhất loại cá chuồn,nhiều người dân chài thường kể,cá chuồn biết bay,có nhiều lúc chúng nhảy tưng tưng mà bay vào ghe một khi chúng đã bị vây ,cá chuồn là giống cá có hai vây thật dài,mình thon nên chúng nhảy rất cao,khi chúng nhảy hai vây dan thẳng ra giống như hai cánh chim bay.Nhiều khi phải tháo lưới cho chúng thoát ra bớt,nếu không thì ghe quá tải bị chìm. Mùa nầy người dân chài đánh bắt được thật nhiều loại cá chuồn,thì tại miền núi cũng thường được gọi với từ là miệt nguồn,các vườn của dân miền cao vào lúc nầy cũng vừa đang trong độ giống mít có trái non. Loại trái mít non dùng vào việc làm gỏi trộn với thịt cá chuồn, nhân tôm,thịt mỡ,mà luôn không được thiếu loại đậu phộng rang giã nhỏ,trộn đủ các loại gia vị trên thì món gỏi mít sẽ ngon tuyệt dịu.Bên cạnh đó còn có một món khác nữa cũng ngon không kém, đó là mít non kho chung với cá chuồn, hai loại nầy mùi vị hợp với nhau,nên mỗi lần ăn là không biết chán,mà phải nói đó là những món ăn khoái khẩu nhất trong dân gian, do vậy mà người dân từ hai miền đã dùng hai thứ mít non,và cá chuồn để trao đổi lẫn nhau . Sự trao đổi ấy luôn qua trung gian bởi những người thương buôn bán nhỏ đường xa từ vùng thấp đến vùng cao,được dân gian gọi với tên là “Nậu rỗi cá”.Qua sự kiện trên,chúng ta thấy có sự hòa đồng trong đời sống giữa người dân hai miền cao,thấp nơi xứ sở của chúng ta: là Việt Nam, mà mọi người được hưởng thụ cái mùi vị đặt biệt về hai loại đặc sản, mà người dân Việt đã khéo tay pha trộn thành những món ăn tuyệt phẩm,tạo một bản sắc riêng cho dân tộc Lạc Việt ta vậy.

Phần tiếp theo chúng ta hãy xem xét về sự hòa trộn trong việc sinh sản giữa hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú,mà Tú Hú thì luôn phải đẻ gởi nơi tổ của loài Cà Cưỡng,mà không phải nơi tổ của một loài chim nào khác được,tại sao?. Đó là trường hợp rất đặc biệt,nên chúng ta cần chú ý tìm hiểu,phân tích để tìm ra cái lý lẽ đối với sự phải chung đụng giữa hai loài chim nầy, trong vấn đề nối giòng,giữ giống riêng cho từng loài của chúng.

Một sự trùng hợp khá đặc biệt đối với loài chim Tu Hú.Loài chim nầy có một đời sống tương đối khép kín,thông thường chúng sống từng cặp cũng như mọi loài chim khác,nhưng sinh hoạt của chúng khá lặng lẽ, tại một số nơi bờ bụi kín đáo mà xa khu dân cư,do vậy con người ít khi nhìn thấy bọn chúng.Nhưng cũng vào thời gian nầy,thì loài chim Tú Hú phải kêu thật nhiều.Theo chúng ta hiểu Tu hú kêu là vì trong cơ thể của chúng, cũng như các loài chim khác đã có hiện tượng của một sự chuyển đổi trong cơ thể, vì chúng cũng cập đến mùa sinh sản, mà lại trùng hợp với mùa mà dân chài đánh bắt được thật nhiều loại cá chuồn,nên con người mới dùng tiếng Tu Hú kêu để ghi nhớ đến mùa cá chuồn là vậy.

Có sự chuyển đổi trong cơ thể do vậy mà Tu Hú mới kêu,sự kêu của chúng cũng lại trùng vào mùa biển êm,sóng lặng dân chài ra khơi xa, đánh bắt được thật nhiều loại cá chuồn.Vì vậy,những người dân ở quê ta cứ nghe lúc có tiếng Tu Hú kêu " Tu Hú..,Tu Hú..” là họ biết đã đến mùa được ăn cá chuồn tươi. Tú Hú là loài chim mà tiếng kêu của chúng khá tiết kiệm,duy nhất chúng chỉ kêu vào mùa nầy mà thôi.

undefined

( Chim Tu Hú mái )

Common Cuckoo (Cuculus
canorus)

( Chim Tu Hú trống)

Do vậy, tiếng kêu của loài chim Tu Hú lại trở nên quí hiếm vào mỗi khi mà người dân ở quê nghe được.Tất cả hiện tượng trên đều là sự trùng hợp theo thời tiết tự nhiên,nhưng con người lại mượn đó mà suy diễn để ghi nhớ cái dấu mốc về thời gian: “Tu Hú kêu” là mùa có cá chuồn,và được ăn cá chuồn tươi.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát về hiện tượng mà cả hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú đã hành động trong mùa chúng sinh sản,để xét bản chất thật đúng đối với từng loài .Phải khách quan trong cách nhìn,mới tạo được sự công bằng cho cả hai loài trong bọn chúng.Đó là cái khó đối với cái nhìn của chúng ta là con người, bản tính khác hẵn với loài chim.

Trước tiên tôi xin được kể lại một câu chuyện mà tình cờ đã có dịp, mục kích được cảnh tượng một cách rất thật từ chị chim Cưỡng mái, lúc chị đã đẻ xong vừa chui ra khỏi tổ bay đi kiếm ăn,thì liền sau đó chưa đầy vài ba phút,chị chim Tu Hú mái đã rình sẵn nơi lùm cây nơi bờ bên dưới,lại bay qua cây liễu ,rồi nhảy tưng tưng leo lên theo từng nhánh cây nhỏ của cây liễu to nầy, để tìm đến đích là cửa tổ chim Cưỡng chui vào mà đẻ gởi.

Chẳng là thế nầy,tại xóm nhà chúng tôi ở,bên trước có một con mương thủy đạo,nói là mương, nhưng mặt bằng nơi đáy rất rộng, chiều ngang đoạn chảy ngang phía trước xóm nhà chúng tôi ở, có thể đo được từ 20 đến 25 mét,về mùa đông là một bàu đầy nước, nhiều loại cá sinh sống trong ấy.Bàu nước nầy có chiều dài nối từ đoạn thấp của bờ sông Ly Ly nơi hố Cây Sữa,cứ vào mỗi mùa nước lụt,nước sông chảy theo con mương nầy,băng qua nhiều đoạn khởi đầu từ bờ sông “hố Cây Sữa”, chảy qua đoạn Bàu Quít,đến vũng rút,đến Bàu Ván,Bàu Vạt, rồi chảy xuống ngang qua đoạn trước ngõ nhà ông Ban,vườn nhà Bác cửu Hề,đến đoạn vạt liễu có Cục Đá Tướng, rồi chảy xuống mà băng qua đoạn trước vườn Di,để đến Gò Làng ,mà tỏa ra cánh đồng Gò Mè,để trải ra khắp cánh đồng ruộng Thanh Ly,đến cuối cùng toàn bộ nước lại chảy về hướng đông là Bàu Xuy (Liễu Trì),rồi qua Bàu Bàn, theo mương rút chạy dọc theo cánh đồng Tất Viên mà chảy về hướng Nam đến phạm vi xã Bình Tú,và rồi tuần tự chảy dọc theo con mương nầy để đến địa phận vùng Kỳ Anh (Tam Kỳ) mà đổ ra sông Cái để thoát về biển.Đó là vào khoảng thời gian trước của đầu thế kỷ 20,khi người Pháp chưa đắp thành hình đường Quốc Lộ số 1.Thời gian sau của đầu thế kỷ 20,đường quốc lộ số 1 đã được đắp thành hình,nước lụt ứ lại trên đồng làm ngập hoa màu,dân làng Thanh Ly phải khai thông con mương Lùm,để nước chảy trả lại về sông,nhưng luôn phải chờ vài ngày sau cây lụt,khi nước sông rút bớt,thì nước trên đồng mới từ từ rút theo.

Nói là mương thủy lợi,nhưng đoạn chảy ngang qua xóm chúng tôi mặt mương khá rộng bề ngang cũng ước chừng trên vài mươi mét,lúc mương cạn nước vào khoảng tháng hai trở đi,bề mặt con mương khô nước lòi ra một lớp đất bùn,cỏ lại mọc,mà mọc toàn một loại cỏ chưn tít, một loại cỏ rất mạnh chúng vươn dài ra rất nhanh, mà bò sát mặt đất,tuy nhiên đầu ngọn, cùng các nhánh ngang vừa đâm chồi lại vươn cao đầu lên,nhờ vậy mà bò gặm tốt lắm.

Đoạn mương nầy,là nơi mà bọn chăn bò chúng tôi,cứ vài ba hôm lại thả bò ăn một lần.Mỗi lần cho bò ăn nơi nầy,chúng tôi thường chơi trò chất lửa,rồi đi tìm củ “CO” mà nướng để ăn.Loại củ nầy khi bàu đầy nước thì nó lên loại cây gì? Tôi thì không biết,nhưng khi bàu hết nước,thì chúng nằm lộn trong lớp bùn đã khô mà nổi trên mặt đất bùn,nên rất dễ nhìn thấy, tuy rằng số lượng cũng không nhiều lắm. Củ Co có hình tròn,lớn hơn trái vừng một tý,lớp vỏ bên ngoài là một lớp xơ bọc quanh màu đen,nhưng tất cả đều chụm đầu lại thành một cái chốp,có thể nói đó là cái mầm để một khi thuận lợi,tại nơi đây lại nảy mầm mà thành cây.Củ co nướng ăn khá ngon,khi nướng chín bóc lớp vỏ ngoài thì lòi ra cái ruột ăn bùi bùi,giống như bột loại khoai môn.Bọn chăn bò chúng tôi thì thường chơi trò nầy,vì biết loại củ co ăn được, đã được nghe người lớn thường nói đến câu ca dao: (quên câu lục đầu,chỉ nhớ câu tám chữ sau là “Củ co dưới bàu nó cũng nên ăn” vì vậy mà đứa nào cũng dạo tìm đem nướng mà ăn chơi.

Chất đống lửa nơi vạt đất bàu tại một khoảnh sát với vạt liễu của ông Bác Hộ có cục đá “Tướng” (gần ngỏ nhà anh Quát bây giờ) đây là con đường dùng cho bà con xóm trong đi ra,mà sát bên cạnh đường đi về phía tay mặt có một sòng tát,dùng để tát nước từ bàu nầy đưa về cánh đồng Bàu Đáy, cứu vụ lúa đông xuân vào tháng giêng vào những năm bị hạn,khi nước bàu tại đây cạn hết,dân chúng nơi xóm có đào thêm một con mương sâu, hẹp,sát bên mép trong của bờ bàu để dẫn nước từ bàu Vạt chảy về đến tận sòng tát để tát lên.Vạt liễu nơi cục đá Tướng là của ông Bác Hộ,có một cây liễu to sát gần bên sòng tát.Vợ chồng anh chị chim Cưỡng đã chọn nơi cây liễu nầy mà làm tổ trên đó,nhờ nó nằm sát nơi vị trí mà chúng tôi đang chơi, nên vào một buổi sáng thả bò ăn tại đây,lúc già nửa buổi (quên ngày) bất thần tôi lại bắt gặp được cái cảnh chị chim Cưỡng mái vừa đẻ xong, chuôn ra khỏi tổ bay đi để kiếm ăn,chỉ không tới 5 phút sau đó,chị Tu Hú từ lùm cây nơi góc vườn ông Bác Hanh lại bay qua cây liễu,rồi chuyền dần theo từng nhánh nhỏ mà leo lên đến cửa tổ của chị Cưỡng,khi vừa đến nơi là chị chui ngay vào miệng tổ ,nằm trong đó phải sau 15 phút thì chị ta mới chui ra mà bay đi.

Mục kích được cảnh nầy chỉ là một cơ hội tình cờ thôi! Nhưng mà tôi đã chứng kiến được toàn bộ hành động của cả hai loài chim,để xác minh được câu nói mà quí vị người lớn thường hay nói đến là : “Cà Cưỡng nuôi con Tu Hú” mới hiểu ra đó chắc chắn là đúng.

Chị Tú Hú mái đã chui vào tổ Cà Cưỡng phải lâu hết chừng 15 phút sau,thì mới đẻ xong mà bay ra.Lúc nầy một cảnh tượng cũng khá hay đã diễn ra,chị Tú Tú mái bay lên để chui vào tổ Cưỡng rồi, bên dưới lùm cây bọn chim nhỏ lại phát hiện ra anh Tu Hú trống đen thui đang đứng đấy,anh ta bị bọn chim nhỏ gồm cả chim sâu, chất Hoạch,Chào Mào chúng đã phát hiện ra được anh , nên chúng vây quanh anh ta mà hò hét,chúng đánh,chúng la ghê lắm làm náo động cả một vùng..Có lẽ để tránh sự ồn ào cho yên lòng chị Tu Hú mái.Anh Tu Hú trống phải bay dọc theo bờ thủy đạo,bay xuống đến khoảng bờ vườn Di ước chừng hơn cả 100 mét,bọn chim nhỏ chỉ bay theo một đoạn,rồi tháo lui.Khi chị chim mái làm xong việc đẻ trứng thì chui ra,rồi bay dọc theo bờ bàu đúng theo hướng ấy mà tìm anh chim trống.

Mục kích được trọn vẹn một cuộc đẻ trộm, gởi trứng của chị Tu Hú mái,nhưng rồi cũng chỉ biết về các hành động của chị ta cũng chỉ đến đó mà thôi.Nhờ cuộc mục kích lần nầy mới xác minh được chuyện mà mấy người lớn họ thường nói ví kiểu ấy, quả là có thật. Bởi cái tuổi vào buổi thiếu thời của chúng tôi, chưa hề có cách suy nghĩ để hiểu biết về các loài chim.Cái tuổi thiếu thời của bọn chăn bò chúng tôi phải được tính vào khoảng thời gian trước năm 1954,thời buổi nầy chúng tôi được sống trong một xã hội do Việt Minh cai trị,mà họ thường nói là được sống trong vùng “Tự Do”.Bọn chăn bò chúng tôi cũng thường xuyên phải mang theo trên vai một ruột tượng loại nhỏ chứa 10 lon gạo theo lệnh,để chuẩn bị cho việc chạy tản cư, một khi nghe kẻng báo động làm hiệu lệnh, thì mỗi đứa chăn bò phải đánh bò chạy đến điểm hẹn,,không phải lùa bò về nhà.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét đến bản chất của các loài chim,ở đây gồm hai loài là Cà Cưỡng và Tu Hú,nên chúng ta cần đi sâu về bản chất của từng loài để biết mà đánh giá đúng về chúng.

Lúc tôi đang trong độ tuổi thiếu thời,chuyện mục kích được cảnh đẻ lén, gởi trứng của chị Tú Hú mái,nơi tổ của chị Cà Cưỡng, chỉ là một sự tình cờ, vì trong cái độ tuổi lúc bấy giờ đang còn trong độ tuổi của vô thức, chưa có một nhận xét nào về hành vị của cả hai loài chim nầy.Lúc trưởng thành,biết đọc sách báo,mới hiểu thêm được rằng: một số sự kiện xảy ra giữa hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú. Bởi loài chim Tu Hú phải luôn đẻ nhờ nơi tổ của mấy anh chị Cà Cưỡng, mà chỉ là nơi tổ của loài Cà Cưỡng, chứ không phải nơi tổ của một loài chim nào khác,tại sao? Một điểm khác nữa,được biết về loài chim Tu Hú chỉ đẻ duy nhất mỗi lứa hai trứng mà thôi.Khi đã rình rập mà chui vào được tổ,trước tiên tú hú mái phải mổ một trứng của Cà Cưỡng,hút hết phần ruột,sau đó dùng mỏ mà gắp cái vỏ bỏ ra ngoài tổ, cho rớt xuống đất để phi tan.Thực hiện các công đoạn nầy xong,chị Tu Hú mái mới đẻ một trứng vào tổ để bù vào,xong mọi việc thì mới chui ra khỏi cửa tổ mà bay đi,đến hôm khác lại thực hiện một lần nữa cũng với nguyên các động tác như trên.Như vậy chị ta đã gởi đủ hai trứng mà chị ta đã có ,và như thế là chị đã làm xong cái nghĩa vụ mà chị phải làm, đó là bổn phận được phân công phải nối dòng,giữ giống mà tạo hóa đã an bày cho giống nòi của chị.

Hiểu biết về việc làm từ hai loài chim Cà Cưỡng và Tu Hú như vậy, tạo cho con người một sự cảm tác để rồi phải than:

“Uổng công cà cưỡng đút mồi.

Để cho Tú Hú lớn rồi bay đi”.

Qua các sự kiện đã xảy ra bên trên,chúng ta thử xem xét về bản tính từ hai loài chim nầy.Trước tiên phải nói đến loài chim Cà Cưỡng,Loài chim Cà Cưỡng đã quá tin vào sự lựa chọn của mình,làm tổ trên một cây thật cao,là yên chí lớn đã tạo được một khoảng không gian, mà tin là không một con vật nào khác có thể bò đến để phá phách,với độ cao ấy hai anh chị chim mẹ nầy sẽ kịp thời phát hiện mà tấn công phòng vệ.Với sự ỉ lại như vậy,anh chị Cưỡng vẫn bị hớ hênh để chị Tú Hú đã bay được vào để làm cái việc đẻ gởi.

Về bản chất của hai loài chim nêu trên,ta thấy loài nào cũng rất thông minh,nhưng mỗi loài hành sử theo một vẻ,vì đó là bản tính đã được tạo hóa ban phát .Cà Cưỡng luôn biết đếm để biết chắc số lượng về tài sản của mình,qua hành động dùng mỏ để kiểm tra.Một khi nằm vào tổ chị Cưỡng mái dùng mỏ lùa trứng vào lòng bụng mà tính toán để biết được số lượng đủ thiếu ra sao.Tú Hú thì hiểu rất rõ về bản tính của loài chim Cà Cưỡng, là Cưỡng luôn kiểm tra số lượng trứng của mình để biết được đủ thiếu.Bởi biết rõ như vậy,nên để tránh tình trạng Cưỡng phát hiện ra sự dư số lượng, tạo sự nghi ngờ.Tú Hú khi bước vào tổ, phải làm một việc để tạo sự cân bằng mà Cưỡng không thể phát hiện ra sự dư thừa,nên mỗi lần phải hút đi một trứng, ăn hết phần ruột,để sau đó mới gắp vỏ bỏ ra ngoài tổ cho rơi xuống đất mà phi tang.Đó là một sự khôn ngoan,cái khôn ngoan ấy cũng lại do tạo hóa đã ban phát cho loài chim nầy.

Nhiều người cho rằng hành vi nầy của Tu Hú, là hành vi ác đức nhất vì hút trứng của ân nhân,để đẻ trứng của mình thế vào, hiện tượng trên mới nhìn qua, thì tưởng như Tu Hú là loài ác thật,tuy nhiên,nếu kết luận như vậy thì có phần phiếm diện,là hơi quá đán.Tu Hú có muốn làm cái hành vi ấy không ? chắc chắn là không,nhưng bởi tạo hóa đã tước bỏ cái quyền lợi căn bản tối thượng của chúng là: phải biết tha rác,biết làm tổ,đẻ trứng,ấp trứng và tìm tha mồi để nuôi con,như mọi loài chim khác,nhưng cái quyền lợi căn bản ấy của nó đã hoàn toàn bị tước mất.Bù lại đã áp đặt lên bản thân chúng một sự kiện khá phủ phàn,bất cứ vào mỗi kỳ sinh sản, là phải làm cái hành động rình rập lén lút, tìm một nơi cho đúng có tổ của loài chim Cưỡng,mà một khi đã tìm được rồi,nhưng phải núp đâu đó mà chờ đợi cho chị Cưỡng mái đẻ xong rồi chui ra mà bay đi,lúc ấy mới len lén bay lên mà rúc vào tổ Cưỡng để làm cái việc đẻ gởi. Hành vi lén lút ấy thật đáng xấu hổ,tuy nhiên nó không thể làm khác hơn được,đành phải chịu vậy.Cái may cho loài Tu Hú,là loài chim Cưỡng chỉ biết kiểm kê số lượng tài sản của mình thôi,mà không nhìn được màu sắc của các loại trứng, để biết sự khác biệt của trứng loài Tu Hú mà loại ra.Như vậy cho ta một sự hiểu biết thêm rằng, Cưỡng khá dễ tính,chỉ biết kiểm tra số lượng mà không biết nhìn màu sắc.Một điểm khác nữa phụ vào,có thể cũng là một yếu tố khá quan trọng,đó là nhờ tổ của Cưỡng xây dựng khá kín ,nên thiếu ánh sáng,do vậy mà Cưỡng không thể nhìn rõ để phân biệt được màu sắc mà loại những trứng lạ.Thật sự hành vi ấy cũng là do bởi sự đã an bày của cái gọi là “Tạo Hóa” mà có vậy.

Xét cho cùng , thực tế ta phải hiểu cho rằng, tất cả các điều xảy ra bên trên, giữa hai loài chim Tu Hú và Cà Cưỡng,đều do sự sắp đặt một cách thật huyền dịu, bởi từ cái được gọi là tạo hóa mà có.Loài Cưỡng được trang bị một bản tính là rất dễ thương ví rất hiền từ . Bởi nhờ tính hiền từ ấy, nên chim Cưỡng mới làm được cái việc tốt: Là ấp trứng và nuôi con giúp cho loài Tu Hú vào cái giai đoạn, sau khi cả hai loài cùng đẻ trứng chung tổ. Không phải là sự trùng hợp, mà đó là giai đoạn mà các loài chim liên hệ đã trong giai đoạn phải hoàn tất cái bổn phận do từ bởi qui luật đã được tạo hóa an bày, gắn lên thân thể của cả hai loài chim nầy là vậy. Tu Hú là loài chim phải làm cái việc đẻ gởi nơi tổ của loài Cà Cưỡng, để hoàn tất cái nghĩa vụ là nối nòi,giữ giống,nhưng cũng chỉ phải đẻ gởi nơi tổ của loài chim Cưỡng mà thôi,chứ không phải đẻ gởi nơi tổ của một loài chim nào khác được. Từ đó giúp ta hiểu ra một điều, để có được cái nhận xét đúng về trường hợp nầy, tạo nên sự chung đụng trong thời kỳ sinh sản của cả hai loài chim “Cà Cưỡng vàTú Hú”. Sự kiện xảy ra bên trên là do bởi sự an bày một cách huyền dịu của cái gọi là tạo hóa, cái huyền dịu ấy con người luôn gọi đó là " Số mệnh” hoặc là “Duyên Nghiệp"như nhà Phật đã nói đối với mỗi sinh vật trong thế gian.Vì vậy, con người cũng như loài chim đều là những sinh vật trong tự nhiên,nên cũng đều phải mang chung một cái gọi là số mệnh,do vậy Cà Cưỡng và Tu Hú cũng đang chịu chung cái số mệnh riêng mỗi loài của mình là như vậy.

Một điểm khác nữa, chúng ta cũng cần phải biết thêm để hiểu, về sự trưởng thành riêng của từng loài chim.Như chúng ta đều biết,loài chim Tu Hú chỉ đẻ duy nhất 2 trứng trong mỗi kỳ sinh sản ( sách vở nói vậy),vỏ trứng Tú Hú có màu xanh đậm,to hơn và lán mặt hơn,nhưng lại chịu áp lực của sức nóng nhạy hơn,nên chim con ra đời sớm hơn vài ba ngày so với loài Cà Cưỡng .Như vậy,hai chú Tu Hú con đã được nở ra sớm hơn, được anh Cưỡng cha mớm mồi mà nuôi lớn sớm hơn.Chim Cưỡng Mái phải ấp thêm mấy ngày sau,thì bọn cưỡng con mới ra đời,lúc nầy thì đôi cưỡng cả cha mẹ phải đồng hành chung sức mà tha mồi để mớm cho toàn bộ cả bầy con.Tuy nhiên, cặp Tu Hú con lại khá mạnh,hai con luôn chơm mỏ nơi cửa tổ,mỗi lần chim mẹ chui vào vừa đến nơi,chúng mạnh hơn nên chớp ngay miếng mồi nơi miệng chim mẹ ,do vậy mà chúng trưởng thành sớm hơn.Một khi chúng đủ lông,đủ cánh thì chúng lại chiu ra khỏi cửa tổ mà bay đi biệt tăm, ta có thể hiểu rằng hai chú Tu Hú con nầy,phải luôn tạo một cuộc sống tự lập kể từ lúc chui ra khỏi tổ,vì chúng không biết cha mẹ đã sinh ra chúng là ai,vì họ cũng đã bay đi biệt xứ sau khi hoàn tất được cái việc đẻ gởi trứng xong.

Cặp Tú Hú con nầy tuy được cha mẹ Cà Cưỡng nuôi,nhưng cái di truyền chúng mang là của Tu Hú,do vậy thế hệ của chúng cũng phải lặp lại việc làm của cha mẹ đẻ ra chúng một khi trưởng thành, chúng cũng phải thực hiện các động tác là rình rập, để tìm tổ chim Cưỡng mà đẻ gởi như cha mẹ chúng đã tạo ra chúng vậy.Không phải một đôi ba thế hệ,mà suốt cho cả mọi thế hệ về sau của loài Tu Hú cũng phải làm vậy.Hiện tượng trên ta có thể kết luận đó là do bởi “Duyên Nghiệp” đã được Tạo Hóa ban phát cho mỗi loài,nhưng cái duyên nghiệp đối với loài chim Tu Hú thì lại quá nghiệt ngã,thật đáng thương,có thể vì vậy mà loài chim Tu Hú không phát triển mạnh,như mọi loài chim khác,do vậy mà số lượng của chúng có thể là khá ít,phải sống tại những nơi xa loài người,mà chỉ kêu vào đúng mùa hè mỗi năm khi mà mùa cá chuồn đến .

Qua phần khảo sát trên,giúp chúng ta hiểu biết được nhiều việc đã xảy ra trong thế gian,mà luôn luôn có sự quan hệ dính chùm với nhau,ví như Tu Hú chỉ bay về kêu đúng vào mùa hè,vì loài chim Tú Hú có đời sống khép kín,do vậy mà loài người ít nhìn thấy về chúng,chỉ nghe và nhìn thấy chúng đôi lúc vào mùa hè mà thôi,nên tiếng chim Tu Hú kêu lại trở nên một loại tiếng lạ,có giá trị.Đặc biệt về hình dạng loài chim Tú Hú,chúng có hai màu lông khác nhau phân rõ trống,mái. Chim trống luôn có màu lông đen tuyền,bên cạnh đó chim mái lại có lông màu xám,pha trộn với rất nhiều chấm trắng trên toàn thân,tạo cho chim mái có một bộ lông “nỗ”. Thức ăn chính của loài chim Tu Hú là trái cây,khác với các loài chim khác thức ăn phần lớn là các loại côn trùng.Tú Hú kêu là báo đã đến mùa có cá chuồn,đây chỉ là một sự trùng hợp thôi, chủ đích chính của loài chim nầy là bay về các nơi có tổ Cà Cưỡng để làm cái việc “đẻ gởi”,vì chúng cũng đã đến mùa sinh sản.Tuy là một sự trùng hợp,nhưng Tu Hú kêu là đúng vào mùa có cá chuồn, cũng đúng vào mùa mà dân chài ra khơi đánh bắt được thật nhiều loại cá chuồn,họ đem về bán cho các thương buôn.Thương buôn dùng cá chuồn mua được đem muối trong những vại to để lấy nước mắm,lấy xong phần nước mắm,phần xác cá,các chủ vại dùng loại bột bắp,hoặc bột gạo đem thính rồi đem bán loại cá nầy vào các tháng mùa đông,cá thính ăn cũng rất ngon.

Mùa có cá chuồn,lại có mít non,người dân cả hai miền cao và thấp đều đã làm được loại gỏi mít trộn cùng với thịt cá chuồn, với một số gia vị như là tép mỡ,các loại rau mùi,nhưng luôn đừng bao giờ quên loại gia vị chính nầy là: đậu phộng rang giã nhỏ,với đầy đủ các loại gia vị như trên,con người đã có được một món gỏi mít non tuy khá thanh đạm,nhưng đã trở thành một món ăn tuyệt hảo của dân quê .Bên cạnh đó cũng lại có thêm một món ăn ngon khác nữa, gồm mít non kho chung với cá chuồn,một món ăn dân dã nhưng đã trở thành món đặc sản của dân Việt ta..Bên cạnh đó,chúng ta cũng còn biết thêm một món ăn làm từ loại cá chuồn nướng ngon tuyệt.Người ta rọc bụng loại cá chuồn cồ,loại cá chuồn to con ngon nhất,rồi nhét vào đó một mớ hành tím đập dập,được trộn với bột tiêu và phụ thêm một chút mỡ nữa,nhét tất cả vào bụng cá rồi đem nướng trên mẽ lửa than.Mùi thơm từ thịt cá chuồn nướng tỏa ra làm cho chúng ta phải thèm rỏ dãi.

Một điểm khác nữa chúng ta đã quan sát được, là sự dung hòa trong cuộc sống giữa hai loài chim Cà Cưỡng với Tu Hú.Biết được bản chất từ mỗi loài,Cà Cưỡng hiền từ dễ thương,đã dung chứa mà làm phước cho loài Tu Hú trong công việc giữ dòng,nối giống. Tiếng kêu của loài chim Tu Hu “tu hú..tu hú..“thường kéo dài chữ “hú” phía sau,là tín hiệu nhắt nhở cho mọi người,dù bận rộn đến đâu có thể quên đi ngày tháng,nhưng vẫn cũng biết được thời khắc đã đến mùa cá chuồn khi nghe được tiếng chim Tu Hú kêu,là biết được sẽ có những bửa cơm ngon được ăn với món cá chuồn tươi,một món ăn tuy đạm bạc,nhưng lại tạo được cho cả gia đình một bầu không khí vui tươi.

Tất cả mối liên kết từ những sự kiện đã được nêu trên, giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết về nhiều việc, có nghĩa là sự quan hệ luôn mang tính chất dây chuyền đối với mọi sinh hoạt trong thế gian,từ đó đã giúp chúng ta khảo sát thêm được nhiều sự kiện như đã được ghi chú lại bên trên.Tuy nhiên,những việc xảy ra mà chúng ta đã phân tích và khảo sát được, vẫn chưa giúp chúng ta có được một niềm vui trọn vẹn, trái lại thời thế đã tạo nên một cái buồn đã gieo rắc vào tâm tư của mỗi người trong chúng ta đang phải gánh chịu.

Ngày nay các lũy tre làng nơi quê ta thật sự đã tàn tạ,thêm vào đó nhìn khắp cả làng vẫn không tìm thấy được bóng dáng một cây to, chứ chưa nói đến là cổ thụ.Như vậy, còn đâu là nơi để cho bọn Cà Cưỡng chọn mà làm tổ,cho chim Tú Hú dựa vào các lùm cây xanh trong mùa hè để kêu mà báo hiệu đã đến mùa cá chuồn. Mà cũng có thể giờ nầy chúng ta đang có một sự hoài nghi là người dân chài đã không còn dám ra khơi để đánh bắt cá như ngày nào nữa,vì biển chúng ta lại bị cái gọi là người lạ đang hoành hành một cách hung dữ!!.Làng xóm thiếu vắng đi những bờ bổi sum sê,là nơi để lũ chim tụ về làm chỗ ở, mà sinh sôi nẩy nở như ngày nào!! góp thêm với con người tạo một niềm sinh khí vui tươi, bởi từ tiếng ca ,tiếng hót của chúng.

Mà giờ nầy hầu như tất cả bọn chim chóc đã vắng bóng nơi làng xóm của chúng ta trong suốt thời gian đã trải qua nhiều ngày tháng rồi. Con sông Ly Ly đoạn chảy ngang qua quê chúng ta ngày trước,tuy là một con sông rất nhỏ,nhưng nó mang một vẻ đẹp,đẹp như mơ,nước trong tưn, bên cạnh những bãi cát vàng sạch bóng,là nơi tụ hội của hầu hết bà con trong cả làng trên cả ba mùa tắm giặt nơi con sông xinh đẹp nầy vào các mùa Xuân,Hạ,Thu, ngoại trừ mùa Đông lạnh giá mà thôi. Bây giờ không còn một ai dám đặt chân tới đó nữa, vì nó đã bị phá hủy tan tành mà trở thành như một bãi tha ma,lòng sông đã bị bào sâu nổi lên những đá,đá ôi là đá! đá nổi lởm chởm đầy cả lòng của một con sông,bên cạnh là những ục nước sâu không thể hình dung được, nếu rủi sỉa chân xuống là chết ngay.Vì vậy không còn một chỗ để mà đặt bàn chân cho vững mà đi.Quê hương đã bị phủ đầy một màu hắc ám, ngay với một ánh nắng như nung đốt cháy người ,nó cũng đã phủ khắp cả ngôi làng,tạo cho mọi người phải suýt soa một sự nuối tiếc về những ngày của cái thuở xa xưa,mà trong đó tôi cũng không khác gì họ là mấy,cứ mỗi lần về lại thăm quê.

Viết xong ngày 22 thang 2 năm 2025.

Phan công Thạnh.

____________________________________

13) LOÀI CHIM QUỐC

Loài chim nầy luôn có mặt nơi làng xóm quê ta, vào những ngày tháng từ thuở ấy.Tức vào cái thời gian trước năm 1975,khi mà làng xóm đang còn nguyên vẹn,từ đồng ruộng đến gò đồi,cả đến các dãy đất thổ cao chạy dọc theo bờ sông Ly Ly ,bờ bụi,cây cối um tùm,tạo một môi trường tốt,không khí trong lành giúp con người thực hiện tốt mọi sinh hoạt.Bọn chim chóc cũng có nơi đùm đậu mà phát triển,chúng được thuận lợi trong môi trường phát triển,do vậy chúng cũng hòa cùng chung với loài người, bằng những tiếng kêu, giọng hót tạo nên cái sinh khí vui tươi góp phần vào cuộc sống hài hòa.Tuy rằng làng xóm vào giữa thập niên 1960 trở đi phải chịu cảnh chiến tranh tàn khốc, do bởi từ những con người thiếu bộ óc xét đoán về đạo lý nhân văn giữa đồng loại, đó là do từ tính hiếu chiến của những con người phương Bắc,kể cả hai đã cố tình tạo nên một cuộc chiến tương tàn,đem đến những cảnh tan thương,hải hùng trong suốt cả 10 năm ròng rã,tuy vậy,người dân từ mỗi xóm làng tại quê hương chúng ta, vẫn giữ được nguyên vẹn cái tình nghĩa,dựa trên đạo lý làm người, giữ trọn vẹn tình cảm gắng bó giữa người với người một cách thân ái.

Hòa cùng với sự thân ái của dân làng,loài chim cũng đồng tình cùng với con người sống nơi thôn xóm trong mọi sinh hoạt.Chúng ca hót,nhảy nhót trên khắp mọi nẻo bờ bụi một cách vô tư,không hề sợ bị một ai hiếp đáp,bắt bớ,đó là một thực tế.Đến cả loài chim nầy: Loài chim Quốc,một loài chim có bộ phận thính giác thật nhậy bén, luôn phát hiện được những điều nguy hiểm có thể xảy đến cho chúng, từ một khoản cách rất xa,lúc đó chúng lại nhanh chân chạy chúi ngay vào các bụi rậm để ẩn thân.Tuy là một loài chim rất nhát gan,luôn trớ tránh mỗi khi thoáng nhìn thấy bóng người, là chúng liền co chân chạy như bay,tuy vậy loài chim Quốc vẫn luôn có mặt thường xuyên nơi làng xóm chúng ta, không lúc nào thiếu bóng chúng tại nơi các bờ bụi sát mép cánh đồng ruộng, hay tại các mương nước vắng người,tại các ao, đìa và ngay cả nơi bờ sông Ly Ly chạy dọc theo vùng lãnh thổ làng ta vậy.

Loài chim nầy,vào những đêm mùa hè trăng sáng, mà nhất là lúc thời tiết đã chuyển sang thu,chúng kêu dai dẳng suốt cả đêm tại một vài nơi, mà chúng đang ẩn mình xa xa ngoài đồng ruộng, tiếng kêu của loài chim Quốc mang đượm một vẻ buồm da diết,làm cho con người phải chạnh lòng, bởi nghe những tiếng kêu từ cái âm “Quấc,quấc,quấc,quấc” buồn não nuột.

Dựa vào cái âm từ tiếng kêu của loài chim quốc,người dân ở quê thường gọi cái tên đúng của loài chim nầy là “Quấc”,nhưng rồi nó được đọc chệch đi cái từ “Quấc” chệch sang thành từ “Quốc”, cách đọc chệch như vậy từ đâu và từ lúc nào thì không rõ,nhưng cái tên quốc có thể là không mấy đúng theo cái âm của cái tên về loài chim nầy.Nhưng đã từ rất lâu nay người Việt chúng ta đã gọi từ “Quốc” trở thành chính thức là chính danh của loài chim “quấc” một cách quen thuộc, nó đã thấm sâu vào tâm thức người Việt một cách đậm nét,không còn cách nào đính chính lại được nữa,do vậy mà tên của loài chim cao cẳng nầy đã được gọi là “Quốc” thay bằng “Quấc” để được đồng hóa cách gọi mà ám chỉ tính chất của một đất nước,làm biểu tượng để tôn vinh hồn nước.

Ví như Bà Huyện Thanh Quan đã mượn tiếng kêu của loài chim Quốc mà tôn vinh điều đó,có nghĩa là gởi gắm nổi lòng một khi phải xa quê,nhớ nhà lúc bà đã bước lên tới đỉnh đèo ngang,trong lần đi vào Đế Đô Phú Xuân theo lệnh của nhà vua.(Cố đô Hà Nội, nơi đế đô là đại diện cho hồn nước và cho cả nơi nhà của thi sĩ)

“Nhớ Nước đau lòng con Quốc Quốc,

Thương nhà mỏi miếng cái Gia Gia”

Hay trong bài “Cuốc kêu cảm hứng” mà cụ Nguyễn Khuyến đã mô tả một cách sinh động về cái âm thanh khắc khoải của tiếng quốc kêu: “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ ? Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ? / Năm canh máu chảy đêm hè vắng / Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ / Có phải tiếc xuân mà đứng gọi / Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? / Thâu đêm ròng rã kêu ai đó / Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ!” Đoạn văn trên đã xoáy sâu mà diễn tả đúng cái tâm trạng đang bàng hoàng, phản phất một số nét do từ sự phẩn uất đến cùng cực, bên cạnh sự tủi hổ đã để cho việc mất nước xảy ra.

Và ngay trong án văn truyện Kiều, đại Thi hào Nguyễn Du cũng đã mượn cái âm từ tiếng quốc kêu mà viết, để mô tả tính cách da diết: Khi nghe âm thanh từ tiếng đàn của Thúy Kiều ,nó khắc khoải giống như tiếng Quốc kêu than thật bi ai, đã gợi nhớ lại một điển tích: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là Hồ Điệp hay là Trang sinh / Khúc đâu êm ái xuân tình / Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên ?” khi mô tả về tiếng đàn của Thúy Kiều nó day dứt buồn làm sao! Tuy rằng,tiếng đàn ấy đang được gãy trong một cuộc sum họp đoàn viên,nhưng tiếng đàn lại cứ vẫn da diết buồn,cái buồn của một con người mang nặng tâm trạng đang phải chịu nhiều cảnh ê chề bởi từ cái số phận mệnh bạc một cách nghiệt ngã của mình. Cùng trong tác phẩm nầy,đại thi hào cũng đã viết để mô tả tiếng kêu của loài chim quốc như sau:

Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

Từ chữ “Quấc” đã biến thành chữ “Quốc” là biểu tượng để nói lên cái hồn nước.Từ đó loài chim Quốc lại đi thật sâu vào nền văn học, không những là tại nước ta gồm cho cả người kinh như các đoạn văn đã được trích dẫn bên trên,mà còn cho cả các dân tộc thiểu số ít người, với vô vàng chuyện cổ tích luôn có sự hiện diện của loài “chim Quốc”.Không những thế chim “Quốc” đã len lõi vào trong nhiều nền văn hóa của người Á Châu nhất là tại Trung Hoa.Hãy tìm đọc một số tác phẩm có mang đậm hơi hướng của loài chim Quốc để được biết về chúng nhiều hơn.

Ở đây chúng ta không thể đi sâu hơn vào nét văn học mang hình ảnh của loài chim nầy được, vì phạm vi của chương nầy, chỉ dành cho việc điểm danh về các loài chim, có đời sống cùng với người dân làng, trong những ngày tháng tại quê vào những ngày xa xưa ấy, mà loài chim “Quấc” hay “Quốc” là một trong số các loại chim, đã luôn có mặt cùng với mọi người ở quê ta,vì vậy chúng ta nên xem xét về nó một cách sâu hơn,để biết rõ về hình dạng cùng với một số khía cạnh thuộc về đời sống của loài chim nầy để hiểu về chúng nhiều hơn.

image001.jpg
-0

(chim Quốc)

Chim quốc là một loài chim có tiếng kêu thảng thót nghe rất tội nghiệp,mà những người sống tại các vùng nông thôn đã ít nhiều cũng đều được nghe qua .Tiếng kêu khắc khoải trong đêm thanh vắng vang lên cái âm “Quấc,quấc,quấc...“kéo dài, kiến cho những người đang có nỗi ưu tư thì cảm thấy da diết buồn. Cái đặc tính của loài chim quốc là một loài chim được mô tả là “nhanh như cuốc lủi” đây là một đặt tính mà chỉ nơi loài chim nầy mới có.Hãy tìm hiểu về hình dạng cùng đời sống của loài chim quốc, một loài chim khá quen thuộc với mọi người trong chúng ta.Trước hết chúng ta đã biết Quốc một loài chim nỗi tiếng là nhát gan,nhưng chúng luôn có mặt mà đã len lõi vào tâm tư con người một cách sâu đậm, qua một số án văn như đã được trích dẫn từ các tác phẩm văn chương mà chúng ta đã học,hoặc đã đọc qua.

Chim quốc có một hình dạng khá quyến rũ,thân hình thon thon nhỏ,có thể chỉ nhích nhích hơn loài bồ câu một tí thôi,được phủ bởi một màu lông đen, nhưng với một màu đen của màu xám tro,bộ lông có màu đen xám tro ấy được phủ khắp từ đầu đến cổ cho suốt đến cả khắp phần lưng,cũng như đôi cánh.Một điểm khác được tính từ nơi phần đầu, kể từ hai mắt chạy dọc xuống đến phần dưới cổ,cho đến phần ngực và kéo rộng ra khắp phần bụng, lại được phủ bởi một màu lông trắng.Như thế chúng ta nhìn thấy tổng thể loài chim quốc được phủ bởi hai màu lông chính là trắng,đen. Lông đuôi của chim quốc ngắn có màu nâu nhạt.Đôi chân loài chim quốc cao,nhỏ gọn,vì chân cao nên nơi hai đùi chúng chỉ được phủ lông đến một nửa mà thôi.Đôi chân cao và nhỏ đã giúp cho chim quốc dễ dàng trong việc đi dạo trên mặt đất để tìm thức ăn, cùng với việc chạy để lủi mà tránh né kẻ thù một cách nhanh nhẹn.Chim quốc không thể bay lượn được như những loài chim khác,cánh chim quốc ngắn mà yếu,do vậy chim quốc chỉ có thể đi bộ trên mặt đất như gà. Chim quốc có bộ phận thính giác rất nhạy,giúp chúng phát hiện để nhận biết được kẻ thù tấn công mình từ đằng xa,nhờ vậy mà chúng " lủi” để trớ rất nhanh. Chim Quốc có cái mỏ màu xanh lơ, rất cứng, nơi phần đầu mỏ luôn có một vệt đỏ nằm vắt ngang, phản chiếu với màu xanh lơ của mỏ .Mỏ quốc dài, khá nhọn, giúp chúng bắt mồi một cách rất dễ dàng mỗi khi chúng phát hiện được,hay nhất là cái tài mổ để bắt cá trong lúc cá đang bơi trong dòng nước cạn.

Chim Quốc thường sống ở những nơi có môi trường tương đối ôn hòa,nhất là các vùng có nhiều cây cối chung quanh nơi bìa các đồng ruộng,chim quốc tìm thức ăn trên mặt đất,tại các bãi cỏ nơi có đầm lầy.Tuy rằng khá nhát gan mỗi khi thấy bóng người là lủi nhanh,nhưng ngược lại một khi chúng được nuôi dưỡng thì chúng lại rất dạn dĩ và rất mến chủ,do vậy Quốc lại trở nên như những người bạn thân thích của người nông dân hi chúng dược họ nuôi dưỡng, vì vậy chúng đã đồng hành trong cuộc sống cùng với họ.

Đời sống lứa đôi:

Chim Quốc luôn luôn sống thành từng cặp gồm một trống với một mái,nếu một khi bị một tai nạn nào đó mà cướp mất đi một con,con còn lại chúng kêu tìm bạn đến khan cả giọng.Chúng ta thường nghe chim quốc kêu với cả hai giọng: thông thường chúng kêu với giọng nghe rất rõ của cái âm là: “quấc,quấc,quấc ...“kéo dài, nhưng vào một lúc nào đó chúng ta lại nghe chúng đổi giọng mà kêu thành như “Cù hoát..,cù hoát...,cù hoát...“cũng kéo dài mà kêu suốt cả đêm,tiếng kêu như vậy nghe mà não nuột.Những người có kinh nghiệm về việc nuôi loài chim nầy,người ta nói,những lúc chim quốc kêu bằng giọng ấy,là lúc mà chúng chưa tìm được bạn tình để giao phối,đó là lúc tâm tư chúng đang buồn và đang cố kêu để chiêu dụ mà tìm cho được một bạn tình để cùng đến chung sống với chúng.

Chim quốc luôn làm tổ nơi vùng đầm lầy, trên mặt những lùm cỏ lùng giữa bàu nước,chim quốc mái đẻ có thể từ 4 đến 8 trứng,vỏ quả trứng chim quốc luôn có màu xanh nước biển, lúc chim con mới nở chúng có màu đen.Chim quốc bố mẹ thường chăm sóc cho bầy con trong cả vài tháng trước khi chúng trưởng thành.Một khi đã trưởng thành, chúng sẽ tự tìm kiếm thức ăn,và cũng biết cách lủi để trốn tránh kẻ thù, giống như chim bố mẹ của chúng vậy.

Để làm rõ ý nghĩa hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan bên trên,tôi tìm trong sách được hình ảnh con Đa Đa, sao chép lại bên dưới để giới thiệu cùng mọi người, giúp mọi người biết một cách trọn vẹn hơn về cái tên Đa Đa, bởi thực tế giống Đa Đa nầy,không hề có mặt tại xứ ta,vì chúng là loài chim luôn sống trên tận vùng núi cao.

Chim đa đa (ảnh minh
họa).

(chim Đa Đa)

Riêng với cá nhân tôi,tôi đã có nhiều dịp được nhìn thấy tận mắt loài chim nầy rồi, là vào những năm làm anh tù cải tạo tại xứ Na Sơn, những ngày đi lao động tại thôn Đông Bình lúc trở về, tại các khu vườn hoang sát bên đường đi có nhiều loài chim đang bươi tìm mồi nơi đó,có khá nhiều chim trĩ và có cả chim Đa Đa, cùng với một số loại chim khác nữa,chúng khá dạng dĩ, người cứ việc đi ngoài đường,chúng cứ bươi tìm thức ăn bên trong bờ vườn mà không hề biết sợ.Đa Đa hay còn được gọi với một tên khác nữa là “Gà Gô”,một loại chim hoang dã nhưng hình vóc rất đẹp với bộ lông pha trộn ba màu trắng đen vàng,sự pha trộn các màu gắn khít liền nhau tạo thành một bộ lông có màu “nổ” phủ khắp toàn thân.Chim Đa Đa thuộc giống gà, do vậy mà cặp chân của chúng giống nguyên loại gà,thấp chỉ với mức độ trung bình,chân chim trống luôn có cựa nhọn nằm bên trên cách bàn chân vài phân tây về phía sau, cặp chân đa đa luôn có màu da vàng đậm.Đầu loài chim nầy nhìn giống đầu của loài “cuốc mầm”,gồm màu xám bên dưới hầu,tiếp theo một vệt đen nhỏ nối từ khóe miệng cho đến tân cổ,tiếp theo là một vệt lông màu trắng chạy dọc nằm bên dưới mí mắt, trên mí mắt gồm một vệt lông màu đen khá lớn,tiếp giáp với chốp đầu,chốp đầu được phủ bởi một chòm lông mịn màu vàng nhạt,đặc biệt mỏ loài chim nầy giống nguyên mỏ loài gà,nhưng toàn một màu đen nhánh, đối lập lại mỏ loại gà luôn với một màu vàng đậm.

Tôi thì không nuôi chim quốc,nhưng chim quốc có giá lắm,nếu nuôi được một con chim mồi hay.Có một người thuộc lớp tuổi đàn anh là dân Tam Kỳ mà tôi hân hạnh đã có được quen biết với ông ta,đó là ông Vũ Khắc Trạch xã trưởng xã Tam Kỳ, vào khoản thời gian đầu thập niên 1960,lúc bấy giờ ông ta còn đang sống tại quê,tôi đã được nhiều người bạn kể cho nghe.Ông Trạch đã đổi một con chim quốc mồi với giá bằng một mẫu ruộng tốt của ông ta,lúc nầy lúa mới 8 đồng một ang năm ký.Một mẫu ruộng chắc phải bán trên 10 ngàn đồng tiền thời Đệ nhất Cộng Hòa.Để thỏa mãn tính hiếu kỳ mà thôi,con chim quốc mồi hay nó đã trở thành như vô giá là vậy,không phải chỉ mỗi trường hợp nầy đâu,mà trong cuộc sống chúng ta thường thấy nhiều trường hợp xảy ra tương tự nhiều lắm,nhất là loại chim “cu mồi”.

Loài chim nầy cũng khôn, vào khoảng giữa thập niên 1980,cậu em vợ tôi,ông Nguyễn đăng Dinh tức là cậu của các cháu nhà tôi,ông cậu nầy cũng có nuôi được một con chim quốc rất khôn,nhưng mà ông cũng chẵn dùng vào việc làm chim mồi đi nhử,vì lúc nầy phải lo chạy kiếm miếng ăn đã khờ cả người rồi,còn đâu tâm trí mà lo cho cái việc tiêu khiển đi nhử chim. Con quốc nầy của cậu Dinh,ông thả nó sống trong nhà,nó đuổi gà giỏi lắm,không một con gà nào dám bước vào nhà,nhờ vậy mà nền nhà sạch không có một bãi phân gà,mặc dầu nhà nuôi nhiều gà, Vài trường hợp mà tôi biết về loài quốc là vậy.Còn với mọi người,quốc thuộc vào loài chim hoan dã mà con người luôn dùng nó vào việc làm thực phẩm mà thôi,nó cũng như những loài chim khác lúc mà đã bắt được chúng.

Câu chuyện đi lùa cuốc :

Tại làng chúng tôi,đồng ruộng có những vùng cao,dân chúng dùng trồng mía thay cho lúa như vùng Ao Hạp,Đồng Quân,Gò Vàng,Chè Re. Nhiều loài chim nào là quốc,tằng hăng,cút mầm,cò ma,cò lửa bọn chúng thường dùng nơi nầy để trú ngụ, mà kiếm ăn nơi các đám lúa vùng chung quanh.Lợi dụng ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ học,bọn trẻ chúng tôi tổ chức đi lùa “cút”.Vào lúc nầy, dụng cụ mà chúng tôi dùng để thực hiện công việc lùa “cút”,là những tấm mành mành tự đan bằng tre,cùng với cái đó tròn cũng tự đan bằng tre.Thường thường nhóm chúng tôi gồm 4 anh em,đều là anh em trong nhà,nhưng cũng là 4 cậu học trò.Học trò nên phải lợi dụng ngày nghỉ học,mới tổ chức được cuộc giải trí để giúp cho bớt căng trí não mà được thanh thản một chút.

Chúng tôi vác dụng cụ ra nơi các đám mía giữa đồng,đầu tiên là ngắm nhìn để chọn địa thế thích hợp cho từng mỗi đám mía,thường thì chọn một góc cho dễ dừng mành mành.Một khi đã nhìn mà chọn được địa thế xong, chúng tôi dùng mành mành để giăng hai đường tạo một góc nhọn,mỗi đường bằng cách nối nhau 3 tấm mành mành, hai đầu tấm mành được nối lại bằng một cây ghim, và giăng hai đường đâu với nhau ở hai phía,như hai cạnh của tam giác, tạo thành một góc để hứng chiếc đó,đó là cửa mà chim phải rúc vào, một khi chúng bị ta lùa với những tiếng “diều, diều"làm cho chúng sợ mà lủi chạy về phía trước. Khi đã sửa soạn hoàn tất các công đoạn,mấy anh em đi lại nơi góc đối diện của đám mía, chia nhau mà rúc vào,rồi cứ vừa đi tới chậm chậm, vừa dùng miệng kêu lên tiếng “diều,diều” thường thì kéo dài tiếng diều diều như vậy cho loài chim nghe mà sợ để chạy về hướng tới trước, tức là hướng có cái bẫy gồm mành mành cùng chiếc đó đã được giăng ở đấy. Hai người đi khóe phải đi nhanh hơn một tí để giữ hai đầu mành mành không cho chúng chui ra ngoài, hai người đi khoảng giữa,đi chậm hơn một tí,khi đến gần sát nơi đặt đó,tiếng diều nhặt hơn để thúc cho bọn chim rúc vào đó.

Trò giải trí nầy của mấy anh học trò chúng tôi,đôi lúc trúng lắm cũng kiếm được năm bảy con,có hôm được rất ít,nhưng loài chim quốc thì may mắn lắm mới bắt được một vài con, còn đa phần là bắt được các loại chim như tằng hăng,cút mầm,cò lửa, cò ma.Chung quy cũng chừng đó loại chim có thể bắt được trong những lần tổ chức đi lùa cút.Vì đã có ý định là làm thịt tất cả để ăn chơi,nên phần lớn dùng thịt chúng mà bằm thật nhỏ,ướp gia vị để cho thấm rồi xào dùng để trộn vào nồi cháo,làm như vậy thì cháo mới ngon, ngọt hơn. Bên cạnh đó chỉ luộc một số ít để chặt phay, làm mồi mà nhâm nhi với rượu đế.Chỉ là trò chơi của lũ nhóc học trò chúng tôi mà thôi,nên lúc nhấm tí rượu vào miệng, thì đứa nào cũng hít hà vì chất cay của rượu,nhưng vẫn làm ra vẻ như uống rượu rành lắm.

Đây là trò mà bọn trẻ học trò nhà quê chúng tôi thường tổ chức để giải trí, nhân những ngày được nghỉ học,tuy không phải là trò chơi gì to tác,nhưng cũng là một trò chơi khá hữu ích,vì lần nào đi thì cũng không về tay không dù rằng dược rất ít nhưng cũng vẫn bắt được chim, do vậy chúng tôi luôn có được món cháo và có cả món thịt phay, tuy là rất ít. Tổ chức cách giải trí như vậy, đối với những anh học trò nhóc như chúng tôi,cũng là một cách giúp làm thư giản tâm trí để đầu óc được thanh thản hơn,rất hữu ích trong việc học tập tốt hơn, nhất là những lúc bị căn, bởi những tuần lễ phải học bài thi lục cá nguyệt mới vừa xong, là lúc tâm trí bị gò nặng trĩu .

Bài viết chỉ để giới thiệu về loài chim “Quấc” hay “Quốc” chung cùng với các loài chim mà cộng đồng của chúng đã sống cùng với bà con trong chòm xóm chúng ta vào những ngày trước.Chỉ để điểm danh chúng mà thôi nên đến đây xin được dừng lại, vì nó chỉ thuộc về phạm vi điểm danh mà thôi./.

Viết xong ngày 01 tháng 03 năm 2025,

Phan công Thạnh

____________________________________

14) CHIM CÚT

Bây giờ đến lược phải điểm danh về một loài chim, mà chúng ta thường nghe các bà nội hoặc bà ngoại, lúc nằm cùng với mấy đứa cháu nhỏ mà hát ru, “bớ nầy, con cút cụt đuôi,ăn bờ ngủ bụi, ai nuôi mi ú ù”. Một khi nghe các bà hát ru như vậy,là lúc các bà đang muốn nói “nựng” để bày tỏ cái tình thương đối với đứa cháu nhỏ của mình, lúc mà các bà đang nhìn vào làn da thịt hồng hào,trắng trẻo, một cách đáng yêu từ đứa cháu nhỏ của mình.Với chúng ta,mỗi lần được nghe những lời hát ru của các bà như vậy,cũng là lúc nhắc chúng ta liên tưởng ngay đến một loài chim, một loài chim có thân hình tuy nhỏ, nhưng tròn trịa,không có đuôi,do vậy đã tạo thành một cục thịt mập tròn, rất hấp dẫn,mà con người luôn hình dung đó là một cục thịt béo ngậy, nhìn chúng lúc nào cũng rất mập, từ cái mập ấy của chúng, đã giống như các bà hát ví là “mập ú ù”.

Thân hình loài chim cút,có thể ước chừng chỉ lớn bằng một nửa loại chim bồ câu,vì nó tròn trịa, ngắn mà thịt chắc nịch. Chim Cút có thân hình dài độ chừng 12cm,nặng từ 100-120g.Bộ lông chim Cút dày,thường có màu nâu,giữa cộng lông có một chấm đen, tạo cho mình cút thành màu lông nổ, với một thân hình thật tròn,do vậy nên ta thường gọi chúng là cút mầm.Đầu và mỏ của chim cút nhìn giống nguyên như loại gà,đôi chân thì giống nguyên đôi chân gà,thường có màu da vàng rất dễ nhìn. Chim Cút không thể bay xa,chúng chỉ bay từng đoạn, từng đoạn khi mà bất thần chúng gặp phải người,hoặc gặp phải một sự cố bị rượt đuổi bởi từ một con vật nào đó chẳng hạn,chúng chỉ bay chừng vài,ba chục mét là phải hạ cánh ngay.Ngày ngày chúng sống yên vui trên mặt đất, nơi những vùng đất khô ráo để tìm thức ăn,chúng ăn các loại hạt thuộc nông sản như lúa,đậu,mè,mà thức ăn chính là các loại hạt cỏ,và kể cả lá cỏ, bên cạnh đó là một số loại trái cây nhỏ chín mọng nơi bờ bụi, một đôi lúc chúng cũng bắt và ăn các loại côn trùng nhỏ như châu chấu,các lọai sâu xanh,sâu đất tức những loại côn trùng mềm,mà không có xương sống..

https://genk.mediacdn.vn/139269124445442048/2023/6/6/1685502182871933874994-1686030031650-16860300320631469879824.jpg

(chim Cút)

Vì là loài chim sống trên mặt đất,nên chim cút thường sống ở nơi đồng cỏ,nơi gò đống có cây bổi thấp,bụi cỏ xanh tốt là nơi chim cút luôn chọn làm chỗ để ẩn mình một cách rất kỹ, vì vậy chúng ít xuất hiện trước mắt con người. Chúng ta chỉ gặp chúng trong một số trường hợp nhất định,đó là lúc chúng đi dạo để kiếm ăn.Nơi vùng thổ khô dọc theo bờ sông Ly Ly,chúng ta chỉ trông thấy chúng chạy lủi nơi rảnh các vồng sắn,vồng khoai.Nhìn thấy chúng nhiều nhất là tại các đám đậu phộng,nơi ấy có lẻ là nơi mà chúng thích chọn để làm chỗ cư trú vào mùa khô, chúng thường chạy lủi nơi các đường rộc giữa hai hàng đậu của đám đậu, thường thì loài chim cút cũng rất thích chọn các nơi đám đậu để làm tổ vào mùa chúng sinh sản.Ở những vùng gò đống ,chim cút thường chọn những lùm cỏ tốt,hay những bụi cây nhỏ để làm tổ bên dưới gốc, chúng luôn dùng bộ cánh để vùng nơi mặt đất một lỗ sát bên dưới lùm cỏ hay bụi cây, rồi mới tha những dây cỏ cùng một số rác khô,đem về mà vầy cái tổ tại nơi đó, bởi nơi đó là chỗ chúng đã chọn được địa thế tốt, khá kín đáo có thể che kín cho tổ của chúng.

Tổ của chim cút rất khó nhìn thấy, chúng bươi nơi gốc cây đậu giữa đám mà làm tổ,do vậy họa hoằn lắm thì ta mới bắt gặp được một tổ của chúng ,nép mình giữa hai gốc cây đậu thật kín. Tuy nhiên ,chúng ta lại thường thấy hai anh cút là cha mẹ dẫn một đàn ít nhất là từ bốn,đôi khi một đàn nhiều hơn những chú cút con đi dạo để kiếm ăn, nơi các rảnh đậu hay tại các vùng đất gò cũng vậy. Thân hình bọn cút con vào lúc nầy mới chỉ lớn hơn ngón chân cái một chút,chúng chạy theo cha mẹ chúng đi dạo nơi các vùng cỏ thấp để kiếm ăn.Đến mùa sinh sản,chị chim cút mái có thể đẻ từ 4 đến 8 trứng, khi đẻ xong là chị ta phải ấp tới khoản 17 ngày sau nữa,thì bọn chim con mới nở. Một điều đặc biệt về loài chim nầy là: tuy hình vóc còn rất nhỏ,nhưng bọn cút con có thể đi theo cha mẹ chúng để kiếm ăn ngay khi chúng vừa mới rúc ra khỏi vỏ trứng, chúng không phải nhờ đến sự mớm mồi từ cha mẹ như các loài chim khác.Và như vậy chúng sẽ trưởng thành chỉ vào khoảng 40 ngày sau, lúc bấy giờ chúng có thể đẻ trứng ngay.Vì vậy loài chim Cút đã được xếp vào loại “Mắn” đẻ nhất.Hiểu biết được từ ưu điểm nầy nên chim cút đã được con người thuần hóa để nuôi như gia cầm,mà dùng vào việc phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, để tạo nguồn thực phẩm phục vụ cho đời sống con người,vừa cả về hai dạng: cả thịt cút và cho cả trứng cút. Xử dụng như vậy là giúp cho đời sống con người hằng ngày có được nhiều chất bổ dưỡng ,vì cả thịt và cả trứng cút đã được ngành đông y nghiên cứu cho là rất bổ,giúp con người trong việc bồi bổ cơ thể để tránh sự suy nhược.

Chim cút thường sống lẻ từng cặp gồm một mái và một trồng,thân hình chim trống luôn nhỏ hơn chim mái,nhưng chim mái thì không bao giờ biết hót,mà chỉ biết hót là mỗi mình anh chim trống, nhưng chúng thường kêu với vài âm và tùy vào mỗi lúc mà chúng kêu.Thông thường lúc cần gọi bạn, chim cút kêu với âm “Um,um,um” khá dễ nhại theo.Muốn nhại theo thì phải ngậm kín miệng lại , nống hơi lên để dùng âm mũi mà kêu cho thành tiếng là: um,um,um ... phải làm như vậy thì tiếng kêu sẽ nghe giống nguyên như tiếng cút.Còn một loại tiếng nữa cái âm rất nhẹ mà nghe như “ắt,ắt,ắt...” đó là lúc có thể anh chàng chim trống đang túc,mà chiêu dụ bạn tình của anh ta là chị chim mái.Chú ý: tiếng kêu ắt,ắt,ắt nầy cũng phải dùng giọng mũi mà kêu nhè nhẹ, thì mới giống, kêu bằng âm ấy cốt là anh chim trống dùng lấy lòng chị chim mái. Thành thử lúc đi chơi um cút,ta phải biết kêu cho cả hai âm,thì bọn cút nghe mới giống giọng kêu của đồng loại nên chúng mới mau chạy đến để mà tìm, và như vậy mới mắc vào lưới chúng ta giăng.

Chim cút là giống chim được cho là “mắn” đẻ,ngoài thiên nhiên không biết chúng đẻ bao nhiêu lứa trong một năm. Nhưng một khi đã được thuần hóa dùng vào ngành chăn nuôi công nghiệp,chim cút đẻ được 300 quả trứng trong một năm,nhiều hơn gà,loại gà chỉ đẻ được tối đa là 280 quả một năm.Về mặc sinh học,cặp buồng trứng của loài chim cút thường cấu tạo từ 2000 đến 3000 tế bào trứng, do vậy mà loài chim cút mới có khả năng đẻ trứng rất cao như vậy.

Loài người đã thuần hóa chim cút,để tạo chúng thành một loại gia cầm. Vào khoảng 30 năm trước cho đến nay,hai anh cháu thúc bá của tôi bên nhà,chúng đã nuôi chim cút làm nghề sinh lợi để góp phần cho cuộc sống của gia đình.Trước đây thì giá cả khá tốt,kiếm được lợi nhuận tương đối tốt,mấy năm gần lại đây,nền kinh tế tại Việt Nam bị te tua,nên việc chăn nuôi cút,không đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên,thức ăn của chim cút không nhiều lắm,nên cũng dễ nuôi,tuy không lợi nhiều, nhưng mấy anh cháu nầy vẫn còn tiếp tục,chỉ kiếm đủ tiền chợ hằng ngày,công việc không nhàn,nhưng chỉ làm việc nơi bóng mát,khá hơn những người nông dân phải dang nắng ngoài đồng ruộng..

Chim cút sống ngoài thiên nhiên,thì thịt rất thơm ngon,chỉ cần vài con là có được một nồi cháo thật hấp dẫn.Trước năm 1975,tôi với Ngô Thanh,dân họ Ngô Phú Thọ,tỵ nạn tại Hà Lam. Nhân những buổi chiều thứ bảy nghỉ việc, những hôm mà cả nhóm bọn tôi không tổ chức trò chơi lớn hơn là đi săn chồn,thì hai thằng bọn tôi dông xe xuống trãng Nổ Bình Giang, để làm công việc um cút.Ngô Thanh um rất giống,giống lắm.Tuy không chơi trò nầy thường xuyên,nhưng lâu lâu lại tổ chức đi một bữa, có hôm được khá nhiều đến 5,7 con,có hôm chỉ được một vài thôi,tuy nhiên,chỉ một vài là đủ tạo được một nồi cháo thật ngon, hấp dẫn lắm rồi, vì vậy mới nói chim cút ngoài tự nhiên thịt thơm ngon tuyệt diệu là vậy.

Chim cút đã được thuần hóa và đưa vào khai thác vì đã phát hiện ra nhiều lợi ích về dinh dưỡng từ loại chim nầy,nên ngành đông y lại xử dụng khá nhiều và được xếp vào thương phẩm là sâm động vật.Có lẽ đã từ rất lâu, chim cút được nuôi ,được làm thịt sẵn để bán ngoài thương trường. Sống tại Mỹ, cứ một, đôi tuần,các con nhà tôi cũng mua một đôi thùng đem về ướp để rôti cho cả nhà nhâm nhi,mấy cô gái là con gái và cả con dâu nhà tôi chúng nói loại thịt chim cút nầy cũng rẻ,chỉ đâu khoảng hơn ba mươi đồng một thùng cỡ được chừng 3 ký. Các cháu cũng thích,nên tôi luôn được ăn loại thịt chim nầy đều đều.Ướp kỹ,chiêng giòn ngon lắm.

Tạm ngưng bài khảo sát và điểm danh về loài chim cút tại đây,bởi quan sát về chúng đã tương đối kỹ,nhìn chúng thì khó thấy vì phần lớn là chúng ẩn mình nơi bờ bụi,dưới đám cỏ xanh nên khó nhìn thấy,nhưng cộng đồng của loài chim nầy phát triển ngoài thiên nhiên thì nhiều lắm,nơi nào ở xứ ta cũng đều có mặt chim cút cả.

Ngày 05/3/2025.

Phan công Thạnh

____________________________________

15) CHIM CHẤT HOẠCH

Dân chúng sống nơi xứ ta thường gọi tên loài chim nầy là “Chất Hoạch"nhưng trong sách vở thì người ta gọi chúng với cái tên là Hoành Hoạch, người miền Nam gọi chúng là Trào Trảo.Tạm thời chúng ta chỉ biết như vậy để phân biệt về tên gọi của loài chim nầy là như vậy, để dễ hiểu biết bởi những cách gọi từ tiếng giữa các địa phương với nhau, để biết về hình dạng loại chim nầy, dù với cách gọi nào thì chúng ta cũng hiểu, và phân biệt được về loài chim nhỏ con nầy.Riêng tại thôn làng chúng ta loài chim Chất Hoạch, chúng luôn có mặt tại khắp vùng nơi thôn xóm chúng ta, vào một khoản thời gian nào đó đã rất lâu, lâu từ trước.Vì vậy chúng ta cần điểm danh và ghi tên chúng vào danh sách, những loài chim đã có mặt trên vùng lãnh thổ nơi xóm làng chúng ta, vào những ngày xa xưa ấy để mà nhớ và biết.

Chim Chất Hoạch, chúng thuộc vào lớp có ngoại hình khá nhỏ,nhờ bộ lông che bên ngoài xồm xào, chứ thân xác chúng nếu một con đã trưởng thành rồi, cũng chỉ lớn hơn loài chim sẻ một xíu thôi,nhưng chúng có màu sắc từ bộ lông lại gây ấn tượng nhiều.Thân hình chúng có bề dài đo được cỡ chừng 15cm,với một trọng lượng cũng ước chừng từ 5 đến 7 gr.Loài chim nầy được các nhà nghiên cứu phân tích, mà chia chúng ra nhiều nhóm tùy vào màu lông khác nhau từ mỗi nhóm.Nhóm thứ nhất là một loài có bộ lông màu hơi vàng nơi sau phần lông cánh,cùng với bên dưới đuôi,tức nơi vùng hậu môn,cũng như bên dưới vùng yết hầu và trên chốp của đầu. Trên toàn phần lưng kể cả cánh lông có màu xám, pha một chút màu vàng dợt, bên dưới phần bụng chạy về phía trước giáp với cổ, lông có màu xám dợt,phần sau giáp đến cặp đùi của chân,lông lại có màu trắng pha thêm một chút màu xám.Loại nầy bộ lông có khá nhiều màu phân bố từng chòm,từng chòm,nên phải quan sát thật kỹ để mới phân biệt cho khỏi sự nhầm lẫn.

Loại thứ hai,được gọi với tên là Hoành Hoạch thơm,toàn thân có một màu lông xám,đặc biệt là trên đầu có thêm mấy sọc lông vàng,bên dưới yết hầu,nơi chót cánh và đuôi, cùng với phần bụng toàn một màu lông trắng.Loài chim thuộc nhóm nầy có tiếng hót rất hay,rất dòn.Cái ưu điểm thuộc về nhánh của loài chim nầy là rất chung thủy,chúng cũng sống thành từng cặp.Vào mùa sinh sản thì chim mái chỉ đẻ từ 2 đến 3 trứng mà thôi.Còn vài ba nhánh có tên gọi khác nhau,tất cả đều dựa vào màu lông của chúng mà phân thành.Ví như: Loại Hoành Hoạch núi,toàn thân có màu lông nâu đậm.Đôi mắt láo liếng trông giống như hai hạt cườm màu trắng,chúng cũng thường sống từng cặp và cũng rất thủy chung. Một loài nữa mà người ta gọi là Hoành Hoạch lá ủ,loài nầy bộ lông có màu vàng của màu nghệ khô,hai bên má và chóp đầu đều có sọc bởi lông màu trắng,Loại nầy thì tiếng hót rất hay.Hầu như tất cả các loài chim Chất Hoạch (Hoành Hoạch) loại thức ăn chính mà chúng thường dùng là loại trái cây chín,cùng một số các loại côn trùng như châu chấu,cào cào,giun đất,thức ăn thích nhất của chúng có lẽ là trứng kiến.Hầu hết các loại thuộc về loài chim Hoành Hoạch, mỏ của chúng đều có màu đen,nhỏ mà khá nhọn.

Chim Hoành Hoạch ăn gì? Sống ở đâu? Có nuôi được
không?

(chim Chất Hoạch)

Các loài chim có nhiều màu sắc như trên,thông thường chúng không có mặt ở xứ ta,mà ở vùng ta thường có mặt một loại chim Chất Hoạch có lông toàn màu xám,phần chóp bên trên đầu thì thấp, bên dưới hậu môn lông có màu hơi vàng một tí.Đặc biệt nơi con chim trống cái đóm vàng nầy đậm hơn chim mái , đây là dấu hiếu giúp chúng ta cách nhìn để nhận dạng mà phân biệt về giới tính của loài chim nầy.

Trong tự nhiên loài chim Chất hoạch thường sống trong các khu rừng có nhiều cây thấp,vì vậy mà nơi các bờ bụi ở xứ ta là nơi rất thích hợp cho loài chim Hoành Hoạch sinh sống,thường ngày ta đều thấy chúng chuyền nhảy trên các bờ tre,nơi có nhiều cây chói có độ cao vừa phải.Tại xứ ta vào lúc bấy giờ cũng không một ai nuôi lòai chim nầy,nên chúng ta cũng không được thưởng thức tiếng hót của bọn chúng ra sao cả!.Tuy nhiên,loài chim nầy về phương diện chung,chúng cũng có tiếng hót hay,còn ở xứ ta,vào một số buổi trưa mùa hè,chúng tập trung để xúm lại với nhau thật đông,rồi chúng thi nhau mà kêu “Chất hoạch,chất hoạch,chất hoạch...” nói liên hồi thật mau đã tạo nên một sự ồn ào,nhưng tiếng kêu “Chất Hoạch,chất hoạch"của bọn chúng cũng lại khá vui tai,do vậy bọn trẻ con trong xóm,cứ mỗi lần nhìn thấy chúng chim tụm lại,thì cả bọn chạy theo để xem coi, nên chúng nghe rất rõ tiếng kêu của loài chim chất hoạch,sau đó thì bọn trẻ mới nhại lại rất là giống hệch “Chất Hoạch,chất Hoạch,chất hoạch ...” Khi chúng nói thật nhanh thì tiếng chúng nhại cũng rất là giống tiếng kêu của loài chim nầy vậy .

Tuổi thọ của loài chim Chất Hoạch theo ước tính của các nhà khoa học, thông thường chúng sống được trên 10 năm.Loài Chất Hoạch sinh sản cũng thường là vào giữa mùa xuân cho đến đầu mùa thu thuộc vùng khí hậu ôn hòa ở xứ ta.Chúng thường làm tổ trên những chán nơi các nhánh cây rất chắc chắn, khi làm tổ thì con trống lo việc tha rác, mà chú trọng nhất là tìm các giây cỏ khô,cùng với những lá cây khô để mang về,chị chim mái thì lo việc xây tổ,chị ta dùng mỏ mà đan quanh thành một cái tổ có hình dạng như cái chén để làm chỗ nằm mà đẻ trứng,mỗi lần chị chim mái chỉ đẻ từ 2 đến 3 trứng mà thôi.Trứng của chúng có màu tím hoa cà nhạt, với rất nhiều đớm nâu trải đều trên khắp bề mặt quả trứng.Trứng chỉ lớn cỡ 12mm chiều dài,bề rộng được đo nơi giữa trứng chỉ cỡ 16mm đường kính. Chim mẹ phải ấp trứng trên 12 ngày thì mới nở con xong,chim con được bố mẹ tìm các loại con trùng mềm như sâu bướm,trứng kiến để mớm cho chúng vào thời gian đầu còn nhỏ,khi chúng lớn hơn một chút,bố mẹ chúng có thể cho chúng ăn các loại trái cây chín mọng. Trứng và chim con là thức ăn thường làm mồi cho các đối tượng là loài chuột, rắn,Bìm Bịp.Điều đặc biệt là chim mẹ rất khôn,một khi phát hiện ra có sự nguy hiểm bởi các sự cố trên, chim mẹ thường giả vờ bị thương hay giả chết để đánh lạc hướng kẻ thù, coi ra thì chúng cũng khôn đáo để đấy,hiện tượng trên là do các nhà khoa học nghiên cứu về loài chim nầy đã phát hiện ra,giúp chúng ta biết được về bản tính tự vệ của chúng.

Cộng đồng của loài chim Chất Hoạch sống ở vùng nông thôn xứ ta,chúng thường tập trung phần lớn là tại các vùng bìa núi Dàn,núi Cấm, núi Đượm, các bờ thổ chung quanh nơi bờ sông Ly Ly,mà nhất là các bờ vườn gần với người canh tác,tại các nơi nầy thì chúng tìm được rất nhiều mồi, bởi cuộc sống của chúng rất an toàn,vì dân chúng tại xóm làng ta rất hiền,không bao giờ đụng đến chúng,nhiều khi họ phát hiện ra các tổ chim con cũng không bao giờ lấy phá.

Chúng ta hiểu tất cả về các đặc điểm của loài chim Chất Hoạch nầy,qua các phần quan sát và phân tích bên trên,như vậy là tạm đủ,nên xin được dừng lại tại đây./.

Ngày 07 tháng 3 năm 2025.

Phan công Thạnh

____________________________________

16) CHIM CHẤT MÀO (Chào Mào)

So với Chất Hoạch,thì chim Chất Mào, (Chóp mào, Chào Mào) là loài chim đẹp, chúng có ngoại hình nổi bật,với một bộ lông mướt mà và mịn.Chất mào cũng thuộc vào loại chim nhỏ con, được ghép vào dòng họ của bộ sẻ, biết hót.Đời sống của chúng thích hợp với các vùng khí hậu nhiệt đới,mà Việt Nam ta là một trong những vùng đó ,nên có điều kiện để cho loài chim Chất Mào tạo lập.Chất Mào là loài chim biết hót và hót với nhiều âm tiết khác nhau,rất hấp dẫn,đặc biệt trên đỉnh đầu loài chim nầy luôn có một chùm lông mọc dựng đứng ,đầu lông chụm lại với nhau tạo thành một cái chóp nhọn,nên chúng cũng thường được gọi với cái tên là “Chóp Mào”,nhờ vào cái chóp nên rất dễ nhận dạng về chúng. Nơi phần đầu tại hai bên má có hai chùm lông trắng sát với yết hầu, phía trên mảnh lông trắng nầy là một chùm lông nhỏ màu đỏ, che đậy hai lỗ thông hơi hay có thể gọi đó là hai lỗ tai của loài chim Chào Mào cũng đúng. Toàn bộ Lông đầu và lông chóp có màu đen, lông phủ nơi phần lưng có màu nâu nhạt, bên dưới phần bụng lông lại có màu trắng, nhưng gần nơi vùng cổ luôn có hai thẻo lông màu đen từ cổ thòng xuống, giáp đến vùng ngực mà chạm gần sát với hai đầu cánh.Chòm lông nơi vùng hậu môn có màu đỏ, nên cũng thường được gọi chúng là loài chim đít đỏ. Lông đuôi dài có màu nâu,nhưng đầu các cộng lông nầy lại có màu trắng.Lông phần bên ngoài của hai cánh đều có màu nâu sẩm. Loài chim Chất Mào luôn có mỏ nhỏ mà rất nhọn,đôi chân tương đối nhỏ,thấp luôn bao bọc bởi một lớp da màu đen,bàn chân gồm bốn ngón,ba ngón trước,và một ngón sau,các ngón chân có nhiều đốt và tương đối dài,nên khi đứng các ngón chân bám quanh cành cây rất là vững chãi.

undefined

Chất Mào thường đậu trên ngọn cây mà hót vào buổi sáng,chúng ta thường được nghe tiếng hót của chúng nhiều hơn là nhìn thấy,vì chúng thường ẩn mình nơi các bụi cây rậm. Cũng như loài Hoành Hoạch,chóp mào cũng có tuổi thọ tương đối cao,chúng sống được từ 10 đến 11 năm nếu không gặp phải những sự cố gì nguy hiểm, như dịch bệnh chẵn hạn.

Tại Việt Nam ta,tùy theo vùng mà loài chim Chất Mào có những tên gọi khác nhau: Hoành Hoạch mồng, Chóp Mủ đỏ, chim đít đỏ,nhưng tên thông dụng của chúng vẫn là Chào Mào.

Trong tự nhiên chào mào thường sinh sống trong các khu rừng thấp có nhiều cây cối, hay nơi các bờ bụi tại các triền núi giáp với đồng ruộng,nơi các bờ vườn có nhà ở của dân chúng.Chúng sống thành từng đàn với nhiều cá thể,cũng chỉ bằng với một bầy chim sẻ có thể đông đến chừng cả trăm con,nhưng vẫn không đông bằng loài chim mía có cả đôi ngàn con.Chúng là loài chim biết hót, mà hót với một giọng rất hay gồm nhiều âm tiết nghe líu lo mà rất khó phân biệt để mà nhại theo.

Mùa sinh sản của chúng cũng vào khoản giữa mùa xuân cho đến đầu mùa thu hằng năm.Và mùa sinh sản thì các anh chim trống thường có màn tán tỉnh đối với các chị chim mái, gồm các động tác như cúi đầu, xòe đuôi và rủ cánh.Chúng làm tổ trên những chán của những nhánh cây chắc chắn, gồm các thành phần như rễ cây nhỏ,dây cỏ khô, có thể có một ít vỏ cây được tước nhỏ.Chúng cũng như loài Hoành Hoạch,chim trống lo việc tìm kiếm vật liệu tha về ,chim mái thì lo việc xây tổ,chị ta dùng miệng mà đan các dây cỏ, rể cây thành một vòng, tạo thành một hình tròn tương đối sâu có hình chén,đây là nơi để chị ta nằm mà dẻ trứng,cùng với việc nằm mà ấp trứng cho trứng nở con.Trứng của Chào Mào,cũng tương tự như loài Hành Hoạch, cũng có màu xanh hoa cà nhạt,trải đều với các đớm màu nâu đậm.Trứng chỉ nhỏ như đầu ngón tay trỏ,có chiều dài đo được chừng 21mm,bề rộng tức là đường kính đo được cỡ 16mm.

Mỗi lần chị chim mái cũng chỉ đẻ từ 2 đến 3 trứng mà thôi, sau khi đẻ xong là phải ấp các trứng ấy, mất 12 ngày thì mới nở con được. Khi đã có chim con,cả chim bố mẹ đều tham gia vào việc nuôi con,chúng cho chim con ăn các loài sâu bướm,trứng kiến và một số côn trùng loại mềm.Khi các con tương đối cứng cáp,chúng bắt đầu cho ăn các loại trái cây nhỏ chín mọng.Chim bố mẹ phải nuôi các con vài mươi ngày nữa thì chim con mới mọc đủ lông,đủ cánh mà tự lo cho cuộc sống riêng tư.Lúc trong tổ đang có trứng hay lúc đã có chim con,nơi đây là đối tượng làm thức ăn cho các loài chim Bìm Bịp,Chuột,và kể cả loài Quạ.Một khi cảm thấy có sự đe dạo bởi các nguy cơ trên,chim mẹ luôn giả vờ bị thương hay giả chết để đánh lạc hướng đối phương.Khi trưởng thành các con hòa vào đàn cùng với cha mẹ mà sinh hoạt chung,do vậy chúng tạo nên đàn của chúng một số lượng cá thể khá đông ,chúng thường ngủ chung nhau trên những ngọn cây,làm cho các nhánh cây thường bị rung rinh.

Lương thực thích nghi nhất của loài chim Chào Mào là các loại trái cây chín mọng,sống ở vùng nguồn chúng ăn ngay cả hạt tiêu, và cả loại trái sung chín.,cùng nhiều loại trái cây khác nữa,do vậy mà chúng cũng như nhiều loài chim khác,chúng phân tán hạt giống đối với các loài thực vật rất nhanh,những loại hạt của trái cây đã đi qua bộ tiêu hóa của loài chim,thì rất dễ nảy mầm, rất dễ lên cây con một cách nhanh hơn.

Với con người, Chào Mào là loài chim biết hót,mà hót rất hay với nhiều âm tiết độc đáo,

Do vậy chúng đã được con người đưa vào các loại chim cảnh nuôi trong nhà,vì chúng không sợ hải, nên chúng cũng rất dễ dạy,dễ tập,tóm lại chúng là loại chim lồng rất được phổ biến đối với lớp người ưa thích chim cảnh. Có điều ngày nay ở xứ ta môi trường sống của các loài chim nói chung đều đã bị phá sạch.Do vậy mà muốn tìm để nhìn ngắm các chú chim Chào Mào thân yêu của ngày xưa,toàn là việc khó làm,vì không còn nhìn thấy chúng nhảy nhót nơi bờ bụi như ngày nào nữa,mà chỉ nhìn thấy chúng bị nhốt trong các lồng do mấy người lái buôn chim cảnh ,chở chúng đi ngoài đường hằng ngày mà thôi./.

Ngày 09 tháng 3 năm 2025.

Phan công Thạnh.

____________________________________

17) CHIM SẺ

Chim sẻ là một loài chim có thân hình nhỏ được xếp đứng hàng thứ hai trong loài chim trời,chỉ sau loài chim chích tức “chim ruồi”,một loài chim nhỏ xíu mà đời sống của chúng phải bằng cách bay mà hút mật hoa.Chim sẻ được các nhà nghiên cứu chọn ghi thứ tự vào hàng đầu, đối với các loài chim có thân hình nhỏ bằng chúng, mà được gọi là bộ “sẻ” gồm một số như: chim mía, dột dột,chim sâu,chim sắt tất cả các loài chim được kể trên cũng đều được xếp chung vào bộ sẻ.

Thời gian trước, được tính từ năm 1975 trở về lui,loài chim sẻ đối với người nông dân ở xứ ta, thì không phải là loài chim xa lạ gì đối với họ, bởi vì đời sống của chúng luôn luôn rất gần gũi với người nông dân, nhận diện chúng rõ nhất là vào các mùa mà nhà nông thu hoạch lúa , khoản thời gian nầy thì hầu như tại các sân phơi mà các bà đang phơi lúa ,chim sẻ đều hiện diện một cách đông đảo suốt cả ngày, bên cạnh đó tại một số nơi mà bất kể là mùa nào, chúng cũng đều có mặt thường xuyên, đó là các nhà máy xay xát,bởi các nơi ấy luôn cung cấp thật nhiều thức ăn cho chúng, hầu như không lúc nào bị thiếu.

Vì là một loài chim có thân hình khá nhỏ nhưng rất dạng dĩ, nên chúng không những có mặt tại khắp vùng nông thôn ở xứ ta,mà ngay tại những nơi chợ búa, cả đến phố xá tại các thành thị, hầu như không một nơi nào thiếu vắng bọn chim sẻ.Đó là nét đặc biệt về đời sống cùng sự phát triển của loài chim nầy,mà mọi người đều biết về loài chim sẻ một cách khá rõ ràng.

Để hiểu biết về loài chim sẻ được rõ hơn,chúng ta hãy tìm hiểu bằng cách nhận dạng về chúng; Chim sẻ là một loài chim nhỏ con,nhưng có khả năng thích nghi một cách mạnh mẽ trong cuộc sống, bên cạnh đó chúng lại có một ngoại hình rất dễ thương.Đối với một con chim sẻ trưởng thành,chúng có chiều dài kể từ chót mỏ đến tận chót đuôi,cũng chỉ đo được chừng 12 đến 15cm,mà trọng lượng cũng chỉ từ 25 đến 35gm.Mặc dầu khá nhỏ,nhưng các bộ phận cấu tạo nên thân hình của chúng lại khá cân đối,giúp ta có cái nhìn rất dễ có cảm mến đối với chúng.

-Đầu chim sẻ nhỏ nhưng cân đối, mỏ ngắn, phần gốc của mỏ thì rất to, cứng nên mỏ chim sẻ trông chắc chắn lắm, mà chót mỏ lại rất nhọn. Tạo hóa đã ban cho chúng bộ phận nầy rất đặc biệt, giúp chúng dễ dàng trong việc làm tróc tất cả các loại vỏ của nhiều loại hạt để chọn riêng phần ruột mà ăn.Sẻ có đôi mắt tròn với màu đen lánh,luôn nhìn láo liếng mọi nơi khi nhảy tưng tưng tìm thức ăn, bất kể từ chưn các bờ phên,nơi gốc cột. Bên cạnh cái nhìn đó,một phần sẻ vẫn luôn có sự đề phòng những nguy hiểm, bất thần xảy đến để mà bay tránh đi. Bộ chân chim sẻ ngắn nhưng rất mạnh,luôn được bao bọc bởi một lớp da bên ngoài có màu đỏ nhạt,ngón chân có nhiều đốt dài giúp chim sẻ mỗi khi đứng bám thật chặt vào cành cây.

Thân hình loài chim sẻ thông thường được phủ bởi hai lớp lông,lớp lông mịn, mềm bên trong,và lớp lông bên ngoài hơi thô nhưng rất cứng,đây là bộ phận rất quan trọng,giúp chim sẻ đủ sức chịu đựng trong mọi tình huống, với điều kiện khắc nghiệt nhất của thời tiết.

Hai giống trống và mái của loài chim sẻ thường có hai màu lông tương phản nhau, nên cũng khá dễ phân biệt về giới tính của chúng.Chim trống phần trên đầu của mỏ luôn có một đường viền nằm vắt ngang ,gồm một nhóm lông ngắn màu đen,đường viền có thể nhỏ,có thể lớn một tí tùy vào mỗi con nhưng rất dễ nhìn mà thấy khá rõ.Bên dưới từ yết hầu chạy dọc đế hết phần cổ cho đến ức luôn có một thẻo lông màu đen đậm, bề rộng choáng hết phần yết hầu.

99+ Hình ảnh con chim sẻ bay đẹp để bạn ngắm nhìn -
Top10tphcm

(Chim sẻ)

Từ giáp với biên của chòm lông đen nầy,là một chòm lông tơ màu trắng rộng, giáp tới biên của lông đỉnh đầu,đó là một chòm lông tơ có màu nâu đậm,cũng có thể là màu trắng tùy vào độ tuổi từ mỗi cá thể đã nhiều tuổi hay mới trưởng thành. Chòm lông nầy lan rộng từ mắt cho đến cổ.Từ hai đầu cánh chạy vòng quanh cổ,có rất nhiều con có một đường viền lông màu trắng,mà có thể cũng tùy vào độ tuổi, nên một số con lại không thấy có đường viền nầy. Phần trên của bề mặt lưng từ đầu cánh chạy suốt đến chót đuôi,chim sẻ được phủ bởi bộ lông cứng màu nâu,cùng với một số đường sọc màu đen xuôi theo chiều xếp của lông. Các chót của đầu lông nơi phần giữa cánh luôn có một chút màu trắng, tạo nên một đường viền dạng trắng chính giữa cánh.Toàn bộ bên dưới phần bụng là lông màu xám tro. Có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều màu đen từ lông đầu,nên mỏ của chim trống cũng lại có màu đen.Khác với chim mái mỏ có màu lam nhưng có pha thêm một chút màu hơi đen.Phủ bên trên phần lưng chị sẻ mái lại toàn là một bộ lông màu nâu nhạt.Từ khóe mắt chạy ra đến cổ thay vì một đường lông màu nâu đậm như chim trống ,chị chim mái lại có một đường lông màu trắng nhạt.Toàn bộ phần bên dưới bụng bắt đầu từ mỏ cho đến đuôi,chim mái có một bộ lông mịn màu xám tro khá sáng.Với các yếu tố trên, đó là sự khác biệt giữa hai giống đực và cái của loài chim sẻ,giúp chúng ta phân biệt được giới tính của loài chim nầy một cách khá dễ dàng.

Chim sẻ tuy có thân hình khá nhỏ,nhưng lại có đôi cánh rất khỏe nên chúng bay rất nhanh,có thể đạt tới từ 35 đến 38 km/giờ,khi gặp nguy hiểm chúng có thể bay đến 50km/giờ.Tuổi thọ của loài chim sẻ không dài lắm,chúng chỉ sống được khoản chừng từ 3 đến 4 năm mà thôi.

Mùa sinh sản của chim sẻ:

Cũng như nhiều loài chim khác trong tự nhiên,chim sẻ cũng sinh sản vào khoản thời gian từ nửa mùa xuân cho đến đầu mùa thu, vì thời gian nầy khí trời ấm áp. Là loài chim sống thành bầy đàn đông đúc, nên chim sẻ dễ bắt cặp với nhau để giao phối mà sinh sản.Sau khi bắt cặp để làm công việc luyến ái ấy xong, là cả hai lo việc làm tổ để chim mái đẻ trứng. Tại vùng nông thôn quê ta, thường thấy tổ của loài chim sẻ làm trên các vách tường nhà ở,trên các máng xối,mà nhất là trên các bụi cây rậm quanh bờ vườn vì chúng luôn sống gần người.Tại nơi thành thị thì chim sẻ luôn làm tổ trên các cây trụ điện,phần khác chúng cũng làm tổ trên đầu các bờ tường nhà ở của dân chúng nơi các dãy phố.Tổ của chim sẻ luôn là một đống rác rất to,toàn là một mới hổn độn gồm nào cỏ, rát và rất nhiều các loại bông,kể cả giấy vụn và kể cả lông chim,đó là cái nền,trên mặt của cái nền ấy,chị sẻ mái mới xoay thành một cái khung tròn hình chén có độ sâu vừa phải để đủ nằm khi đẻ và ấp trứng.Do vậy mà ta thấy tổ của chim sẻ khá lườm thườm,vung vãi nếu ở trên đầu tường nhà,thì luôn luôn có rác đổ xuống khá nhớp.Chim sẻ đẻ từ 3 đến 5 trứng, và rồi cả hai đối tượng là chim bố mẹ thay phiên nhau ấp liên tục từ 14 đến 15 ngày,thì trứng mới nở chim con.Tất cả con của chúng được chim bố mẹ chăm sóc khá cẩn thận,thức ăn thật đầy đủ cho đến khi chúng lớn mà đủ sức nhập đàn cùng bố mẹ,để cùng tìm kiếm thức ăn và bắt cặp mà sinh sản.

Chim sẻ là một loài chim được đánh giá là loài ăn tạp,thức ăn của chúng gồm cả thực vật và kể cả động vật,nhưng tùy theo từng mùa mà chúng tìm kiếm thức ăn thích hợp.Với chim non,chim bố mẹ luôn tìm bắt các loại sâu xanh,ấu trùng của loài kiến để giúp cho bộ phận tiêu hóa của chim non được dễ dàng.Khi chim con đã vào độ tuổi trung bình thì thức ăn sẽ đa dạng hơn có thể gồm cả hai loại động vật và thực vật chủ yếu là các loại hạt.

Về mùa mưa,thiếu các loại hạt,chim sẻ tìm thức ăn chủ yếu là các loài sâu bọ,các loại côn trùng nhỏ như cào cào,châu chấu,bướm, một số các loại hạt cỏ nếu có.

Loài chim sẻ mang cả hai đặc tính,là loài chim rất có ích cho nhà nông,vì chúng giúp bắt được khá nhiều các loài sâu bọ,nhất là châu chấu để bảo vệ mùa màn.Ngược lại,chúng cũng bị loài người ghép vào loài gây hại cho nhà nông vì chúng thích ăn các loại hạt nhất là hạt thóc,thậm chí chúng còn ăn cả cây mạ non.Không những chỉ mỗi mình loài chim sẻ là loài chim phá hoại mùa màn,đồng bọn cùng với loài chim sẻ còn có cả loài chim mía,chim sắt nữa, nhưng mang tiếng xấu thì mỗi mình loài chim sẻ phải chịu, bởi vì chúng là loài chim dạn dĩ nhất, gần gũi với loài người nhất,do vậy mà chúng bị mang tiếng xấu.

Dưới đây xin ghi lại câu chuyện diệt chim sẻ,vì chúng đã bị ghép là loài chim có hại cho nhà nông.Đây là kế hoạch đầu tiên trong phong trào Đại nhảy vọt của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ năm 1958 đến 1962.Do tham vọng nâng cao sản lượng lương thực,bằng cách tiêu diệt các loài vật gây hại,đồng thời cũng đúng vào thời gian Đảng Cộng Sản có kế hoạch tập thể hóa nông nghiệp,để Trung Quốc mau chóng bắt kịp Tây Phương cùng Liên Xô.

Nguyên nhân phát động chiến dịch diệt chim sẻ và hậu quả phải gánh chịu.

Mùa thu năm 1956,những người tham gia hội nghị lần thứ hai của Hiệp hội Động vật học Trung Quốc cho rằng,các loài chim là thủ phạm gây ra thiếu hụt lương thực.Các nhà khoa học ước tính có 2,5 tỷ con chim sẻ ở Trung Quốc,mỗi con ăn hết 2,5 ký ngũ cốc hằng năm.Như vậy mỗi năm chúng ăn hết một lượng lương thực để nuôi sống 35 triệu người.Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Zhou Jian,một nhà sinh vật học,tin tưởng rằng vấn đề lương thực có thể được giải quyết bằng cách loại bỏ chim sẻ.Nhưng ngược lại năm 1957,nhà Điểu học Cheng Tso- Sin đã công bố bài báo “Về thức ăn của chim sẻ” khẳng định rằng chim sẻ có lợi cho nông nghiệp vì thời gian chim sẻ ấp trứng và nuôi con trùng với mùa sinh trưởng và thu hoạch lúa, nên chúng tiêu diệt được rất nhiều con trùng gây hại.Hơn nữa các giống chim sống trong thành phố và rừng rậm hoàn toàn không gây ra thiệt hại cho mùa màng. Chủ Tịch Mao Trạch Đông lại tin tưởng Zhou Jian vì có nhiều nhà khoa học ủng hộ ông ta do không muốn gặp rắc rối.

Chiến dịch được Chủ Tịch Mao Trạch Đông của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phát động. Vào ngày 18 tháng 3 năm 1958. Chim sẻ bị liệt vào danh sách bị tiêu diệt,vì chúng ăn hạt thóc,gây thiệt hại cho nông nghiệp.Theo quyết định thì nông dân Trung Quốc cần đập gõ nồi niêu,soong chảo để xua đuổi chim sẻ. Ổ chim sẻ bị phá, trứng bị đập vỡ,chim non trong tổ bị giết hết.Toàn dân Trung Quốc được huy động để diệt chim sẻ.

Mùa vụ 1958 thu hoạch có khá hơn năm trước vì không còn chim sẻ, nhưng họ đã quên đi một sự thật là chim sẻ ăn châu chấu.Sang năm 1959,châu chấu tràn ngập vùng quê tàn phá mùa màng,cùng với việc tập thể hóa ruộng đất ở nông thôn,khiến nông dân mất đi động lực sản xuất,đã góp phần tạo ra nạn đói ở Trung Quốc,mà theo ông Tân Tử Lăng tác giả quyển sách “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” đã tổng kết nạn đói làm cho dân Trung Quốc chết đến 37 triệu 5 trăm ngàn người.Theo tác giả Bia Mộ thì con số chết phải tính đến 40 triệu.Tháng tư năm 1960 Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ, (United State National Academy of Sciences) nêu lên vấn đề là chim sẻ ăn côn trùng nhiều hơn là ăn hạt thóc.Chủ Tịch Mao Trạch Đông sau đó mới tỉnh ngộ mà ra lệnh ngưng diệt chim sẻ,nhưng đã quá trễ,vì số lượng châu chấu đã bùng nỗ tràn ngập ngoài tầm kiểm soát,đã gây ra nạn đói chết người khủng khiếp như trên.Chủ Tịch Mao đã cho sửa sai bằng cách cho nhập khẩu chim sẻ từ Liên Xô,Canada.Và chỉ vài năm sau, số lượng chim sẻ tại Trung Quốc đã được phục hồi như cũ.

Tại Việt Nam,thì không nghe có lệnh diệt chim sẻ như Trung Quốc ở nửa phần đất Bắc của Bác Hồ vào thời ấy.Nhưng cái phong trào ăn thịt chim sẻ lại phát động quá mạnh từ khoản thập niên 1990 trở về đây,bên cạnh là môi trường sinh thái bị tàn phá,hết chỗ cho chim cư trú,do vậy mà hầu như loài chim sẻ coi như gần tiệc chủng.Bây giờ mấy người đi săn bắt chim, họ dùng loại nhựa thông để bắt chim sẻ tinh vi lắm,vào năm 2023 tôi về thăm nhà, một hôm đi ra vườn Mả viếng mộ thắp hương,lúc đó khoản 8 giờ sáng.Lúc đi ngang qua gò Ông Sinh,thấy anh chàng đánh bắt chim sẻ,anh ta thoa nhự thông trên dây điện thoại, để con chim sẻ mồi bên dưới,một lát có ba con chim sẻ,nghe tiếng kêu của đồng loại,chúng bay lại đậu trên dây điện,thế là chân bị dính chặt hết bay được,người nhử chim lại bắt tỉnh bơ,bỏ vào bao đựng,còn lại con chim sâu nghệ cũng bị dính anh ta bỏ lại không bắt,chắc chắn là anh chàng chim sâu nghệ sẽ bị chết khô,nhớ lại mà thương!!

Ghi lại câu chuyện về phong trào tiêu diệt chim sẻ của Chủ Tịch Mao Trạch Đông vì đó là một sự kiện đã đi vào lịch sử của nhân loại,nên mọi người cần phải biết để rút kinh nghiệm,nếu một khi được đóng vai trò lãnh đạo, thì cần phải có kiến thức rộng rãi hơn một chút. Đồng thời ghi lại cảnh tượng tại quê nhà đã nhìn thấy tận mắt về loài chim sẻ bị diệt chủng bởi tại con người quá ham ăn./.

Ngày 12 tháng 3 năm 2025

Phan công Thạnh

____________________________________

18) CHIM MÍA

Đã gọi tên của chúng là chim mía,tức đời sống của loài chim nầy luôn gắn liền với những rẩy mía,vì vậy mà con người đã lấy sự kiện có quan hệ về đời sống của chúng,để đặt tên cho loại chim nhỏ con nầy là “Chim mía”.

Chim mía là loại chim du thực, sống từng đàn đông lắm,chỉ ước đoán thôi,chứ không ai đếm được số lượng của chúng một cách chắc chắn là bao nhiêu, nhưng luôn phải tính đến nhiều ngàn con trong một đàn.Tại sao lại gọi chúng là loài chim “du thực”,vì chúng sinh sống từ đâu,sinh sản từ đâu không rõ nguồn gốc về đời sống của chúng,chỉ ước đoán thôi, có thể chúng sinh sản ở tận nơi rừng già,rất xa với loài người, nên không một ai hiểu rõ nguồn gốc về chúng.Chúng chỉ bay về làng ta vào mùa lúa trì có nghĩa là từ đầu tháng 11 ÂL và lưu trú trong những đám mía ngoài đồng trì,có khi chúng cũng bay về ngủ nơi các rẩy mía tại thổ sông, để sáng ra chúng lại bay ra đồng mà kiếm thức ăn nơi những đám lúa trì.Chúng lưu trú tại cánh đồng Thanh Ly chúng ta cho đến hết mùa lúa trì tức vào cuối tháng chạp,kể cả hết tháng giêng, khi mà thức ăn không còn kể cả những hạt lúa rớt, nên chúng lại di chuyển đi nơi khác.

Tại làng ta, đồng ruộng có nhiều vùng đất cao gieo trồng lúa không đạt được sản lượng cao,do vậy bà con nông dân phải chuyển đổi sang trồng loại cây công nghiệp dài ngày là mía.Bởi vậy tại cánh đồng Thanh Ly có nhiều vùng là mía, khi bọn chim mía bay về để kiếm ăn,chúng luôn dùng những đám mía ngoài đồng mà nương thân.Vì quá đông nên loại chim nầy đối với bà con nông dân cũng là đối tượng nguy hiểm.Những đám lúa trì chung quanh những vùng có mía,bà con phải lo đề phòng bọn chim mía.Vào giữa tháng 11 ÂL,là lúc bông lúa trì đang ngậm sữa,ruổi mà bị đàn chim nầy hạ cánh xuống, là coi như đám lúa đó gần như mất trắng. Nếu chúng nhập xuống được là chúng cắn hạt thóc để hút hết sữa bên trong,nên hạt lúa chỉ còn lại cái vỏ trấu,lúc lúa chín thì chúng cắn hạt,làm tróc vỏ mà nút hạt gạo,vì vậy đến mùa lúa trì,bà con nông dân làng ta, những người có ruộng lúa trì chung quanh những đám mía phải lo canh giữ để đuổi bọn chim mía,ngoài việc dùng thùng thiết,mâm nhom để gõ mà xua bọn chúng đi, bà con ta còn tạo thêm những anh bù nhìn,cắm đứng gần nơi những bờ mía,bằng cách thân hình các anh thì được dùng bằng chiếc tơi cánh,đầu đội chiếc nón lá,tay cầm roi để huơ mà dọa lũ chim nầy,bù nhìn thì luôn có cột sợi dây để người canh chim dật dây cho bù nhìn vung tay.Tuy nhiên phương pháp nầy cũng chỉ giúp những người canh giữ chim được một phần nào đó thôi,chứ không hữu hiệu cho lắm.Một khi đã nhìn quen mắt thì lũ chim không còn sợ.Hể bị đuổi chỗ nầy thì chúng lại bay đến chỗ khác,chúng nó ăn vội vàng mà vừa kêu ríu ra,ríu rít,chúng đông nên tiếng kêu của chúng hòa trộn vào nhau cũng làm om sòm cả một vùng trời.Mỗi khi chúng hạ cánh xuống một đám mía nào đó làm cho đám mía phải rung chuyển, nhất là về ban đêm khi chúng nhập xuống để tìm chỗ trú thân,thì chúng tạo ra sự ồn ào ghê lắm.

Chim mía có hình vóc khác hơn loài chim sẻ,thân xác thì có thể bằng nhau,nhưng đôi chân dài hơn,mỏ chúng cũng dài hơn,mà nhìn thấy chúng như toàn bộ chỉ có một màu lông nâu nhạt mà thôi. Chim mía không có mặt thường trực ở nơi làng xóm chúng ta như chim sẻ,chúng là loài chim du thực, nên chúng chỉ có mặt ở làng ta chỉ trong vài ba tháng cuối năm ÂL,và kéo dài cho hết tháng giêng năm sau là xong,tức từ khi mùa lúa trì trổ bông đang ngậm sữa cho đến lúc thu hoạch xong.Tuy là loại chim du thực,nhưng khi có mặt chúng cũng đã làm cho những người nông dân làng ta,phải lo lắng canh phòng,vì chúng luôn có một đàn rất đông mà người dân làng ai ai cũng đều biết.Vì vậy nên phải ghi lại mà điểm danh chúng,để đưa vào danh sách các loài chim vào thuở ấy,để khỏi bị bỏ sót.Chim mía cũng là loại chim phá hoại mùa màng khá độc đáo,nhưng khi những đám lúa trì đã được thu hoạch xong,chúng thường phải kiếm ăn nơi những đám gốc rạ,chúng cũng tàn sát được rất nhiều các loại côn trùng nguy hiểm như châu chấu,cào cào từ các đám lúa trì hết chỗ trú mà bay tản ra,bên cạnh đó chúng cũng bắt được rất nhiều các loài sâu nhất là loài sâu đất mới trồi từ đất lên mặt.

Bà con làng ta lo đuổi bầy chim mía thì có,nhưng không một ai sắm các dụng cụ để đánh bắt loại chim nầy.Vì vậy mà đôi lần trong mùa,tôi đã mục kích được một số bà con sống nơi các làng kế cận,họ làm cái việc bắt chim mía vào ban đêm.Chơi với cái nghề đánh bắt chim mía tuy được rất nhiều,vì bầy nào chúng cũng rất là đông.Tuy nhiên,nghề chơi cũng lắm công phu, phải bỏ công ra khá nhiều mới thu được kết quả.Chiều lại, được phân công là một người có kinh nghiệm phải đi dò coi thử, bầy chim vào buổi chiều tối hôm ấy chúng đậu nơi đám mía nào,khi đã nhìn thấy rõ rồi,phải xem hướng gió,đồng thời xem địa thế thuận lợi cho việc giăng lưới.Nhóm đi giăng bắt chim mía ít ra cũng phải từ bốn người đến năm người,hai người phải lo việc cầm sào giữ lưới,còn lại hai hoặc ba người phải chia nhau rúc vào đám mía đề mà lùa.

Tấm lưới giăng chim mía,thường không phải là lưới cước,vào lúc nầy họ đang dùng loại lưới đan bằng chỉ tơ,lỗ nơi mặt lưới nhỏ có thể rộng chỉ chừng 5 phân,gọi là lưới nửa, như vậy thì chim sẽ không bị lọt lưới được.Tấm lưới dùng vào việc nầy có chiều dài rất dài,phải giăng cho đủ bờ của một đám mía.Chiều cao phải cao hơn ngọn mía một ít,và giềng xâu bốn bên của tấm lưới cũng phải khá rộng,và được xâu giềng thật dùn,để tạo thành một cái gièo thụng phía sau.

Hai người giữ cây sào biên lưới giăng ra cho vừa bờ đám mía,rồi dựng đứng cây sào lên để giữ mà hứng chim bay vào.Hai hay ba người đi lại đầu phía sau đám mía,chia nhau rúc vào,đi thật nhẹ nhàn và cũng chỉ khua thật nhẹ,để cho lũ chim nhảy chuyền từ từ mà không bay,cứ như vậy khua động những cây mía để dồn lần bọn chim đến nơi miệng lưới.Một khi bọn chim đã dồn đến gần miệng lưới, lúc bấy giờ hai, ba người chịu trách nhiệm đi lùa, mới dùng miệng hù hù thật lớn để cho bọn chim phải nhảy hết vào thụng lưới,khi bọn chim nhảy đã vào hết nơi thụng lưới,hai người cầm sào phải thật nhanh cuốn lưới lại,tức bọn chim bị mắc hết trong lưới.Xong việc, mọi ngời lo khiêng cả giàn lưới ấy về nhà, để nơi sân rộng , lúc bấy giờ bà con mới dở lưới ra từ từ mà bắt chim.Cách đánh bắt chim mía như vậy tương đối dễ hơn,nhưng cũng giống nguyên như kiểu đánh bắt lũ chim xanh nơi eo gió của những người đánh bắt chim xanh chuyên nghiệp thường làm,cũng giống nguyên kiểu như vậy.

Có một loài chim cũng sống thành từng bầy,nhưng không đống lắm,chúng cũng bay đi kiếm ăn đâu đó ngoài đồng ruộng,hình vóc cũng gần giống như loại chim sẻ,nhưng màu lông thì gần giống như loài chim mía là có màu nâu dợt,nhiều con nơi vùng cổ lại có màu vàng của củ nghệ khô.Cộng đồng của loài chim nầy thường tước lá mía thành những sợi nhỏ dài,chúng dùng để đan những cái tổ gắng trên lá mía nơi ngọn cây mía đung đưa,mà rải rác khắp cả đám có thật nhiều tổ của chúng.Nhưng bọn chúng cũng rất thích làm tổ trên những ngọn cây cao,hoặc trên những bụi tre lá xanh um tùm mà ngọn thật cao,thường thì nơi những bụi tre gần sát với nhà ở của dân chúng, bởi chúng cũng là loài chim thích sống gần với con người,được con người gọi chúng là loài chim “Dột Dột” hay là “Dòng Dọc” theo sách vở.

Cái vui nhất vào cái tuổi thiếu thời của chúng tôi lúc bấy giờ,quanh vườn nhà cha mẹ tôi đều trồng mía,quanh xóm cũng có rất nhiều đám mía, bọn chim dột dột về làm tổ cũng rất nhiều, rúc vào đám mía,mà tìm lấy được vài cái tổ của chị chim mái,cầm ra mà làm đôi giày cỏ để đi thì vui lắm,rất êm chân,mà có thể lội ngay xuống bùn vẫn được.

https://vanhoavaphattrien.vn/uploads/images/2021/08/28/239853390-365136845242942-2314235501026195516-n-1630122810.jpg

(Tổ dột dột)

Tạo hóa đã sinh ra loài chim mà người ở xứ ta thường gọi chúng với cái tên là “Dột dột"loài chim nhỏ con mà tạo hóa đã chọn để phú cho chúng cái biệt tài, hầu như tất cả hàng triệu triệu loài chim trời, từ lớn đến nhỏ,đều không có một loại nào có được cái kỷ năng về kiến trúc làm được những cái tổ bằng cách đan những sợi chỉ tước từ lá mía ra,hoặc tước từ lá tre cũng nên,để đan một cách khéo léo thành những cái tổ quá kỹ lưỡng mà rất đẹp như mấy chị chim dột dột nầy.Chỉ dùng cái miệng nhỏ xíu,mà léo hánh xỏ các sợi chỉ dài tước từ lá mía,hay lá tre mà đan thành cái tổ đẹp và chắc chắn như vậy,quả là một nghệ thuật tuyệt vời,không những các chị chỉ làm cái tổ để làm chỗ nằm mà đẻ trứng cho an toàn,bằng cách cái vòi làm cửa tổ thật dài mà luôn chúc đầu xuống,để đề phòng tất cả kẻ thù có thể chui vào mà phá hoại.Bên cạnh đó các chị lại tạo thêm một cái tổ nhỏ có đan một dây giăng ngang,làm cái võng để tập cho lũ con tập bay.Đó là tất cả năng khiếu của một kỳ tích về ngành kiến trúc và ngành xây dựng mà chỉ có loài chim nhỏ con nầy mới có được. Mấy chị Cà cưỡng, cái tổ cũng có tạo được cái vòi để làm cửa ra vào,nhưng cà cưỡng là cái tổ lớn cửa nằm ngang sơ sài quá, mà tổ lại quá kín, nên để mấy chị tu hú lợi dụng, đẻ gởi mà nhờ Cà cưỡng nuôi con,nên dân gian mới có câu vè: “Uổn công Cà cưỡng đút mồi, để cho Tu Hú lớn rồi bay đi”.

Nói một chút về cây lúa trì:

Tổ tiên chúng ta thuộc dòng Bách Việt,lúa nước mà đã thuần hóa được rất nhiều giống lúa hoang dã,đưa vào trồng tỉa để làm mùa.Cũng mới đây thôi,vào các thập niên 1960- 1970 của thế kỷ trước,cánh đồng làng ta chưa đủ nước tưới tiêu cho đều,do vậy ruộng đất được chia ra làm nhiều loại cao thấp: loại sâu gọi là ruộng bàu thường là ruộng cấy,loại ruộng vừa dùng trồng tỉa loại lúa ngắn ngày hơn,gồm nhiều loại giống như đồi (lúa đen) ,nhe,cà đung v..v.các giống lúa nầy tương đối ngắn ngày hơn,nên thu hoạch vào khoản tháng 8,9 âl,để dọn đất cấy lại vụ lúa đông –xuân.Đông xuân là vụ lúa mùa chính,mùa nầy cấy toàn một loại giống gọi là giống “Lúa Mận” trắng gốc,hạt trắng,nhưng hạt gạo có màu đỏ,ngon cơm.

Còn lại loại ruộng cao, bà con phải gieo loại giống dài ngày,chịu nắng đó là giống lúa trì.Giống lúa nầy dài ngày phải mất hết cả 6 tháng.,Lúa trì cũng được gieo vào cuối tháng tư,chỉ sau khi gieo lúa đồi xong.Những năm trời không mưa nhiều,trên vùng đất cao,cây lúa trì vẫn chịu đứng dưới nắng mà không bị chết,đến khoản tháng 7 âl,trời mưa xuống thì cây lúa vươn mạnh lên mà tốt,cho đến tháng 11 âl,lúa trì mới làm đòng mà trổ bông,để cuối tháng 11 đầu tháng chạp thì bà con nông dân mới thu hoạch,thu hoạch vào khoản thời gian nầy,thường thì bị trùng với mùa chạp mả, tuy nhiên,tháng chạp trời đã bớt mưa mà nắng nhiều,do vậy việc thu hoạch vụ lúa trì cũng tương đối dễ chịu.Đất gốc trì bà con sẽ bố trí làm thêm mùa phụ là tỉa đậu phụng.

Cây lúa trì cao, có thể cao đến cả 1,2m,có một điều đặc biệt về giống lúa nầy.Vào tháng 11 ta,khí hậu ở xứ ta lại bị ngọn gió lào thổi xuống mà được gọi là ngọn gió tây,lạnh ghê lắm,mà đúng vào mùa lúa trì trổ bông,nếu chúng không có cái lá bẹ che chỡ thì hạt lúa có thể vướng bởi cái lạnh mà lép hết,nhưng mà lúa trì lại có cái lá bẹ luôn nằm về hướng tây,nên đã che cho bông lúa không bị vướng phải cái lạnh nhiều, do vậy, hạt lúa vẫn ngậm sữa tốt để trở nên hạt gạo đầy.Đó là cái đặc biệt của giống lúa trì,ngoài ra cơm gạo trì thì ngon tuyệt,do vậy mà ông bà ta cũng đã có cách so sánh " Nhất trì, Nhì hẻo”. Hai giống lúa nầy hạt của chúng giống nhau,hạt gạo giống nhau. Nhưng sự cấu tạo về thể chất từ mỗi giống thì khác nhau nhiều,lúa trì cao cây,gốc trắng,bông dài,hạt dài có màu nâu đỏ,phần ngoài vỏ trấu có một lớp ghim nhỏ li ti,gạo có màu đỏ mà cơm thì rất ngon,lúa trì thì chịu nắng.Giống lúa hẻo thì ngược lại,lúa hẻo thấp cây,gốc cũng trắng nhưng thân cây yếu hơn, chịu gieo cấy trên những vùng ruộng rợp bóng, ngắn ngày nên dùng gieo trồng trên loại ruộng thấp để dùng đất cấy lại mùa sau. Ngoài một số các yếu tố trên,hạt lúa hẻo từ hình thức bên ngoài lớp vỏ,kể cả bên trong hạt gạo,nó giống y hệt hạt lúa trì,cơm cũng ngon.Giống lúa hẻo thì bà con trên thôn Thạnh Mỹ luôn phải dùng,vì ruộng của bà con tại đây là loại ruộng bị rợp,vì ruộng chỉ là khoảnh đất sâu hơn nằm giữa hai dãy đất thổ được người dân khai vỡ mà làm ruộng,cây cối bờ bụi nhiều nên bị rợp.

Từ sau thập niên 1960, trở về sau,dân làng ta đã chung nhau mua và dựng máy nước,để đưa nước từ sông Ly Ly lên đồng mà làm mùa, cấy giống lúa lăng,gạo trắng, nên dân làng cũng thoát nạn đói từ đó.Từ ngày cấy giống lúa lăng,bà con làng ta cũng học được cách thu hoạch lúa là dùng bồ người đập,thay cho bò trâu đạp nên rất gọn,do vậy áp dụng vào việc thu hoạch vụ lúa trì cũng khá tiện lơi,đập và phơi rơm ngay tại ruộng, chờ rơm khô là ra cuốn mà gánh về chất lại nên rất gọn gàng.Rơm lúa trì vừa cao cây vừa cứng,nên một số bà con còn dùng làm tranh mà lợp nhà,tuy không bền lắm,nhưng cũng tạm thời giải quyết được cái khó khi mà chưa có cách giải quyết tốt hơn cho cái chỗ ở./.

Ngày 15 tháng 3 năm 2025

Phan công Thạnh.

____________________________________

19) CHIM SÂU

Chim sâu là một loài chim nhỏ con nhất trong tất cả các loài chim trời,nhưng xét cho thật kỹ, chúng là một loài chim rất có ích cho nhà nông,mà giúp ích nhiều nhất là cho những

Danh sách các loài chim Sâu phổ biển ở Việt
Nam

(chim sâu mỏ ngắn)

người trồng tỉa các loại hoa màu phụ như rau cải,nhất là các loại đậu ve cắm chói.Dòng họ nhà chim sâu thì có thật nhiều giống,nhưng tất cả cũng đều được ghép vào bộ sẻ,chúng là ngành động vật có dây sống, nên chúng nhảy chuyền rất nhanh. Chim sâu,chúng có nhiều tên gọi khác nhau mà chúng ta cũng cần nên biết để đôi lúc cần nhận dạng về chúng.Có thể gọi chúng là : Chim sâu xanh, hoặc là chim chích bông,tất cả đều có thân hình nhỏ như nắm tay em bé,chiều dài độ chừng từ 7 đến 10 cm,cân nặng cũng từ 5 đến 8 g.

Với hình thể nhỏ nhắn như vậy nhưng thân hình chúng lại tròn trịa,nên trông chúng rất là mập mạp.Loài chim sâu tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn lắm,vì nhờ vào đôi chân rắn chắc và đôi mắt rất tinh,giúp chúng di chuyển dễ dàng và linh hoạt khi chuyền trên cành cây hay nhảy nhót trên mặt đất nơi các luống rau để tìm những chú sâu trên các loại cây rau thấp,khi nhìn thấy một chú sâu là chúng liền nhảy mà đứng lên cộng lá để bắt chú sâu đó,có một số trường hợp chú chim sâu phải bu ngửa người để bắt những con sâu bu bên dưới mặt lá..Coi ra chim sâu tuy là nhỏ con,nhưng rất có ích cho nhà nông.

Chim sâu thường có đầu tròn,mỏ dày,nhọn mà hơi cong,đặc biệt lưỡi luôn có hình ống nhờ vậy khi cần chúng hút được mật hoa.Đôi mắt chim sâu thường là màu đen,có nhiều lúc nhìn hình như có chút màu hơi nâu nâu.

Thân hình chim sâu thon tròn, trên phần lưng luôn được phủ một bộ lông cánh dài,bởi hai sườn của hai cánh cụng khít vào nhau tại giữa sống lưng,nên bộ lông cánh phủ hết phần lưng che kín lớp lông vũ ôm sát vào thân, khi chim đậu trên cành,bộ lông cánh luôn có một màu xám có pha tí màu xanh dợt của lá cây,bên dưới phần bụng được tính từ mỏ cho đến đuôi gồm một bộ lông ngắn mịn,màu trắng cũng có pha một chút màu xanh dợt của lá cây,đó là lớp lông che bên ngoài lớp lông tơ ôm sát bên trong da,bộ lông tơ nầy rất quan trọng là phần giữ nhiệt cho cơ thể,để chim chống lại mọi thời tiết lúc khắc nghiệt nhất, bảo vệ sự sống còn cho loài chim nầy.Trên khắp phần đầu của chim cũng vậy,cũng được che chở bởi một lớp lông ngắn mịn xếp sát vào nhau che thật kín làn da,nên trông nơi đầu chú chim luôn có màu lông hơi láng láng.

Phân biệt về giới tính của loài chim sâu.Loài chim sâu giữa con trống và con mái đều có hình dạng na ná giống nhau cả về lông lá, và cả về hình vóc,do vậy mà những người không có kinh nghiệm, thì rất khó phân biệt được giới tính của chúng.Nhưng thật sự chúng có những điểm khác nhau khá rõ,nếu chú ý một tí thì ta sẽ phân biệt được ngay,chỉ khó là lúc chúng đang hoàn thiện bộ lông,có nghĩa là lúc chim con vừa mới lớn, đang trong độ trưởng thành.

Một khi chim đã trưởng thành,có thể phân biệt giữa chim trống và chim mái khá dễ,nếu ta biết cách để ý. Chim trống luôn có viền lông đen trước ngực đậm hơn.Đồng thời lông đuôi luôn có hai sợi dài hơn,so với lông ở những vị trí khác, mà thường được gọi là đuôi lau, trong khi đó chim mái thì ngược lại,không có các đặc điểm trên.

Thức ăn của chim sâu là các loài sâu,vì vậy chúng mới có tên là chim sâu.Ngoài ra chim sâu cũng có thể ăn các quả mọng một khi cần,đôi lúc chim sâu cũng hút được mật hoa,vì mật hoa cũng giúp cho cơ thể chúng phát triển,do vậy mà thân hình chúng nhìn thấy mập mạp,bởi tạo hóa cũng đã ban cho chúng cái đặc ân là có cái lưỡi hình ống.

Chim sâu cũng thường ghép thành từng cặp một vợ một chồng,trong mọi sinh hoạt lúc cùng đi chung tìm kiếm thức ăn,và tiếp tục trong việc sinh sản để giữ nòi giống. Tổ chim sâu luôn có hình bọng treo tòn ten,chúng dùng các sợi dây cỏ để quấn vòng quanh thành một hình tròn,mà gắng lại với nhau bằng rất nhiều loại bông, được thấm một ít nước miếng dẻo của chúng ,để gắn các dây cỏ ấy lại với nhau tạo cho cái tổ của chúng thật chắc và thật kín.Tổ chim sâu thường treo lơ lững trên những cành cây nhỏ, mà bên trên có lá che kín,hoặc bên dưới những bụi lá cây mềm như cây é chẳng hạng,tuy nhiên vị trí làm tổ khá kín,nên rất khó nhìn thấy.Chị chim mái thường đẻ từ 2 đến 4 trứng mỗi lần,và mỗi năm chỉ đẻ một lần vào mùa nắng mà thôi.Chim sâu sẽ ấp trứng trong vòng từ 10 cho đến 12 ngày,thì bọn chim con sẽ được nở ra, nhưng rất yếu chưa mở mắt và không có lông. Chúng sẽ mọc đủ lông cánh sau 15 ngày, suốt trong thời gian cha mẹ chúng phải mớm mồi.

Chim sâu là loài chim nhỏ con hơn hết trong tất cả các loài chim trời, đặc biệt chúng là loại chim có dây sống. Dây sống là bộ phận giúp chim bay nhảy rất nhanh và linh hoạt.Trên đường bay của chúng, nếu để ý một chút chúng ta sẽ nhìn thấy ngay,chim cứ bay một đoạn ngắn,là chúng lại nhắp mạnh đôi cánh một lần,mỗi lần như vậy là thân hình chim rượt nhanh hẳn lên và chim có thể bay cả trăm cây số không biết mỏi.Cặp chân của chim sâu ngắn,lông đuôi cũng ngắn, cổ cũng rất ngắn, mà toàn bộ phận cổ được che bởi một lớp lông màu trắng xám khác với lông ở các bộ phận khác.

Chim sâu rất có ích đối với nhà nông,vì chúng luôn theo sát hoạt động trong mọi sản xuất của bà con nông dân,từ các vườn tược cho đến những cánh đồng,ở đâu loài chim sâu cũng có mặt, nhờ vậy mà chúng đã tiêu trừ được vô số các loài sâu bọ.Vì quá nhỏ con, nên con người ít để ý đến bọn chúng mà thôi,nhưng thật sự cộng đồng của loài chim sâu phát triển rất mạnh,nên chúng có mặt khắp nơi,trên khắp các miền từ rừng núi cho chí đến cả các vùng đồng nội,nơi nào cũng luôn có mặt loài chim sâu.Vì vậy mà chúng là loài chim được đánh giá là rất có ích đối với nhà nông.

Chim sâu có rất nhiều loại theo các nhà khoa học họ phân chia nào là loài chim đỏ ngực,chim sâu đầu xám,chim sâu bụng vạch,chim sâu lưng nâu,chim sâu vàng lục,chim sâu mỏ ngắn,chim sâu mỏ dài, chim sâu mỏ cong,và chim sâu mỏ lớn, chim mỏ lớn là loài mà tôi đang điểm danh về chúng, vì chúng đã có mặt cùng với chúng ta từ thuở ấy. Tất cả các loại chim sâu được nêu bên trên,đều dựa vào màu lông hay một vài nét khác nhau từ ngoại hình, mà đặt tên cho chúng để dễ phân biệt vậy thôi.Nhưng trong tất cả các loài chim sâu thì chỉ có một loài rất là đặc biệt,mà ta cần phải nêu tên chúng ra đây,để mọi người nhớ lại có lúc đã được chiêm ngưỡng về chúng,bởi ở xứ ta đã có mặt loại chim nầy thường xuyên.

Tuy không biết rõ về cộng đồng của chúng có được bao nhiêu thành viên đã hoạt động tại xứ ta,nhưng chúng đã luôn có mặt là điều chắc chắn.Bởi tại vì người mình không để ý đó thôi, cứ mỗi lần nhìn thấy chúng đứng một chỗ mà bay, ai cũng nhìn chúng một lúc,rồi cười mỉm một cái mà bỏ đi,bởi vì hành động của chúng rất là khá lạ,cái lạ là tại vì trong lúc chúng đang đun cái mỏ dài vào đài hoa,đôi cánh thì nhịp lia lịa để bay, nhưng thân hình vẫn đứng nguyên một chỗ,cái lạ là ở chỗ đó,nhìn chúng giống như một chiếc trực thăng tí hon vậy. cho chim
ruồi
ăn

https://www.postposmo.com/wp-content/uploads/2020/10/Colibr%C3%ADes-2.jpg

( Chim chích bông hay chim ruồi)

Chúng được gọi là chim chích bông hay là chim ruồi,tại miền Nam Việt Nam có nơi còn gọi chúng là loài chim Bả Trầu, vì thân hình chúng nhỏ như cái bả trầu mà các bà đã nhai,chúng cũng có nhiều màu sắc sặc sỡ giống như cái bả trầu.Không những vì chúng có cái kích thước quá nhỏ,mà bởi vì chúng còn có cái màu sắc độc đáo từ bộ lông đủ màu sắc của chúng.Chúng là một loài động vật ít được chú ý đến,nhưng một khi đã biết về chúng thì lại có nhiều điểm đặc biệt cần nên chú ý về chúng vậy.

Chiêm ruồi, chúng có sắc thái tươi sáng là từ màu lông đa dạng, nên trông thật mạnh mẽ,nếu hình dung thì cảm thấy trên bộ lông của chúng giống như có những chấm lân tinh nhỏ phụ giúp,tạo cho thân hình chúng có nhiều màu sắc,từ màu đỏ rực,đến màu xanh lam,màu vàng rực,có thể là màu xanh lá cây,tất cả đều pha trộn vào nhau,tạo nên một màu rực rỡ nơi thân hình của chúng.Cái mỏ là điểm đặc trưng của loài chim ruồi, mỏ dài và rất mỏng với kích thước có thể dài bằng chiều dài của cả thân hình, mà hơi có chiều vặn lên.Lưỡi của chúng được cấu tạo là một hình ống,mà nơi chót lưỡi được chia đôi như lưỡi rắn,điều nầy giúp ích cho chúng trong quá trình tìm thức ăn,bởi chúng phải tiêu thụ một số năng lượng gấp đôi trọng lượng của chúng, vì năng lượng chúng kiếm được bị tiêu hao trong quá trình chúng luôn phải bay,vì vậy chúng phải tìm hút mật hoa mỗi ngày ít ra là 15 lần để bù vào cho đủ chỗ tiêu hao nầy.

Chim ruồi ăn gì?

Chim ruồi chúng vẫn được tính là một trong những loài chim sâu,đặc biệt loài động vật nhỏ bé nầy,tạo hóa đã ban cho chúng một đời sống khá thanh lịch,nhưng bên cạnh cái thanh lịch ấy cũng lại khá khó khăn,chúng là loài động vật phải luôn di động bởi thức ăn của chúng lại gần giống như loài ong là phải hút mật hoa.Nhưng một đôi lúc cần bổ sung cho đủ chất bổ dưỡng,chim ruồi cũng có thể ăn thêm một số những loại côn trùng nhỏ mà không có sự cố gì bất tiện đối với cơ thể của chúng.

Môi trường sống của loài chim tí hon nầy,chim ruồi rất thích hợp sống ở những vùng khí hậu nhiệt đới và khí hậu ôn hòa.Nhưng trên thực tế loài chim nầy vì phải tìm thức ăn để đáp ứng đúng cho đời sống,chúng đã phải di cư mà tỏa ra tìm thức ăn trên khắp các vùng lục địa trên bề mặt địa cầu, và rồi chúng cũng đã thích nghi được với tất cả mọi vùng khí hậu cả nóng, và cả lạnh.Vì vậy nên tại cái xứ lạnh mà chúng tôi đang ở, vẫn thấy sự hiện diện của chúng thường xuyên.Lúc còn ở bên nhà tại Việt Nam (ở quê) tôi đã nhìn thấy loài chim nầy nhiều lần.Rồi ba mươi năm nay sang sống tại cái xứ lạnh miền đông-bắc nước Mỹ,vẫn thấy trên mấy giàn mướp,giàn bí,giàn bầu mà tôi trồng trong vườn đều có mặt mấy anh nầy xuất hiện một cách thường xuyên.Như vậy tuy nhỏ con,nhưng chim ruồi đã di chuyển đi khắp mọi nơi,và cũng đã thích nghi được với tất cả mọi vùng khí hậu,nhất là khí hậu nơi vùng Bắc Mỹ mà chúng tôi đang sinh sống,lạnh và lạnh,cái lạnh được tính gần như cả nửa năm đối với người dân Á Đông.

Về cách bay và tốc độ bay.Chim ruồi có nhiều cách bay,có thể bay ngang hay bay lên,hay hạ xuống một cách rất tự nhiên.Và chúng luôn phải bay rất xa để tìm kiếm thức ăn ở những nơi tốt hơn.Khi cần phải di cư chúng có thể di chuyển với khoảng cách gần cả ngàn kilomet,một điều hoàn toàn hấp dẫn với một loài biết bay mà thân nhỏ như chúng.Chim ruồi,con vật nầy có thể vỗ cánh từ 100 đến 200 lần mỗi giây.(con số nầy là dựa vào kết quả từ các nhà khoa học dã thí nghiệm).Loài chim ruồi, chúng ta không bao giờ thấy hình bóng chúng trong các lồng chim cảnh,hay đậu trên cánh tay của một ai đó,cho dù là người ham thích chơi chim cảnh nhất cũng vậy.

Đôi chân của chúng chỉ dùng để đậu trên cành cây,chúng không biết đi và chạy trên mặt đất,vì vậy cách duy nhất để di chuyển là chúng phải bay.Chim ruồi,chúng có cuộc đời hầu như không dài lắm,phần lớn chúng khó qua được khoảng thời gian trong một,hai năm đầu,bởi sự cam go của cuộc sống là phải tìm hút mật hoa. Trung bình chúng bị mất khoảng 50% số lượng vào khoảng thời gian nầy. Những con may mắn đã vượt qua được thời kỳ đó,thì có thể sống được từ 7 đến 10 năm.Chim ruồi, chúng phải ăn từ 8 đến 10 lần trong một giờ,như vậy trong một ngày chúng phải ăn trên 200 lần,mới bù đắp đủ sự tiêu hao năng lượng vì sự quạt cánh để bay trong lúc đang hút mật hoa.Và như vậy chúng phải tiếp xúc với cả ngàn bông hoa trong mỗi ngày.

Nhờ vào cuộc sống là hút mật hoa,chim ruồi cũng là loài giúp trong việc thụ phấn của các loài hoa để kết trái,đây là mặt tích cực mà loài chim nầy đã giúp ích cho con người.

Đến đây thì tôi đã điểm danh được khoảng 20 loài chim thường có mặt ở xứ ta vào thời gian vào thuở ấy,cũng có một số loài mà không được ghi danh chúng vào đây,là vì số lượng của chúng quá ít,vã lại lại ít người biết đến,ví như loài Tràu Trảu,chúng chỉ có một số rất ít,thường về đào hang nơi bờ sông tại vực cơm (Bờ bên trên hố Gò Dưa đám thổ của Bà Bung) mấy anh Tằng hăng chẳng hạn,mấy ảnh chui nơi đâu khó mà nhìn thấy.Mấy anh Te Te cũng vậy,chỉ một đôi anh chạy tưng tưng trên gò Tràm hay bãi cát sông vào buổi trưa đứng bóng mà thôi. Loài chim Cú thì thỉnh thoảng vào ban đêm chúng bay ngang qua xóm mà kêu mấy tiếng,làm cho bà con hõan hồn mà suy đoán hên xui đủ thứ,con chim gõ kiến chẳng hạn,lâu lâu mới nghe các anh đánh vài hồi mõ,lúc bình thường thì các anh lặng đâu mất không thấy tăm hơi.Ngoại trừ một số các loài chim ít ỏi nầy,còn lại tất cả các loài chim thường có mặt cùng chung sống với bà con tại xóm làng chúng ta vào thuở ấy, tôi đã điểm danh và ghi lại về chúng khá đầy đủ.Ghi lại tương đối đầy đủ về các loài chim vào thuở ấy,vì là cái thuở ấy, đất nước còn đang được thanh bình, con người và kể cả các loài chim chóc cũng đều có một cuộc sống tốt đẹp,bởi môi trường sinh thái đang trong trạng thái còn được rất tự nhiên.Còn bây giờ thì sao,xin chịu,có lẽ rất nhiều loài chim đã hầu như bị tiệc chủng,ví như loài chim sẻ, hay anh chàng chim ruồi nầy đây cũng vậy.

Đến đây xin được khép lại chương viết về các loài chim từ thuở ấy ở bên nhà,tại vì tại xóm làng chúng ta, tôi đã soát kỹ cũng chỉ có được chừng đó loài, thường chúng hoạt động bên cạnh con người là bà con nhà ta vậy. Nếu kể về loài chim trời thì có hàng hà sa số loài,cả lớn và cả nhỏ nhưng nơi xóm làng chúng ta vào thuở ấy thì chỉ có chừng đó loài, thường sống gần chúng ta mà thôi.Vì vậy xin được khép lại bài viết về chúng tại nơi đây.

Đoạn kết:

Tôi phải kể một chút về cái xứ Mỹ, cái nơi mà gia đình chúng tôi đã đến và đang sinh sống. Nơi đây là vùng Đông Bắc nước Mỹ,gia đình chúng tôi đang sinh sống tại Tiểu Bang Connetticut,Thành phố East Hartford, đường Naomi Driver,số nhà 138.Tiểu Bang Connecticut là một trong sáu Tiểu bang đầu tiên khi thành lập nước Mỹ.Miền Đông bắc Hoa kỳ một vùng mà khí hậu tương đối là khắc nghiệt, vì nằm trong vùng lạnh giá,một năm được chia ra làm bốn mùa hẳn hoài: xuân hạ thu đông.Mỗi mùa mang một sắc thái riêng biệt không nhầm lẫn vào đâu được.Mùa xuân kể từ đầu tháng 3 tây lịch, khí trời tương đối dịu dịu mát, thời gian đầu mùa thì cây cối vẫn còn đang trơ cành trụi lá,tuy nhiên, mầm hoa trên tất cả mọi loài cây cối đang chơm chớm ướm nụ,để chờ đến khoảng nữa tháng tư, thì tất cả các loài hoa ấy đều được nỡ rộ một lần, để cho một rừng hoa đủ màu sắc, trải dài trên khắp mọi miền lãnh thổ của Tiểu Bang. Hoa trổ bông xong thì lá cây mới bắt đầu nhú mầm mà tỏa lá non, để phơi dưới ánh nắng mặt trời mà trưởng thành vào giữa mùa hạ,lúc nầy thì khung của lá mới lớn một cách đầy đủ phân dày của lá cũng được dày đầy đủ hơn, tất cả các loại lá đều mang một màu xanh biếc, giữ trạng thái ấy cho suốt cả hai tháng kế tiếp,rồi sau đó lại trở thành già nua để phải chuyển màu vào đầu mùa thu.

Đến giữa mùa thu thì mọi cây cối đều chuyển mình thành nhiều màu sắc khác nhau:vàng,tím,đỏ,ua úa pha trộn cùng với màu xanh của lá thông, màu sắc trộn vào nhau trong mọi khu rừng tạo thành một bức tranh muôn màu, muôn vẻ tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã bài trí, để phô diễn khung cảnh đẹp đẻ của mùa thu dành cho nước Mỹ. Nhưng rồi cái rừng lá tuyệt đẹp ấy, cũng phải tàn tạ để bước vào giai đoạn phải bị rơi rụng , để trả lại khung cảnh ảm đạm cho mùa đông.Tại các khu dân cư lúc lá rụng xuống bên mặt lề đường và ngay trong vườn ở ,thì dân chúng từ mỗi gia đình đều lo dọn dẹp một cách thật sạch sẽ,để khỏi phải vướng bận bởi mùa tuyết sắp rơi. Tất cả mọi cây cối vào lúc nầy thì đã trơ cành, đưa những bộ xương cách trí để phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Trong lúc ấy khí trời lại bắt đầu se se lạnh,để rồi dần dần trút cái hơi lạnh bút ấy vào da thịt con người, cho suốt cả một mùa đông.Có nhiều năm tuyết rơi rất sớm, vào ngay dịp trước lễ Tạ Ơn, vì vậy trên mọi nẻo đường lại phủ đầy một màu tuyết trắng ,và kéo mãi cho đến lễ NOEL 25/12 Giáng Sinh để kéo hết đến cuối năm tây lịch,,lúc bấy giờ cái lạnh lại càng thấm vào da thịt con người một cách dữ dội hơn,và cứ như vậy cái lạnh ấy cứ tăng dần,tăng dần vào khoảng tháng giêng,tháng hai của năm mới,cái lạnh cứ tăng lên đến mức phải âm đến 10 độ C, hay hơn nữa vào ban đêm như năm nay 2025 chẵn hạng.Cái lạnh xuống đến mức như vậy,tại xứ nầy cũng là chuyện khá bình thường.Tuy nhiên, con người vẫn không phải bị phân vân gì bởi từ cái lạnh ấy, vì nhà nhà mà người dân đang cư ngụ,cho chí đến tất cả mọi công sở công cọng,kể cả chợ búa đều có hệ thống sưởi ấm một cách đầy đủ,vì vậy mà mọi sinh hoạt ngoài xã hội vẫn quay đều trong một trạng thái thật bình thường.

Tại cái xứ nầy,với các loài động vật hoan dã thì có vô số,không thể kể hết được, tôi xin lược để kể ra đây một số,mà chúng đang sống quanh quẩn nơi khu vườn nhà tôi ở mà thôi. Về các loài chim,.chúng có quá nhiều loài,nhưng hình dạng hơi khác lạ kể cả về màu sắc đối với các loài chim ở xứ ta ngày trước, nên không gọi tên đúng cho từng loài được,tôi chỉ biết một số ít những loài có hình dạng quen thuộc,như chim sẻ,chim sâu,chích chòe lửa,chim sáo đá,chim cu .Lúc tuyết vừa tan, khoảng 15/3 hằng năm, không khí mới vừa ấm lại một tý là chúng chạy nhảy loạn xạ trong vườn,nhất là loài chích chòe lửa.Những loại chim nhỏ con như chim sâu,chim sẻ,về mùa đông tuyết rơi chúng rúc để núp dưới gốc các bụi cây nhỏ và nơi các bụi cây cảnh trước sân nhà tôi, trong nhiều tháng để bảo toàn mạng sống,nhưng việc ăn uống của chúng trong suốt thời gian nầy thì chúng ta đành chịu thua,chỉ đoán thôi,có lẻ chúng có một số năng lượng dự trữ nào đó,do vậy nên chúng vẫn sống một cách thỏa mái,sắc thái vẫn tươi tắn, lúc khí trời vừa ấm chúng bay nhảy mà chúng ta nhìn thấy.Tại vườn nhà tôi ở có khá nhiều loài chim,ví như loại chim cu,loại nầy màu mè lông lá thì giống nguyên như loại cu cườm ở xứ ta,nhưng thân hình thì nhỏ chỉ bằng mấy con cu ngói,không có cườm nơi cổ,chúng sống từng nhóm nhỏ,mỗi nhóm từ 4,5 con,nhưng có rất rất nhiều nhóm như vậy.Chim quạ thì quá nhiều,chúng sống từng đàn rất đông,chúng chỉ bay về đậu trên cành cây tại các xóm nhà dân vào những ngày mà tuyết đổ xuống ngập mặt đất,lúc tuyết tan thì chúng bay đi ăn tận nơi đâu không một ai biết..Ở xứ nầy cũng có cả loài chim Cắt Cu, chúng bay liếc trên bầu trời từng nhóm 4,5 con,cũng còn có loại chim gõ kiến nữa, các loài chim nầy chúng có mặt thường xuyên, nếu ai để ý thì sẽ nhìn thấy chúng ngay.Có rất nhiều loài chim mà hình vóc lớn bằng cỡ loài Chất Hoạch, chào mào màu sắc lông lá đẹp lắm,nhưng không biết tên,mà cũng không dám đặt tên để gọi chúng một cách ẩu tả được, nên đành chịu !!

Nếu đi xa hơn một chút ra khỏi khu vườn ở một đoạn, đến các khu công viên gần chung quanh đây ,thì sẽ gặp được vô số là các loài chim quen biết, nào là ngỗng trời, thân hình chúng to lắm,cổ cao,nếu chúng nhướn cổ lên,có thể cao đến cả trên một thước tây,tiếng kêu của chúng oang oang.Loài Ngang cũng vậy,(đấy là giống vịt Xiêm) cũng to con.Còn loại vịt trời thì cũng to xác lắm,giống nguyên như loại vịt nhà ta nuôi, còn giống le le thì nhiều vô kể,chúng dạn lắm không biết sợ người,có lẽ vì suốt cuộc đời của chúng đã không một lần ai dám đụng đến chúng cả.Các loại chim nầy thì đã nhiều lắm rồi,cứ mỗi lần mà một bầy chúng lểnh mễnh đi ngang qua đường,thì tất cả xe cộ đều phải dừng lại,mà chờ cho chúng đi qua xong lúc ấy xe mới được chạy,nhiều lúc phải chờ đến cả nửa tiếng đồng hồ.Còn một loại mà số lượng nhiều vô kể đó là loài chim bồ câu, chúng có quá nhiêu bầy ,mà mỗi bầy ít nhất cũng cả ngàn con, ban đêm chúng ngủ dưới các rầm cầu,lúc trời nắng chúng lại bay đến các khu công viên nằm trong khu phố,vì những nơi đó chúng luôn được mấy ông,bà cụ già cho chúng ăn,họ na ra cả một bao gạo đầy để rãi cho chúng ăn.Đó là một số các loài chim trời,còn nhiều loài sống nơi xa người thì không biết được, thành thử không thể nào kể ra cho hết được, bởi ở cái xứ nầy súc vật được bảo vệ tuyệt đối,ai đụng đến chúng thì sẽ bị phạt vạ nếu bị nhân viên công quyền phát hiện thì phải mất thật nhiều tiền,một số trường hợp nếu xâm phạm đến chúng một cách nặng hơn,thì sẽ truy tố ra tòa án tức sẽ bị phạt tù một gông.

Còn các loại động vật bốn chân kể cả lớn nhỏ,chúng sống ngay trong vườn rất gần gũi với con người .Trước tiên phải kể đến là mấy chú sóc,nhiều lắm,có một loại nhỏ con thôi,mà tôi phải đặt tên cho chúng là chuột sóc.Sóc ở xứ nầy chúng có màu lông giống nguyên như những chú sóc ở Miền Đông,hay trên vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam ta vậy,toàn là một màu lông xám tro.Còn loại chuột sóc chúng chỉ nhỏ như ngón chân cái, có lông màu nâu với hai sọc sẩm đen trên lưng, giống nguyên như loại sóc tại miền trung du đất Quảng Nam ta vậy, chúng đào đất để sống trong hang. Còn loại Thỏ rừng thì nhiều lắm,tất cả loài thỏ rừng chỉ có duy nhất một màu lông xám xám,chúng luôn có mặt nơi vườn ở của chúng tôi,cùng các khu vườn nhà hàng xóm hằng ngày. Đôi lúc chúng cũng có ăn hết một ít rau muống,rau lang, nhưng chỉ ít thôi, đa phần là chúng ăn cỏ,vì lá cỏ rất non nên rất ngon. Tiếp đến là các loại chồn,nào là chồn cây,chồn hôi,và nhiều loại không biết tên, nhưng đã từ rất lâu tôi vẫn không thấy mấy chú chồn đèn thấp thoáng. Đặc biệt là giống Hải Ly chúng nó hung dữ lắm,chúng lại là loài ăn rau quả,không phải ăn động vật,vì vậy nếu chúng rúc vào được trong vườn là chúng ăn như bò trật bịt,ghê lắm,rau muống,mồng tơi các loại lá đậu,nếu bị chúng càng qua là phải cắt bỏ, hư hết ,thành thử phải luôn đặt bẩy mà bắt chúng.Tôi có hai cái bẩy lồng,bắt được chúng nhiều lắm,nhưng mà rất cực,bắt được chúng là tránh được chuyện chúng ăn phá rau,nhưng cái mệt là phải chở chúng đến những khu rừng thật xa cả hàng trăm cây số để thả chúng trong đó,thành ra không đặt bẩy để bắt chúng thì không được,nhưng bắt được chúng lại càng mệt dữ dằn hơn,bởi cái việc phải đi thả chúng vào rừng để chúng sống,đó là một việc làm quá mất công,nhưng mà không thể tránh được.

Không những các loại chồn nầy đâu,phía sau nhà tôi có một thẻo rừng,nai với gà tây bọn chúng sống trong đó nhiều lắm,ở đây người ta gọi loại con nầy là Deer, nên chúng tôi cũng gọi chúng nó là nai,thật sự loại nai chà nó ở mấy khu rừng phía bên ngoài nhà chúng tôi cỡ vài trăm mét,còn tại khu rừng sau vườn là loại thú nhỏ con,hình thù của chúng chỉ lớn bằng con Man ở xứ ta.Bầy ở tại nơi nầy đông lắm có khoảng trên vài mươi con,chúng thường ra dạo quanh vườn kể cả ban ngày,mà nhiều nhất là ban đêm.Loài nầy chúng nhảy cao dõi một cách tuyệt vời,chúng đứng sát vào bờ rào,rồi chúng chúm chưn nhảy tưng lên một cái thật cao là chúng vào được bên trong vườn ngay.Loại lưới B40 cao 1,5 chúng nhảy qua như là chỗ không có bờ rào, thành thử không có cách nào rào để ngăn được chúng, do vậy mà tôi cứ phải để mặc kệ chúng, lâu lâu chúng lại rúc vào vườn rau, chúng dậm thì nhiều còn ăn thì ít thôi,.Chúng rất thích ăn lá bí đỏ,đôi lúc chúng đứng gặm luôn cả trái bí, ban đêm có ai xua đuổi gì chúng đâu nên chúng cứ thảnh thơi đứng gặm.Có lẽ chúng có cả hai hàm răng như loài ngựa là phải,vì chúng gặm,chúng khoét cái lỗ trên trái bí đẹp lắm.Còn một loài nữa là Gà Tây,chúng cũng ở tại thẻo rừng nầy ,thỉnh thoảng chúng dẫn nhau ra cả bầy,có cả trống,lẫn mái,thấy chúng thì nhìn mà coi chơi thôi,không một ai làm gì chúng,nên chúng không bao giờ sợ người.

Còn một loại nữa là Rùa núi,chúng bò lên vườn nhiều lắm,nhiều lần,mỗi lần tôi thấy tôi cũng bắt nhốt lại để cho mấy đứa cháu chúng coi cho biết, khi các cháu coi xong thì phải mang chúng ra hố nước phía sau mà thả.Có một lần vào đâu khoảng mùa hè năm rồi,nó bò vào vườn một con to, to bằng chiếc nón lá nhỏ của trẻ em. Mà không biết gọi tên nó là con gì, hình thù thì giống như con Trạnh, nhưng tôi không thể quả quyết con nầy đúng là con trạnh, vì lâu rồi cũng hơi quên cái hình thù của loài nầy,nhưng không phải là loài Ba Ba,càng không phải là lọai Rùa,vì con nầy không có cái mu cao của rùa,vì cái mu thì thấp mà cái mai chung quanh lại cứng,Ba ba thì cái mai chung quanh rất mềm,vì vậy tôi chịu không biết gọi nó là loại con gì. Nhưng tôi cũng bắt nhốt lại cho mấy đứa cháu tôi chúng nó xem, lúc chúng xem xong,là phải na ra ngoài hố nước phía sau nhà mà thả.

Đấy,những loài vật hoan dã tại xứ nầy thì quá nhiều , tôi chỉ kể ra một số con vật sống quanh quẩn trong khu vườn nhà tôi để mọi người biết cho vui mà thôi. Đến sống tại xứ nầy,tôi không làm cái việc đi tu,nhưng tinh thần như là người đã tu hành, nhiều lần bắt được những con vật các loại nầy,ngày xưa ước ao bắt được một chú là làm thịt ngay,bởi từ cái sự thèm thuồng.Hồi cải tạo tại trại Tiên Lãnh,đi phát rẩy Đồng Dung tôi đã bắt được cả mười mấy con rùa núi làm thịt để xơi,ngon lắm. Nhưng bây giờ bắt được đủ loại con thuộc các loài thú hoan dã, nhưng lại không mảy may muốn làm thịt chúng một chút nào như ngày trước nữa.Đó là cái khác nhau ở chỗ đó. Có thể là do ảnh hưởng bởi từ nền văn hóa tại cái xứ văn minh nầy, mà cũng có thể tại vì cái no đủ đã khiến con người trở nên hành thiện như vậy ,suy ngẫm cho cùng cổ nhân của chúng ta đã nói đúng : “Phú quý sinh lễ nghĩa”.Thiện là do từ cái phú mà có.Nhưng muốn có cái “Phú” thì phải bỏ hết tâm huyết ra mới thực hiện được,tức phải vận dụng hết kiến thức, cọng với sức lực của mình có,không những thế, mà luôn luôn phải trong trạng thái bình thản, không bao giờ tỏ ra chán nản,kể cả lúc tuổi thơ còn đang cắp sách đến trường cũng phải vậy.Quan trọng hơn là lúc trưởng thành, phải ý thức đúng với nguyên tắc ấy để mới làm việc được thật tốt.Nếu ý thức được như vậy mà làm đúng như vậy,ắt ta sẽ đạt được cái tiêu chuẩn của cái “Phú” để hưởng được cái “Quý”,và sẽ thực hiện được cái “Thiện”,đúng với cái đạo làm người vậy.

Ngày 15 tháng 3 vừa rồi,nhằm ngày chủ nhật,cái ngày nầy vào năm 1995, gia đình chúng tôi được lên tàu để đi sang Mỹ định cư theo diện HO. HO là gì? Là cái biệt hiệu để chỉ cho những người tù cải tạo dưới chế độ cộng sản Miền Bắc của Bác Hồ,khi mà bác cho xua quân chiếm được Miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975,để rồi tất cả quân,dân,cán chính của Miền Nam,phải đi tù cải tạo,do chính sách áp đặt bởi sự trả thù của chính quyền Miền Bắc mà Bác cai trị.

Ngày 15 tháng 3 vừa rồi,tất cả con cái nhà chúng tôi, chúng đều nhớ rõ về cái ngày nầy, đó là chu niên của ngày đúng 30 năm tính lui về trước,mà cả gia đình phải rời quê để đến một xứ lạ hoắc định cư, để bây giờ phải nói lại là, nơi đây là quê hương thứ hai của mình.Nhưng tất cả các con của tôi chúng ngoài việc nhớ cái ngày kỹ niệm nầy,chúng cũng đều nhớ lại cái xứ đất Quảng nam, nơi quê gốc của chúng, mà nơi ấy đã có thật nhiều kỹ niệm đối với chúng.Cái kỹ niệm nhớ khá kỹ của chúng là nơi mình xuất thân là đất Quảng Nam, cái vùng đất thật nghèo nàn,nhưng đã cho nhiều sự kiện thật đáng nhớ.Cái đáng nhớ nhất là thời tiết của tháng 3, cái tháng mà Tu Hú bắt đầu kêu,báo hiệu đã đến mùa được cá chuồn,dân chài phải ra khơi dài ngày để đánh bắt loại cá chuồn.Người ở miệt nguồn thì đã làm chủ được thật nhiều loại mít non.Do vậy mà người từ hai miền cao và sâu mới có sự trao đổi qua về lẫn nhau, để tạo nên câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn,Mít non gởi xuống,cá chuồn gởi lên”.

Còn cái món ăn thuần túy của người dân Quảng ta là món “mì Quảng” nó đã trở thành món ăn đặc sản,được gắng liền với cái danh của người dân đất Quảng Nam, mà đã được trải rộng ra khắp bốn bể năm châu,bởi từ cái biến động lịch sử vừa qua hồi 1975.

.Hôm 15 tháng 3 vừa rồi,cả nhà chúng tôi,con dâu rể,cháu nội,cháu ngoại,tất cả đều tập trung về tại nhà đây,để cùng chung vui với nhau gọi là mừng kỹ niệm chu niên ngày tròn 30 năm xa quê, để đến định cư một cách vĩnh viễn tại Hoa Kỳ,mà làm công dân Hoa Kỳ.Để kỹ niệm chu niên cái ngày đúng 30 năm xa quê,cũng để ghi nhớ từ cái xuất thân của mình,các con chúng tôi chúng đã thực hiện hai món ăn đặc biệt được gọi là món đặc sản của người Quảng Nam đó là: “Mì Quảng"và “Mít trộn” hai món ăn biểu tượng của người Quảng nam, để nhắc nhở về cái xuất xứ của mỗi đứa và cũng để gợi nhớ nhắc cho các cháu cả về hai mặt: Nhớ ngày xa quê hương gốc,nhớ món ăn thuần túy của người dân Quảng Nam là Mì Quảng, với Mít trộn.Dĩ nhiên hôm ấy cũng có thêm một số món ăn phụ mà các đứa cháu ưa thích nữa.

ngày 20/3/2025

Phan công Thạnh.

CHẤM HẾT.